Lan Ngọc ung thư cổ tử cung: Chưa từng quan hệ có dễ mắc bệnh?

Google News

(Kiến Thức) - Trước đây, Ninh Dương Lan Ngọc từng mắc ung thư cổ tử cung nhưng may mắn chỉ mới bước vào giai đoạn đầu. Theo bác sĩ, các trường hợp chưa quan hệ tình dục, vẫn có nguy cơ ung thư cổ tử cung nhưng rất thấp.

Giống Hari Won, trước đây, Ninh Dương Lan Ngọc mắc ung thư cổ tử cung. Thông tin này được Lan Ngọc chia sẻ trong tập cuối chương trình “Chị em chúng mình” vừa lên sóng. Theo Lan Ngọc, cô bị bệnh này có lẽ vì sự chủ quan không đi khám phụ khoa hay tiêm chích phòng ngừa.
May mắn, bệnh tình của Lan Ngọc ở giai đoạn đầu. Nữ diễn viên kể, cô rất hoang mang khi biết bệnh tình. “Bác sĩ nói với Ngọc nếu chỉ chậm 1 ngày nữa thôi sẽ phải cắt bỏ buồng trứng”, Lan Ngọc chia sẻ.
Lan Ngoc ung thu co tu cung: Chua tung quan he co de mac benh?
 Lan Ngọc chia sẻ thông tin mình bị mắc ung thư cổ tử cung trong tập cuối chương trình “Chị em chúng mình” vừa lên sóng. 
Các bác sĩ cảnh báo, ung thư cổ tử cung thường xảy ra với bệnh nhân trong độ tuổi 40-70 nhưng cũng có thể thấy ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở tuổi 20.
Bác sỹ Chu Hoàng Hạnh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện K kể, bác sĩ từng điều trị cho một nữ sinh viên 19 tuổi. Khi phát hiện bị ung thư cổ tử cung, cô gái này đã sốc vô cùng vì cô chưa từng quan hệ tình dục và cũng chưa bao giờ đi khám phụ khoa.
Độ tuổi mắc ung thư cổ tử cung ở nữ giới ngày càng trẻ. Trước đây, phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung khoảng 55 tuổi thì nay chưa quá 20 tuổi đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng”, bác sỹ Hạnh cho biết.
Theo các bác sĩ, có nhiều bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa bệnh ung thư cổ tử cung và virut HPV. Nhiễm HPV được coi như nguyên nhân gây ra 95% trường hợp ung thư cổ tử cung. Có sự liên hệ chặt chẽ giữa ung thư cổ tử cung và hoạt động tình dục với vai trò truyền bệnh của virut. Hiếm thấy ung thư cổ tử cung ở phụ nữ không sinh hoạt tình dục.

Mời độc giả theo dõi video "Sự thật về "tài năng" của thầy lang chữa bệnh ung thư". Nguồn: VTV24.

Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện ở bất cứ người phụ nữ nào, tuy nhiên các đối tượng sau đây có nguy cơ cao hơn:
- Sinh đẻ nhiều lần
- Có nhiều bạn tình (nhất là những người này cũng có nhiều bạn tình khác nữa)
- Bị nhiễm vi-rut đường sinh dục sớm
- Bị nhiễm vi-rut đường sinh dục, đặc biệt là vi-rut papilloma
- Những phụ nữ hút thuốc
- Người đang điều trị bằng thuốc ức chế, giảm miễn dịch, làm cho họ dễ bị nhiễm trùng…
Triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung:
- Ở giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung: dị sản và loạn sản hiếm khi có triệu chứng do vậy chỉ phát hiện được khi làm phiến đồ âm đạo.
- Ở giai đoạn ung thư thể xâm lấn: Dấu hiệu chính là ra máu âm đạo bất thường, ra máu sau giao hợp có thể ít hoặc chảy máu nhiều như kinh nguyệt.
Triệu chứng thứ 2 là ra khí hư âm đạo màu vàng nhạt hoặc nhầy máu, đặc biệt ra khí hư rất hôi ở bệnh nhân có tổn thương hoại tử nhiều.
Một số bệnh nhân có thể có biểu hiện đau vùng thắt lưng cùng hoặc vùng mông, các triệu chứng này có thể liên quan đến các hạch vùng chậu hoặc hạch cạnh động mạch chủ chèn ép vào các rễ thần kinh thắt lưng cùng hoặc có thể gây ra giãn thận.
Ngoài ra còn một số triệu chứng liên quan đến trực tràng và hệ tiết niệu như: đi tiểu ra máu, đi ngoài ra máu có thể xuất hiện khi khối u xâm lấn vào bàng quang và trực tràng.
Lan Ngoc ung thu co tu cung: Chua tung quan he co de mac benh?-Hinh-2
Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện ở bất cứ người phụ nữ nào. Ảnh minh họa. 
Tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, đại diện Khoa Ngoại I cho biết, ung thư cổ tử cung ở người trẻ tuổi có xu hướng tăng nhanh. Có thời điểm, trong 1 tuần bệnh viện tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân dưới 20 tuổi, 5 trường hợp bệnh nhân dưới 25 tuổi. Đáng chú ý, hầu hết trường hợp trên đều phát hiện và điều trị khi quá muộn.
Giám đốc Bệnh viện K, GS.TS. Trần Văn Thuấn khuyến cáo, tránh các yếu tố gây nguy cơ ung thư bằng việc bỏ hút thuốc lá, dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, tiêm một số vắc xin phòng chống bệnh ung thư như vắc xin viêm gan B, vắc xin ung thư cổ tử cung.
Đặc biệt đối với một số bệnh ung thư có yếu tố di truyền, trong gia đình đã có người mắc thì người dân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ để phát hiện sớm bệnh. “Hiện nay ước tính khoảng trên 70% người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, phát hiện muộn điều trị kéo dài, hiệu quả không cao.
Bác sĩ khuyến cáo, nếu cơ thể có một trong các biểu hiện như viêm loét lâu liền, ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; chậm tiêu, khó nuốt; thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu; có khối u ở vú hay trên cơ thể; hạch bạch huyết to không bình thường; chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; ù tai, nhìn đôi; gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế kiểm tra.
Thảo Nguyên