Món ăn, bài thuốc trị mất ngủ cực hiệu quả

Google News

(Kiến Thức) - Một số món ăn có tác dụng an thần, rất hữu ích đối với người mất ngủ và đem lại một giấc ngủ ngon cho những người lao động trí óc, thường xuyên bị căng thẳng tâm trí.

Việc điều trị mất ngủ không nên chỉ dựa vào thuốc mà phải chú ý nguyên nhân gây bệnh, tâm lý, chế độ ăn uống, sinh hoạt,… Áp dụng các món ăn, bài thuốc là một trong những phương pháp trị mất ngủ theo y học cổ truyền rất tốt.
Hạt sen
Gọi là liên nhục, có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ tâm, bổ tỳ vị, an thần. Thường dùng chữa cơ thể suy nhược, ăn uống kém, mất ngủ, tiêu chảy. Các món ăn chế biến từ hạt sen, tốt cho người bị mất ngủ gồm có:
- Cháo hạt sen: hạt sen 100g nấu cháo với thịt heo nạc 100g + gạo nếp 50g, nêm gia vị để ăn.
Mon an, bai thuoc tri mat ngu cuc hieu qua
Chè hạt sen long nhãn có vị ngọt, tính mát, tác dụng bổ tâm, bổ tỳ vị, an thần. Ảnh: Internet.
- Nước sen – dừa: hạt sen 100g (hạt sen tươi 150g), dừa nạo 100g, đường cát 400g. Nấu hạt sen chín mềm, hoà với dừa nạo và nước đường để dùng,
- Chè hạt sen – long nhãn: hạt sen tươi 100g, long nhãn 300g (bóc lấy cùi), đường cát 400g. Nấu chè để ăn.
Mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ đen còn gọi là nấm tai mèo, có vị ngọt, tính bình, tác dụng dưỡng huyết, thông mạch, ích khí, cầm máu, an thần, ăn nhiều thì thân thể nhẹ nhàng, trí nhớ tốt. Các món ăn dùng mộc nhĩ để chữa mất ngủ:
- Song nhĩ thang: mộc nhĩ đen 10 – 16g, mộc nhĩ trắng (tuyết nhĩ) 10 – 16g, đường phèn 30g. Ngâm hai loại cho nở, bỏ chân, rửa sạch cho vào bát cùng đường phèn và nước vừa đủ. Đem hấp hoặc chưng cách thuỷ khoảng một giờ. Ăn luôn cả cái và nước vào buổi chiều, tối.
- Canh mộc nhĩ – linh chi: mộc nhĩ đen 15g, mộc nhĩ trắng 6g, nấm linh chi 6g, táo tàu 30g, gừng 2 – 3 lát, nấu với 750ml nước cho chín nhừ, chia hai lần dùng trước bữa ăn.
- Canh mộc nhĩ – hạt sen: mộc nhĩ đen 30g, hạt sen 30g, táo tàu 20g. Nấu với 750ml nước đến khi hạt sen chín mềm là được. Có thể thêm mật ong hoặc đường phèn để dùng vào buổi chiều, tối.
Rau nhút
Rau nhút còn gọi là quyết thái, thuỷ quỳ, có vị ngọt, tính hàn, thông độc, tác dụng hoà tạng phủ, lợi trường vị, mát gan, mạnh gân cốt, giải nhiệt độc, an thần, lợi tiểu. Rau nhút thường dùng để ăn sống, nấu canh chua.
- Ăn sống: hái đọt non, nhặt bỏ rễ và lớp bao trắng bên ngoài, rửa sạch với nước muối loãng dùng ăn cả cọng lẫn lá. Thường ăn tươi chấm với nước mắm kho hoặc nước tương.
- Nấu canh chua: rau nhút rửa sạch, cắt khúc ngắn, cho vào nồi canh chua các loại cá đồng (trê, rô, lóc…) cùng với các loại rau khác.
Canh thịt lợn, hàu biển:
Thịt hàu tươi 150 g, thịt lợn nạc 150 g, muối vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch thái miếng, cho vào nồi cùng với hàu, nước vừa đủ, nấu canh, thịt chín thì cho gia vị là được. Ăn không phụ thuộc giờ giấc. Tác dụng: Chữa mất ngủ, hồi hộp, tim đập dồn. 
Thảo Nguyên (TH)