Khi nào "cô Vy" đi thì em về

Google News

Tình hình này, bị thất nghiệp so với vẫn đi làm, không biết ai may ai xui. Chỉ mong "cô Vy" mau mau rời đi để cuộc sống trở lại như cũ.

Lục cục nấu gói mì cho xong bữa tối, rửa cái tô với đôi đũa xong, anh Hưng lại gọi điện về nói chuyện với vợ con ở quê. Vừa nhìn thấy mặt nhau trên màn hình, vợ anh đã vội vàng: “Đừng có mà gọi em về. Khi nào "cô Vy" đi thì em mới về!”
Từ ngày chớm dịch, anh thành trai độc thân… có vợ. Một ngày của anh vẫn bắt đầu lúc năm giờ ba mươi sáng, tập thể dục rồi đi làm, chiều về tự cơm nước, có một bộ quần áo nên tắm xong anh giặt luôn bằng tay. Cái máy giặt thất nghiệp mấy tháng nay, nhà có robot hút bụi lau nhà nên anh đỡ lau chùi quét dọn. Xong xuôi mọi việc anh mở máy gọi cho vợ con đang trốn dịch ở quê.
Khi nao
Chỉ mong Cô Vy mau rời đi để mọi chuyện trở về như cũ. Ảnh minh họa 
Ngay từ đợt đầu, nghe thông báo học sinh được nghỉ học, vợ anh đã tom góp kéo cả nhà về quê ngoại trốn dịch. Vợ làm bên dịch vụ, có thể làm online, ở nhà hay đến cơ quan cũng như nhau nên vợ chỉ cần xách ba lô lên và đi. Còn anh là quản đốc xưởng, làm sao mà nghỉ. Vợ chốt hạ:
“Thì nghỉ việc luôn. Lúc này tính mạng là quý, mà tình hình này công ty anh còn cầm cự được bao nhiêu ngày mà cố. Anh cứ cố đi, giới lúc ngăn sông cấm chợ. Anh có muốn về cũng không về được!”
Những ngày… mắc dịch, vợ con đi vắng, nhà chợt rộng thênh thang. Bạn bè cũng ngán dịch không dám đến tụ tập, bia từ Tết còn chất cả thùng đó, bia mà uống một mình khác nào uống thuốc bắc.
“Anh có dấu hiệu của bệnh trầm cảm rồi vợ. Em nhìn anh coi. Anh đã tăng bốn cân từ ngày em đi...”. Anh thểu não thế mà vợ vẫn khăng khăng: “Thế thì anh về đi. Sáng nào em với con cũng chạy bộ quanh đồi, không khí nơi này mát mẻ trong lành. Dân cư lại thưa thớt nên rất an toàn”.
Anh định nói. Không đi làm thì hàng tháng lấy gì trả góp với ngân hàng, còn bao nhiêu thứ nhiêu món phải lo, nhưng anh lại thôi vì biết vợ sẽ cương quyết. Ý của vợ là mọi nhu cầu khác đều có thể giảm thiểu tối đa, lúc này an toàn nên được đặt lên hàng đầu. Rồi mình sẽ làm lại từ đầu.
Tưởng mình anh thê thảm. Vũ bạn anh còn thê thảm hơn khi Tết vợ đưa hai con về quê, sẵn ở lại ăn cưới đứa em họ vào mùng Bảy và ở luôn chưa thèm vào, mặc anh thuyết phục là mình đủ sức đề phòng và cẩn thận. Vợ nói hai đứa con dễ gì chịu ngồi yên trong nhà mà đòi nhốt chúng, giữ được chúng cũng là cả một vấn đề. Thôi cứ để chúng ở nhà, ngày đi khơi nắng nghịch bùn đất cho thêm rắn rỏi khoẻ mạnh.
Đi làm về một mình với bốn bức tường, không có vợ hời con réo, rảnh quá, anh lấy bút lông biến đôi giày trắng của vợ thành đỏ, lúc nói chuyện với vợ anh cố tình để đôi giày lấp ló phía sau rồi giả bộ giật mình quay hướng khác.
Nói chuyện một lúc, anh làm bộ thểu não: “Vợ ơi, nếu anh có người khác, anh mang cô khác về nhà thì sao?”
Cứ tưởng vợ anh sẽ ba máu sáu cơn, ai dè vợ cười khình khịch: “Anh mang cô nào thì mang. Đừng mang cô Vy là được!”
“Dịch giặc gì có thể khiến các bà ấy chủ quan thế?” 
Trong bàn nhậu… online, một ông thốt lên: “Có khi tôi cũng kéo vali về quê thôi, công ty tôi không có nguyên liệu nên dừng rồi. Việc không có, nhậu cũng không gọi được ai, tôi nhớ thời chiều chiều rôm rả ngoài quán quá!”. Một người khác thở dài: “Tình hình này, bị dừng việc so với vẫn đi làm, không biết ai may ai xui. Thôi thì đất không chịu trời thì trời phải chịu đất chứ sao, ông về với mẹ con nhà nó đi. Chỉ mong cô Vy mau mau rời đi để cuộc sống trở lại như cũ”
“Thôi, hết ly này thì ngủ. Vy ơi là Vy. Tụi anh ngán em quá rồi!”
Theo Phunuonline