Chồng mắng vợ “đẹp cho ai ngắm” để rồi nhận được bài học nhớ đời

Google News

"Cuối tuần vừa rồi, tranh thủ chồng được nghỉ em đi làm tóc. Tính ra cũng gần 2 năm, từ ngày sinh tới giờ là tóc tơ em không có thời gian động tới...", người vợ kể.

Lấy chồng tâm lý , trong cuộc sống hôn nhân phụ nữ sẽ cảm thấy mình luôn có người đồng hành trên mọi chặng đường, mọi hoàn cảnh. Ngược lại, không may lấy phải chồng gia trưởng vô tâm, vợ sẽ lạc lõng trong chính tổ ấm của mình.
Cũng vì quá thất vọng lấy chồng gia trưởng , mới đây 1 người vợ đã lên mạng xã hội than thở về chuyện gia đình mình: "Cưới năm trước, năm sau em sinh đôi liền 2 nhóc. Cũng từng thuê vài ba giúp việc nhưng chăm 2 đứa trẻ vất vả nên chỉ được vài tháng là họ lại viện lý do xin nghỉ. Sau chán, chồng em bàn rằng vợ chấp nhận nghỉ việc ở nhà chăm con, anh sẽ lo kinh tế. Chứ cảnh thuê người cứ nhấp nhổm đứng ngồi, phụ thuộc người ta mệt lắm.
Dù không muốn nhưng với hoàn cảnh hiện tại, em chẳng còn cách nào đành phải làm theo phương án ấy. Chồng em cũng nghiêm chỉnh thực hiện giao kèo, lương, thưởng kiếm được bao nhiêu chuyển cả tài khoản vợ. Em ăn tiêu thế nào, anh ấy không quản. Tuy nhiên cùng với đó, anh giao phó hết luôn việc nhà cửa, con cái cho vợ. Bản thân anh không ngó ngàng, không hỏi han tới.
Nếu chỉ chăm 1 đứa con thì em không nói, đằng này những 2 đứa nghịch như giặc. Ngày lo cháo đão, sữa bột cho chúng đã mệt bở hơi tai, chưa nói tới việc nhà cửa, chợ búa, lại còn chăm thêm bố mẹ già nữa. 1 ngày em cứ quay như chong chóng, từ 5h sáng tới 12h đêm mới được ngả lưng. Ấy thế nhưng hễ cằn nhằn với chồng, anh ấy lại quát vợ: 'Em ở nhà chỉ việc chăm con thôi cũng than là thế nào. Anh phải đi làm nuôi ngần ấy miệng ăn còn chưa kêu'.
Tóm lại với chồng em, tiền đưa vợ là vạn năng, giải quyết hết vấn đề thay anh ấy. Còn lại vợ xoay xở, lo liệu thế nào là việc của vợ, anh không liên quan.
Cuối tuần vừa rồi, tranh thủ chồng được nghỉ em đi làm đầu. Tính ra cũng gần 2 năm, từ ngày sinh tới giờ là tóc tơ em không có thời gian động tới. Trước khi đi, em chuẩn bị hết đồ ăn thức uống cho con, lo luôn thức ăn cho cả nhà để chồng chỉ việc đun nóng là xong.
Thế mà ra tiệm ngồi được gần 3 tiếng, chồng em đã gọi điện, nhắn tin quát tháo ầm ĩ mắng vợ đi lâu. Anh gọi nhiều khiến nhân viên làm đầu cũng phải sốt ruột. Có điều đầu đang làm dở, em không thể đứng dậy mà về nên đành nhẹ nhàng bảo chồng cố gắng trông con cho vợ thêm lúc nữa. Không ngờ một lúc sau chồng em đã hùng hổ phóng xe ra tận quán người ta, hằm mặt quát vợ: 'Vứt con cho chồng đi mấy tiếng đồng hồ như thế à. Ở nhà chăm con, ăn bám chồng, làm đẹp ai ngắm. Muốn sống về ngay không đừng có trách'.
Không để em lên tiếng, nói xong anh quay về luôn khiến em chín mặt xấu hổ với khách khứa, nhân viên trong quán. Về tới nhà, anh lại nhắn tin giục song em đáp lại: 'Hôm nay tôi sẽ dành cả ngày đi làm đẹp. Không cần ai ngắm, tôi làm đẹp vì chính bản thân tôi. Anh thử vào vai của vợ 1 ngày để hiểu hàng ngày tôi 'sung sướng', nhàn hạ cỡ nào. Nếu thích, tôi sẽ đổi vai luôn cho anh. Từ mai tôi đi làm, anh ở nhà chăm con, lo nội trợ'.
Nói rồi em tắt máy luôn. Làm xong tóc, em đi làm móng với sửa lại đôi lông mày tới gần 7h tối mới về tới nhà. Cứ nghĩ kiểu gì thấy em, chồng sẽ nổi khùng. Không ngờ tới nơi, nhìn chồng tay cầm bát cháo chạy quanh nhà đuổi theo 2 đứa con đút. Cháo vương tận đầu, rơi tung tóe khắp sàn nhà, cơm nước còn nguyên chưa nấu mà em phì cười.
Không nói không rằng, em xắn tay vào bếp làm bữa tối, pha nước thay giặt cho con. Đêm về giường em hỏi: 'Sao rồi, anh có muốn đổi vai với vợ không. Thích nhàn thân thì ở nhà chăm con, em đi làm. Em tin, sức em đủ nuôi cả nhà, không để anh với các con đói đâu'.
Chong mang vo “dep cho ai ngam” de roi nhan duoc bai hoc nho doi
 
Nghe vợ nói, anh đỏ mặt cười gượng bảo: 'Thôi, anh chịu. Ở nhà chăm chúng có 1 ngày anh thở không ra hơi rồi. Thà đi làm, áp lực tí còn hơn'. Vậy là từ hôm sau, đi làm về thấy vợ nấu nướng anh cũng vào bếp phụ hoặc đi lau nhà, phơi đồ chứ không ì hết việc cho vợ như trước nữa".
Cuộc sống vợ chồng luôn cần sự sẻ chia. Nhiều khi đàn ông cứ nghĩ việc nhà là những việc không tên nên coi thường, không tôn trọng vợ. Tuy nhiên nếu các anh thử vào vai vợ vài ngày sẽ thấy, những việc không tên ấy khó nhọc và mệt mỏi không kém gì việc ngoài xã hội của các anh. Mong rằng sau chuyện lần này, anh chồng trong câu chuyện cũng như những anh chồng còn đang vô tâm khác sẽ hiểu, thông cảm và trân trọng những vất vả, hi sinh mà vợ đã, đang làm vì mình.

Theo Gia Đình và Xã Hội