Cách chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng để tránh biến chứng nặng

Google News

(Kiến Thức) - Khi có các dấu hiệu của bệnh chân tay miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn cụ thể cách chăm sóc trẻ nhằm tránh biến chứng nghiêm trọng.

Bệnh tay chân miệng trẻ em thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và lây lan nhanh. Bệnh thường tự khỏi và không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu chăm sóc trẻ bị tay chân miệng không đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé.
Cach cham soc tre bi benh chan tay mieng de tranh bien chung nang
Nếu chăm sóc trẻ bị tay chân miệng không đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé. 
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Bệnh tay chân miệng cần được phát hiện và điều trị sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra. Tuy bệnh này có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết sớm trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu điển hình để kịp thời điều trị.
Theo đó các biểu hiện dễ nhận biết của bệnh tay chân miệng gồm:
- Sốt: Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt, biểu hiện sốt cao khó có thể hạ sốt là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
– Tổn thương ở da: Trẻ có biểu hiện rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như: Họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng nhằm tránh những diễn biến nặng, nguy hiểm.
Cách chăm sóc trẻ bị chân tay miệng

Mời độc giả theo dõi video "Nhiều hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư". Nguồn: VTC14.

BS. Nguyễn Văn Lâm cũng khuyến cáo, trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay chân miệng, cần đảm bảo:
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt... của trẻ.
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước mát. Không cho trẻ ngậm vú nhựa, ăn thức ăn thô cứng, đặc biệt là các loại thức ăn, đồ uống có vị chua, cay.
- Chỉ nên cho bé uống thuốc hạ sốt và giảm đau paracetamol. Các loại thuốc còn lại nếu dùng phải do bác sĩ kê đơn. Bổ sung đủ nước cho bé nếu bé sốt cao bị mất nước.
- Vệ sinh miệng cho trẻ bị tay chân miệng bằng dung dịch sát khuẩn.
- Ở các vết thương hở ngoài da do phỏng nước để lại nên dùng các loại dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
- Cách ly trẻ bị bệnh với những trẻ chưa nhiễm bệnh, người lớn khi chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng cũng nên đeo khẩu trang và rửa tay sạch bằng xà phòng để sát khuẩn, tránh lây lan sang những trẻ khác.
- Quần áo, tã lót hay vật dụng của trẻ bị bệnh cần được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2%. Hoặc có thể luộc qua nước sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
- Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh bị nhiễm khuẩn.
- Theo dõi sát sao tình trạng bệnh của bé để khi có dấu hiệu bất thường có thể ứng biến kịp thời.
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Phòng tránh bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ
Cach cham soc tre bi benh chan tay mieng de tranh bien chung nang-Hinh-2
Thường xuyên rửa tay chân cho trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh chân tay miệng. 
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Do vậy, các bậc cha mẹ có thể phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ bằng những cách sau:
Thường xuyên rửa tay chân cho trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là trước và sau khi ăn, đi vệ sinh.
Phụ huynh cần đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé. Đặc biệt là lúc thay quần áo, tã, tiếp xúc với phân, nước bọt hay khăn trải giường của bé.
Vệ sinh sạch các vật dụng như đồ chơi, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can sàn nhà.
Lau sàn nhà bằng nước lau sàn.
Thảo Nguyên (TH)