Biến vợ thành bản sao của mẹ chồng

Google News

Tôi vẫn yêu chồng, vẫn muốn cùng anh đi hết con đường vợ chồng cho đến khi đầu bạc răng long. Nhưng chưa đi hết nửa con đường ấy thì tôi đành dừng lại. Tất cả chỉ vì tôi không thể sống để làm bản sao của mẹ chồng.

Khi mẹ là "thần tượng sống" của chồng
- Mẹ là thần tượng sống của anh bây giờ và là mãi mãi về sau. Bà là một người mẹ tuyệt vời.
Ngày còn yêu nhau, kể về gia đình, chồng tôi đã nói về mẹ mình như thế. Ngày đó, tôi cười bảo anh đúng là con trai có hiếu. Dù trưởng thành rồi mà anh vẫn thần tượng mẹ mình như thuở còn "nằm nôi". Những ký ức anh nói về mẹ lúc nào cũng đẹp, tôi hiểu bởi trong cuộc sống của chồng tôi, bà vừa là người mẹ vừa là người cha đáng kính.
Bien vo thanh ban sao cua me chong
 Ảnh minh họa.
Sau này khi về làm dâu, tôi được biết đến thiên tình sử của mẹ chồng tôi. Ngày đó, bà yêu một người đàn ông hào hoa lãng tử. Tình yêu của bà lớn lao và hết mình. Cho đến ngày bà mang thai thì người đàn ông ấy truất ngựa truy phong. Thương bản thân, thương đứa con bắt đầu thành hình trong bụng, và hận cả người đàn ông bội tình ấy, bà đã quyết làm một người mẹ đơn thân. Sau này, chồng tôi kể lại không ít lần nỗi đoạn trường làm mẹ đơn thân của bà. Sinh ra trong một gia đình gia giáo, việc bà không chồng mà chửa là một nỗi ô nhục cho cả gia đình lúc ấy. Tất cả mọi người đều khuyên bà bỏ cái thai để làm lại cuộc đời. Bởi lúc ấy bà còn trẻ lắm mới 24 tuổi, tất cả vẫn còn cơ hội để bà có thể tìm một người đàn ông khác và bước vào cuộc sống hôn nhân yên ổn. Nhưng bà đã tìm cách bảo vệ cái thai, chấp nhận ra ngoài thuê nhà sống để sinh con, tránh tai tiếng cho gia đình.
Giận đứa con gái bất trị không nghe lời làm ô danh gia đình nên bố mẹ bà cấm người thân không được đi lại giúp đỡ bà. Hai 25 tuổi làm mẹ, bà một mình xoay xở để nuôi con. Vì được ăn học đàng hoàng nên sau thời gian sinh con nhỏ, bà tìm được việc làm ổn định. Sau đó có rất nhiều người tìm đến để cầu hôn nhưng bà từ chối tất cả chỉ vì hận đàn ông bạc bẽo. Bà ở vậy nuôi đứa con khôn lớn, một mình vừa làm mẹ vừa làm bố. Có lẽ vì sự chu toàn ấy nên chồng tôi lớn lên không cảm nhận sự thiệt thòi nhiều. Mẹ anh biết cách để anh chấp nhận làm một đứa trẻ không có cha, chấp nhận người mẹ "2 trong 1".
Mẹ chồng tôi là một phụ nữ bản lĩnh. Tôi phải thầm công nhận như vậy. Bởi nếu ở trong hoàn cảnh của bà tôi đã không thể một mình nuôi con khôn lớn, không thể phấn đấu để có được một vị trí đáng nể trong xã hội. Ngày đầu tiên đến nhà anh, tôi choáng ngợp trước những thành tích bà đạt được. Cúp vàng, giải thưởng, bằng khen treo đầy nhà. Anh giới thiệu từng dấu ấn thành tích của mẹ mà không khỏi tự hào và bảo chỉ ước lấy được một người vợ giống mẹ mình. Đúng là người mẹ ấy đã trở thành thần tượng sống trong anh tử nhỏ cho đến lớn.
Biến vợ trở thành bản sao của mẹ
Trước khi cưới anh bảo sau này dù thế nào thì hai vợ chồng cũng sẽ sống chung với mẹ. Đó là cách duy nhất để anh báo hiếu. Tôi không mấy phân vân vì cho rằng điều ấy là tất nhiên vì cả cuộc đời bà đã gắn bó và hi sinh hết cho con trai thì chẳng có lý do gì để sau này phải sống riêng cô đơn một mình. Tôi chuẩn bị sẵn tư tưởng cho cuộc sống chung với mẹ chồng lâu dài. Bản thân tôi cho rằng một người mẹ đã sống hết mình vì con cho đến lúc này thì sẽ không bao giờ là vật cản và làm một điều gì đó để ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân. Nhưng tôi đã nhầm...
Bien vo thanh ban sao cua me chong-Hinh-2
Ảnh minh họa. 
 - Anh đừng bắt em phải sống và có suy nghĩ giống mẹ bởi cuộc sống của em không thể giống như mẹ. Em có thể kính trọng và khâm phục mẹ nhưng điều đó không có nghĩa là em phải sống giống như bà.
Đã bao lần tôi nói với chồng như thế khi anh luôn ép buộc tôi phải sống đúng như cái cách mà bao năm nay mẹ anh đã sống. Tôi là một phụ nữ làm trong khối kỹ thuật chuyện thêu thùa, bếp núc tôi không được khéo léo như mẹ chồng. Mỗi mùa rét đến thay vì mua len về tỉ mẩn đan cho chồng một chiếc áo len, một chiếc khăn quàng cổ cho ấm như mẹ chồng thì tôi lại ra hàng và mua về một lúc mấy chiếc đủ màu sắc và thời trang. Chồng tôi không hài lòng, anh cho rằng tôi phải học mẹ, chịu khó đêm về tranh thủ ngồi đan mỗi lúc một ít như thế thì mới tình cảm. Khi mặc những vật do chính tay vợ mình đan anh càng cảm thấy yêu và quý trọng nó hơn. Điều đó giúp cho tình cảm vợ chồng tôi càng bền chặt. Tôi giải thích, thời đại công nghiệp, tôi vốn vụng với những thứ ấy lại không có thời gian. Mặt khác, không tự tay đan áo, đan khăn cho chồng không có nghĩa là tôi không yêu hay lơ là sự chăm sóc anh.Vậy mà anh cố tình không hiểu, bảo tôi không làm được như mẹ.
Sau chuyện ăn mặc là đến chuyện bếp núc. Anh bảo tôi sống công nghiệp quá, mai này sẽ không biết dạy con. Bởi chuyện gì cũng ỷ lại cho bà giúp việc và mẹ chồng. Anh trách tôi không dành thời gian nấu ăn cho chồng, không biết học hỏi những món mẹ chồng nấu ngon để nấu cho chồng ăn. Dù giải thích rằng ngoài thời gian dành cho công việc ở cơ quan, khi về nhà tôi còn phải lo cho hai đứa con. Chuyện nội trợ và bếp núc tôi đành nhờ bà giúp việc mà mẹ chồng. Thời gian eo hẹp, làm sao tôi có thể kiêm một lúc chừng ấy việc. Vậy là anh hết chê trách lại hờn giận. Trong khi đó, mẹ chồng tôi thì lúc nào cũng áp dụng hoàn cảnh sống của bà vào tôi để quy kết và cho rằng tôi không tận tâm với chồng con.
Cuộc sống của tôi vô tình bị cái bóng vĩ đại của mẹ chồng chi phối và chèn ép. Bất cứ điều gì chồng tôi cũng có thể lấy mẹ ra để tôi học tập. Mỗi lần thanh minh là tôi lại được mẹ chồng gọi vào góp ý rằng hãy nhận lỗi với chồng để phấn đấu và sửa sai thay vì cãi lý lại. Cứ thế, hàng ngày, hàng giờ, tôi bị chồng áp đặt, bắt sống theo bản sao của mẹ mình.
Đạp đổ hạnh phúc để tìm lối thoát
Hai đứa con ra đời, kinh tế ngày càng một eo hẹp. Mẹ chồng tôi đã về hưu nên thu nhập cũng chẳng có nhiều. Chồng tôi là người an phận. Đó là tính cách anh có được từ sự bảo bọc quá nhiều từ mẹ chồng tôi. Ngày chưa sinh con, tôi chấp nhận cách sống ấy của anh vì cho rằng nó không ảnh hưởng đến nhiều cuộc sống hôn nhân. Thế nhưng khi hai đứa con ra đời, sự an phận đó của anh đe doạ đến an ninh kinh tế của gia đình. Một mình tôi không thể cáng đáng nổi chi phí cho hai đứa con thường xuyên ốm đau. Tôi bắt đầu đòi hỏi chồng phải năng động để san sẻ bớt gánh nặng kinh tế cho tôi. Nhưng thay vì làm điều ấy thì anh lại cho rằng tôi đòi hỏi quá nhiều. Mẹ chồng tôi thậm chí không khuyên bảo và động viên con trai thể hiện trách nhiệm đàn ông trụ cột trong gia đình mà còn hết lần này đến lần khác giáo huấn tôi bằng chính kinh nghiệm sống của cuộc đời bà.
 - Con hãy biết chấp nhận hoàn cảnh và tìm cách vươn lên thay vì dựa dẫm và đòi hỏi ở người khác. Ngày xưa mẹ một mình nuôi chồng con, vừa làm vừa học mà vẫn vượt qua tất cả, vẫn nuôi con khôn lớn đàng hoàng...
Bà nói nhiều về sự khổ cực mà bà đã trải qua. Tôi không phủ nhận sự tài giỏi ấy của bà. Nhưng hoàn cảnh sống của tôi khác hẳn với hoàn cảnh sống của bà trước đây. Tôi có chồng đàng hoàng và anh phải có trách nhiệm chung lưng đấu cật với tôi trong việc làm kinh tế và nuôi dạy con cái. Anh không thể an phận, bằng lòng với đồng lương chỉ đủ nuôi đúng bản thân mình; còn con cái thì để mặc vợ xoay xở. Bà nói tôi đã làm vợ làm mẹ thì phải hi sinh như cái cách bà đã hi sinh cho con trai mình.
Gần 7 năm làm dâu, tôi phải sống dưới cái bóng vĩ đại của mẹ chồng và sự áp đặt đòi hỏi của một anh chồng luôn muốn vợ phải trở thành bản sao của mẹ mình. Đã nhiều lần tôi đề cập đến chuyện sống riêng để chồng thoát khỏi sự bảo bọc của mẹ, để anh ấy nhận ra rằng giờ anh ấy đã trở thành một người chồng, người cha, phải có trách nhiệm với gia đình của mình thay vì lúc nào cũng dựa dẫm và tìm sự bao bọc ở mẹ. Thế nhưng chẳng những tôi bị mẹ chồng lên án mà còn bị chồng kịch liệt phản đối. Mỗi lần thiếu tiền đóng học hay tiền thuốc cho con không đủ, tôi kêu ca phàn nàn với chồng để anh hiểu rằng nhu cầu cuộc sống cần anh năng động hơn. Tôi đã gợi ý cho anh về công việc làm thêm mà bạn tôi giới thiệu cho. Người bạn đó cũng đang đi làm công việc ấy và cũng kiếm thêm được một nguồn thu rất khá. Thế nhưng thay vì động viên con trai đi làm để cải thiện kinh tế gia đình thì mẹ chồng tôi lại dấm dúi cho anh ấy tiền để đưa cho tôi coi như đó là tiền anh kiếm thêm. Tôi không bằng lòng với cách giải quyết của mẹ chồng vì muốn anh ấy phải trực tiếp kiếm tiền nuôi con thay vì dựa dẫm vào những đồng lương ít ỏi của mẹ. Sau này khi không còn bà giúp đỡ nữa thì sẽ ra sao?
Vì việc ấy mà tôi và mẹ chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn. Bà cho rằng tôi kém cỏi, không biết quản lý chi tiêu nên lúc nào cũng muốn làm khổ con trai bà. Những lúc như thế, chồng tôi lại đứng về phía mẹ, quay sang chỉ trích tôi sống chỉ biết có tiền. Cuộc sống hạnh phúc của chúng tôi cứ thế ngột ngạt dần. Cho đến một ngày tôi nhận ra mình không thể sống để làm một bản sao hoàn hảo của mẹ chồng, tôi cũng không đủ sức lực để cáng đáng kinh tế gia đình một mình mà không được ghi nhận. Tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện ly hôn để giải thoát cuộc sống ngột ngạt, luôn phải núp dưới cái bóng của một bà mẹ chồng hoàn hảo.
Nếu có ai hỏi tôi rằng có còn yêu chồng không tôi sẵn sàng đáp lại rằng vẫn còn tình cảm. Từ trong sâu thẳm tôi vẫn muốn chúng tôi đồng hành cùng nhau nuôi dạy con cái nên người. Nhưng tôi không đủ sức để tiếp tục làm một người vợ sống theo bản sao của mẹ chồng và một người chồng cứ mãi không chịu thoát ra khỏi cái bóng của mẹ mình.
Theo Khánh Linh/Phụ nữ Thủ đô