Lì xì đang làm hư trẻ con?

Google News

Đứa cháu xé toạc phong bao và trề môi ra, tự nhiên tôi thấy chuyện lì xì của mình trở nên... vô duyên quá chừng.

Li xi dang lam hu tre con?
Trẻ con đều thích tiền, thích lì xì. Ảnh minh họa 
Từ "Chị được lì xì bao nhiêu?", "Của em của em", "Con tiếc quá, em đi nhà bác được lì xì 500 ngàn, biết thế con cũng đi", "Con về quê, nội nhớ nhắc các cô các bác lì xì rồi giữ cho con nha!", "Ôi có một trăm ngàn thôi, ít xỉn", "mùng Một tết cho con đi nhận lì xì"...
Mấy hôm nay, nghe người lớn phàn nàn nhiều về tục lì xì làm hư trẻ con, tôi chỉ cười. Trẻ con mà, lì xì lại là phong tục truyền thống của ông bà ta xưa, có gì đâu mà phải quá lo lắng đến vậy. Nhưng cho đến khi chính tôi chứng kiến thái độ của con cháu khi nhận những phong bao lì xì có vẻ không được nhiều như mong đợi, thì giật mình. Tục lì xì Tết đã ngày càng làm hư trẻ con rồi hay sao?
Li xi dang lam hu tre con?-Hinh-2
 Có phải tục lì xì đang làm hư trẻ
"Sốc" nhất là khi vừa nhìn thấy tôi, chú nhóc cháu không thưa không hỏi, không cười, mà chìa tay ra rồi nói: "Lì xì đây!".
Tôi không biết phải nói làm sao, chỉ biết cười bảo: "Từ từ, làm gì mà gấp vậy con!". Nhưng tự nhiên thấy lòng ngẩn ngơ, lại lo lắng không biết phong bào lì xì mình chuẩn bị chút nữa trao vào tay cháu có phụng phịu vì số tiền mừng tuổi không được nhiều. Đó chỉ là những phong bao may mắn tôi để cùng một mệnh giá tiền, cho bọn trẻ chơi trò rút thăm may mắn, chủ yếu tạo không khí hồi hộp, vui vẻ.
Nhưng tôi cũng đã thấy có đứa xé toạc phong bao và trề môi ra, tự nhiên tôi thấy chuyện lì xì của mình trở nên... vô duyên quá chừng. Cháu tôi đông không đếm hết, chưa kể đám trẻ con chơi quanh quẩn biết có lì xì cũng túm tụm lại nhìn nhìn cười cười. Tôi không biết phải làm sao cho tròn vai một "người lớn". Không thể "bỏ phong bì" 500.000đ cho tất thảy. Chọn cách giải quyết "dĩ hòa vi quý" nhưng rồi cũng tự mình mang về một mối suy nghĩ "sợ con cháu nói".
Li xi dang lam hu tre con?-Hinh-3
 Trẻ con như tờ giấy trắng
Chị tôi hay mua quà tặng cho con cháu trong nhà mỗi dịp năm mới, kèm với phong bao lì xì tiền mệnh giá nhỏ. Chúng đã quen và không lăn tăn gì với việc lì xì của chị. Ngược lại, chúng hào hứng với những món quà, bộ đầm đẹp cho cháu gái, đồ chơi siêu nhân hay đôi giày thể thao cho cháu trai, hộp bút chì màu hay bộ xếp hình lego... Những món quà có giá tiền khác nhau, nhưng đám trẻ nào quan tâm. Chúng chỉ biết món quà đó rất phù hợp với sở thích và vui vẻ đi khoe khắp nơi. Hình ảnh ấy khiến tôi thấy bọn trẻ đáng yêu hơn là mím môi mím lợi xé toạc phong bao trước mặt người lì xì rồi "thái độ" bày tỏ hết sức rõ ràng.
Người lớn vẫn dạy trẻ rằng đừng bao giờ mở phong bao trước mặt khách, nhưng bọn trẻ con hồn nhiên thường không nhớ. Chúng sốt ruột, tò mò, và đã quen với việc mỗi năm Tết đến là có tiền "bỏ ống heo". Chúng ghi cả danh sách dài người lì xì với mệnh giá ngay bên cạnh. Hết Tết chúng ngồi "tổng kết" thu nhập năm nay được bao nhiêu. Chúng đã quên/hoặc không biết rằng phong tục lì xì truyền thống và mỗi dịp Tết là để mừng tuổi, là lộc may mắn. Chúng không biết không chỉ trẻ con mà ông bà, cha mẹ, những "người lớn" cũng được nhận những bao xì đỏ, mệnh giá có khi chỉ 10.000đ, 20.000đ... mà ai ai cũng vui.
Một người bạn của tôi kể, các con của anh thật ra không thích về quê. Chúng ngại... bẩn. Nhà phố mọi thứ đều tiện nghi quen rồi, chúng về đi trên đường đất, rửa tay rửa chân bằng nước ao, rồi phải "ngồi nhà vệ sinh xí bệt"... Chúng không hào hứng với chuyện về thăm ông bà, mà chỉ thích nhất là về quê được lì xì rất nhiều nên "ráng".
Chuyện trẻ con nghe như chuyện vui, nhưng anh nói anh buồn. Vợ chồng con cái đi xa cả năm mới về quê, nhưng các con anh lại không có tình cảm với ông bà, chỉ thích nhận lì xì. Trẻ con mà, chúng vô lo vô nghĩ, tình cảm nào cũng cần có sự gắn bó, trò chuyện, gặp mặt thường xuyên. Ở tuổi của chúng, cũng chỉ thích gặp anh em họ hàng hay bạn bè cùng trang lứa mà chơi với nhau.
Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn dạy trẻ ứng xử với phong bao lì xì như thế nào thì chúng sẽ theo như thế ấy. Tôi cũng đã thấy có những người lớn nói chuyện về "nội dung bên trong" của các bao lì xì trước mặt con. Khen người này cho nhiều nói người kia cho ít. Đừng tưởng trẻ nhỏ không để ý, chúng nghe và ghi nhớ hết đấy.
Mùa Tết này, tôi lì xì rất nhiều trẻ con cả ruột thịt lẫn thân sơ. Câu nói làm tôi thấy nhớ nhất là của bé gái nhỏ đang học lớp 2. Cháu nói với chúng bạn đang xúng xính áo mới trong tay là những phong bao lì xì vừa nhận được: "Mẹ dặn là không nên mở bao lì xì trước mặt người lì xì, làm thế là mình không có lịch sự đâu nha".
Câu nói làm tôi bật cười, nhưng mà thấy đúng. Đúng là người lớn nên dạy cho bọn trẻ biết nhiều hơn về ý nghĩa tinh thần của tục lì xì mừng tuổi, để không còn cảnh bọn trẻ "xé toạc" phong bao "kiểm tra coi được nhiêu" trước mặt người tặng.
Đừng để trẻ sớm đã biết toan tính, chọn đi thăm nhà nào có nhiều tiền lì xì hơn, đừng để trẻ so sánh và nhất là đừng để trẻ nghĩ rằng tết là mùa "bội thu" - như một đứa trẻ mà tôi biết trước tết đã đòi mẹ mua heo đất vì "tết là con có tiền triệu đó".
Theo Từ Phong/Phụ Nữ Online