Có thể bạn cũng đã biết điều này, mỗi khi có cuộc gọi đến, bạn bấm nút nhấc máy và đưa điện thoại lại gần tai để nghe, ngay lập tức màn hình smartphone sẽ tự động tắt. Và có thể bạn cũng hiểu việc màn hình smartphone tắt trong khi nghe điện thoại là cực kì hữu ích để tránh trường hợp một bộ phận nào đó trên cơ thể chạm vào màn hình và gây gián đoạn cuộc gọi (thử tưởng tượng tai bạn chạm vào nút tắt máy mà xem).
Đó là chưa kể việc tắt màn hình vào thời điểm này còn giúp smartphone tiết kiệm được kha khá pin nữa đấy! Thế nhưng, bạn có biết tại sao smartphone lại có thể làm điều này hoàn toàn tự động không?
|
Trên một chiếc smartphone nhỏ bé là rất nhiều cảm biến khác nhau. (Ảnh: CNET) |
Thực tế, khả năng này là nhờ một cảm biến có tên gọi cảm biến tiệm cận. Trên smartphone, cảm biến này thường đươc bộ trí ở mặt trước, gần khu vực camera tự sướng hay loa. Loại cảm biến này có cơ chế hoạt động khá đơn giản khi phát ra một loại ánh sáng, một trường điện từ hoặc một chum bức xạ. Cảm biến tiệm cận sau đó sẽ theo dõi tự thay đổi của các loại “tín hiệu” này để xác định xem smartphone có đang ở gần cơ thể bạn (nghe nghe điện thoại) hay không để phản hồi tương ứng.
Theo nhiều trang công nghệ, phạm vi hoạt động của cảm biến tiệm cận trên smartphone thường giao động trong khoảng từ 2 cm đến 5 cm. Tuy nhiên, cũng có nhiều cảm biến tiệm cận mạnh mẽ hơn và được ứng dụng trong các lĩnh vực khác.
Lần tới khi nghe điện thoại, chắc chắn bạn đã hiểu tại sao màn hình smartphone lại luôn tắt khi đưa lại gần cơ thể và cảm ơn loại cảm biến nhỏ bé và âm thầm này đã mang đến chất lượng cuộc gọi tốt hơn.
Theo Lê Nam Khánh/ Saostar