Kichmen1H “nổ” công dụng quá đà: Cứ quảng cáo “láo” thì nên tẩy chay

Google News

(Kiến Thức) - “Một sản phẩm thực sự tốt quan trọng là chất lượng và uy tín. Nếu đã quảng cáo “láo”, lợi dụng quảng cáo để lừa người tiêu dùng như Kichmen1H thì tốt nhất nên tẩy chay”, anh Nguyễn Hữu Đức bức xúc chia sẻ.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế mới đây đưa ra khuyến cáo người dân cẩn trọng với thông tin quảng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe KichMen1H trên website https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net do vi phạm quy định quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh.
Thực tế, theo tìm hiểu của Kiến Thức, Kichmen1H không chỉ quảng cáo “nổ” công dụng trên hai trang web https://kichmen1h.info và https://www.kichmen1h.net mà sản phẩm còn được quảng cáo và chào bán trên nhiều trang web bán hàng khác, cũng với cách thức nói vống về công dụng sản phẩm, khiến ngươi tiêu dùng dễ nhầm lẫn đây là thuốc trị bệnh sinh lý nam.
Trên các trang bán hàng như http://sinhlynam.strongmen1h.net/, https://thuocyeusinhlynam.com, https://muonladep.com/kichmen-1h/, https://www.wfot.org.au/kichmen-1h/, https://on25h.com/thuoc-kichmen-1h-co-tot-khong-gia-bao-nhieu/, https://nilp.vn/kichmen-1h/ Kichmen1H vẫn được quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc do các nói lập lờ về “khả năng điều trị các chứng bệnh yếu sinh lý, xuất tinh sớm, liệt dương,… “, hoặc thậm chí trắng trợn khẳng định đây là “thuốc có tác dụng bồi bổ sinh lực tự nhiên giúp bạn kiểm soát tốt hơn và chủ động được thời gian xuất tinh”…
Kichmen1H “no” cong dung qua da: Cu quang cao “lao” thi nen tay chay
Quảng cáo TPBVSK Kichmen1H khiến người bệnh hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh 
Với cách quảng cáo TPBVSK Kichmen1H vượt quá khả năng hỗ trợ điều trị bệnh của thực phẩm chức năng khiến người bệnh hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, nhãn hàng Kichmen1H đã có dấu hiệu vi phạm khoản 3, Điều 3 của Thông tư 08/2013/TT – BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Thông tư này quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm đó là “Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”. Theo Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo cũng nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Cách làm ăn coi thường luật pháp, coi thường sức khỏe người tiêu dùng như nhãn hàng Kichmen1H của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trí Lực Việt Nam khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc, thậm chí kêu gọi tẩy chay.
Anh Nguyễn Hữu Đức (Đống Đa, Hà Nội) bức xúc chia sẻ: “Một sản phẩm thực sự tốt quan trọng là ở chất lượng và uy tín. Chưa biết sản phẩm chất lượng tốt đến đâu, sử dụng có hiệu quả hay không, nhưng cách quảng cáo “láo” để lừa người tiêu dùng đã cho thấy doanh nghiệp không coi trọng chữ tín. Vì vậy, tôi cho rằng nếu đã quảng cáo “láo”, lợi dụng nội dung quảng cáo để lừa người tiêu dùng như Kichmen1H thì tốt nhất nên tẩy chay”.
Chị Nguyễn Mai Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ quan điểm tương tự như anh Đức. Chị Lan cho biết do chồng chị làm công việc liên quan đến máy tính, anh ngồi nhiều ít vận động, mỗi ngày “ôm” máy tính đến 12-13 tiếng, công việc cần sự tập trung cao nên thường xuyên căng thẳng. Đây là nguyên nhân chính khiến đời sống vợ chồng chị không được như ý. Muốn giúp chồng cải thiện tình trạng “yếu”. Chị Lan cho biết sẵn sàng mua cho chồng sử dụng thực phẩm chức năng tốt, hơn là một sản phẩm quảng cáo là thuốc mà chất lượng mù mờ không biết thế nào.
“Nếu Kichmen1H thực sự chất lượng, hiệu quả thì không có lý do gì họ không quảng cáo đàng hoàng là sản phẩm thực phẩm chức năng. Quảng cáo gian dối, “lập lờ đánh lận con đen” để người tiêu dùng nhầm là thuốc chữa bệnh rõ ràng là cách làm không đàng hoàng. Tôi cho rằng không thể tin tưởng chất lượng một sản phẩm mà mới ở khâu tiếp cận người tiêu dùng đã gian dối, lừa đảo như vậy. Tốt nhất là tẩy chay”, chị Lan kiên quyết bày tỏ quan điểm.
Thực tế, việc quảng cáo thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ dương tràn lan, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường đối với sức khỏe người sử dụng. Vì vậy người tiêu dùng nên tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định “xuống tiền” mua sản phẩm bổ dương, cường dương về dùng, để tránh nguy cơ “ngậm đắng nuốt cay” mua phải sản phẩm quảng cáo láo, quảng cáo thổi phồng công dụng, hoặc thậm chí sản phẩm chứa chất cấm nguy hại. Tốt nhất người có bệnh nên đi khám chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân bệnh và có phác đồ điều trị thích hợp.
An Lê