Mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân nhận biết như thế nào

Google News

Ở Việt Nam, mặc dù đã cấm nhưng thủy ngân vẫn có mặt trong mỹ phẩm làm trắng da kém chất lượng, hay nói ngắn gọn là "kem trộn". Mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân có thể gây hư thận hoặc tổn thương não bộ, chưa kể nó có thể đi cả vào chuỗi thức ăn.
     

    Ở Việt Nam, có 3 kim loại nặng bị cấm đưa vào mỹ phẩm bao gồm: chì, thủy ngân và asen. Mặc dù mỗi loại kim loại nặng này đều có một giới hạn quy định tạp chất cho phép nhất định, tuy nhiên, trong các dòng kem trộn lại rất khó để kiểm soát được điều này. Và mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân cứ thế len lỏi gây hại tới biết bao phụ nữ với ước mơ "trắng da siêu tốc nhờ kem trộn"!!!

    Thực tế thì trong nhiều năm trở lại đây, rất nhiều người chỉ biết rằng kem trộn có thể tẩy trắng da siêu nhanh là do có thành phần corticoid. Tuy nhiên, theo ThS.BS Tạ Quốc Hưng (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, thủy ngân mới chính là một "chất ức chế melanin (chất tạo màu nâu cho da". Còn thành phần corticoid chỉ khiến da bạn trắng lên do ngậm nước. Tất nhiên, corticoid cũng là một chất độc hại.

    Theo thống kê, các nước châu Phi, châu Á, trong đó có Việt Nam thì thủy ngân được trộn vào trong kem trộn rất phổ biến. Cụ thể, khi phát hiện một nhãn mỹ phẩm nào vượt ngưỡng giới hạn thủy ngân cho phép cũng đều là một con số rất lớn (ngưỡng giới hạn của thủy ngân là 1ppm). Ví dụ có thể kể đến một sản phẩm mỹ phẩm ở Pakistan được phát hiện chứa thủy ngân ở hàm lượng 29600ppm (tương đương 2,96% trọng lượng của một sản phẩm mỹ phẩm), Trung Quốc – 14700ppm (1,47%), Bangladesh 16353ppm (hơn 1,63%), Philippines – 10576ppm (1,05%),...

    Đó là chưa kể đến, châu Á là thị trường tiêu thụ lớn nhất các sản phẩm dưỡng da như kem dưỡng và xà bông tắm.

    1. Thực trạng tại Việt Nam về mỹ phẩm có thủy ngân vượt quá nồng độ cho phép

    Mới đây nhất là vụ việc sảm phẩm kem dưỡng trắng da chống nắng Wleza bị thu hồi toàn quốc 

    Ngày 16/10, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, vừa ban hành thông báo về việc Đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm Kem dưỡng trắng da chống nắng Wleza của chi nhánh Công ty TNHH SX TM XNK Tạ Minh Quang do không đạt chất lượng.

    Theo Cục Quản lý Dược, trước đó Cục nhận được công văn số 370/VKNT-KHTH, ngày 26/8 của Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, kèm theo phiếu kiểm nghiệm về kết quả kiểm nghiệm kem dưỡng trắng da chống nắng Wleza-18 gam (số lô:20001W009; HSD: 31/01/2023 (số công bố 001117/18/CBMP-HCM cấp ngày 09/03/2018). 

    My pham nhiem doc thuy ngan nhan biet nhu the nao
    Thủy ngân mới chính là một "chất ức chế melanin (chất tạo màu nâu cho da)" trong kem làm trắng da siêu tốc như kem trộn (Ảnh: Internet)

    Đây là sản phẩm do Chi nhánh Công ty TNHH SX TM XNK Tạ Minh Quang- Nhà máy mỹ phẩm Tạ Minh Quang (lô 14A, đường số 8, Khu Công nghiệp Tân tạo mở rộng, phường Tân Tạo A, Quận Bình Tân, TP.HCM) sản xuất và đóng gói; Công ty TNHH SX TM XNK Tạ Minh Quang  (số 15, đường 3C, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường; Mẫu lấy tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc- MP-TP.HCM để kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy, mẫu thử nghiệm không đáp ứng giới hạn về thủy ngân.

    Sau khi xác minh, Cục Quản lý Dược thông báo Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem dưỡng trắng da chống nắng Wleza-18 gram (số lô:20001W009; HSD: 31/01/2023 số công bố 001117/18/CBMP-HCM cấp ngày 09/03/2018) nêu trên.

    Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty TNHH SX TM XNK Tạ Minh Quang phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng kem dưỡng trắng da chống nắng Wleza-18 gram (số lô: 20001W009; HSD: 31/01/2023); Tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định. Công ty phải gửi báo cáo kết quả thu hồi về Cục trước ngày 30/9/2020.

    Theo bác sĩ Hưng, việc nhiều bệnh nhân nhập viện tại Việt Nam với các biểu hiện như mặt thâm sì, bị nổi mụn thành từng mảng với nguyên nhân chính là do mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân không phải là các ca hiếm gặp.

    Các ca nhiễm độc thủy ngân điển hình trên thế giới

    Một ví dụ khác về mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân có thể kể đến là vào tháng 7/2019, tại CDC cho biết, đã có 1 phụ nữ 47 tuổi phải nhập viện với trạng thái tê tay và tê mặt; khó khăn trong vận động và nói chuyện. Cho tới vài tuần tiếp theo, tình trạng của người phụ nữ vẫn trở nên tệ hơn. Sau đó, rơi vào hôn mê.

    Khi tiến hành xét nghiệm máu, các bác sĩ cho biết hàm lượng thủy ngân đang ở ngưỡng cao. Chúng được tìm thấy ở trong kem dưỡng da mà bệnh nhân này sử dụng với công dụng được ghi là "tác dụng làm sáng da chứa lượng lớn methylmercury" - đây là loại thủy ngân hữu cơ rất độc hại đối với con người, đặc biệt là người già và trẻ em.

    My pham nhiem doc thuy ngan nhan biet nhu the nao-Hinh-2
    Mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân khiến da bị thâm sì, mụn mọc thành từng mảng (Ảnh: Internet)

    Hoặc trước đó, tại Bệnh viện Thạch Gia Trang (Hà Bắc, Trung Quốc) đã phát hiện 20 cô gái, trong đó có 6 người phải nhập viện trong trạng thái nhiễm độc thủy ngân. Những người còn lại cũng cho thấy tỷ lệ thủy ngân trong máu cao.

    Họ cũng có các biểu hiện như bị chảy máu chân răng (nướu), bị mất ngủ và gặp khó khăn trong di chuyển, đi lại. Thủy ngân cũng đã được tìm thấy trong loại mỹ phẩm mà họ tự chế ra với mục đích trị mụn.

    2. Ngộ độc thủy ngân là gì?

    Thủy ngân được biết đến là một kim loại nặng và có độc tính cực cao. Bác sĩ Quang cũng cho biết, thủy ngân đã bị cấm sử dụng trong việc chữa bệnh. Tuy nhiên, thủy ngân ở dạng amalgam vẫn còn đang ứng dụng trong việc trám răng - điều này vẫn đang gây tranh cãi.

    Thể tồn tại "độc hại" của thủy ngân

    Thủy ngân có thể tồn tại ở 3 thể là thể lỏng, thể hơi và thể cứng (hay còn gọi là thể muối). Trong đó, thủy ngân lỏng được cho là dạng ít độc nhất. Còn thủy ngân thể hơi và thủy ngân thể muối là những thể kịch độc - chúng dễ dàng bị hấp thụ qua da. Thâm chí, chỉ cần vài microlit của dimethyl thủy ngân tiếp xúc với da thì có thể gây tử vong ở người.

    Lạm dụng trong ngành mỹ phẩm làm đẹp

    Do thủy ngân có thể ngăn chặn việc các hắc sắc tố (melanin) phát triển và khiến bạn cảm thấy da trắng sáng lên. Do vậy mà nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm không ngần ngại trộn thêm hàm lượng thủy ngân vào các sản phẩm kem dưỡng trắng và bày bán trên thị trường.

    Mức độ nguy hại của mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân là gì?
    Khi thủy ngân đi vào da sẽ được bài tiết thông qua nước tiểu, qua mồ hôi hoặc qua đường sữa mẹ. Sau đó thủy ngân sẽ có những tác động tiêu cực lên hệ thần kinh và gây ra các tổn thương về não bộ. Biểu hiện của nhiễm độc thủy ngân là chóng mặt, nhức đầu kèm theo mệt mỏi và trầm cảm. Thậm chí có những ca bị nhiễm độc thủy ngân đã bị hư thận.
    Chưa kể tới, theo bác sĩ Quang thì mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân chủ yếu là kem làm sáng/trắng da và xà bông (xà phòng) thì phần lớn chúng sẽ đi vào nguồn nước thải, có thể đi thẳng vào chuỗi thức ăn, vô cùng nguy hiểm!
    Vào khoảng thập niên 1950, một nhà máy hóa chất xả thủy ngân vào vịnh Minamata tại Nhật Bản. Người dân địa phương ăn phải cá bị nhiễm thủy ngân. Hệ quả là có khoảng 900 người thiệt mạng, hơn 2.000 người ngộ độc thủy ngân với các triệu chứng từ yếu cơ đến điên loạn, tê liệt, tử vong và kéo theo dị tật bẩm sinh. Sau cuộc khủng hoảng Minamata, thế giới đã hiểu ra hiểm họa của tình trạng ô nhiễm môi trường do thủy ngân.
    3. Làm cách nào để lựa chọn và phân biệt mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân?
    ThS.BS Tạ Quốc Hưng (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, để phân biệt được mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân cần phải ghi nhớ những vấn đề sau đây:
    - Trước tiên, nếu như bạn đang không sử dụng các mỹ phẩm làm trắng thì không cần lo lắng tới vấn đề mỹ phẩm nhiễm độc thủy ngân. Bởi xét về tác dụng chính thì thủy ngân trong ngành mỹ phẩm sẽ bị đưa vào các sản phẩm làm trắng da như kem trộn.
    My pham nhiem doc thuy ngan nhan biet nhu the nao-Hinh-3
    Cần chọn các sản phẩm uy tín và có chứng nhận đạt chuẩn của Bộ Y tế, Sở Y tế (Ảnh: Internet)
    - Cần mua các sản phẩm kem dưỡng, xà bông làm trắng tại các cơ sở uy tín, được đảm bảo chắc chắn về chất lượng và có chứng nhận an toàn. Với các sản phẩm có bao bì mờ nhạt, thành phần không rõ ràng hoặc chưa được đăng kí với Bộ Y tế hay Sở Y tế về đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng thì tuyệt đối không mua. Bởi các sản phẩm này có thể có nguy cơ cao chứa kim loại nặng như thủy ngân với nồng độ vượt ngưỡng cho phép. Đó là chưa kể đến nhóm mỹ phẩm này có thể chứa thêm những thành phần bị cấm khác như corticoids hay hydroquinone,...
    Một mẹo nhỏ giúp bạn kiểm tra sản phẩm mà mình đang sử dụng có nhiễm độc thủy ngân hay không:
    Lấy một lượng nhỏ kem nền, kem dưỡng mà bạn đang sử dụng cho vào cốc nước và khuấy thật đều tay trong vòng 30 giây. Sau đó quan sát cốc nước:
    - Trường hợp 1: Có chứa thủy ngân
    Mỹ phẩm sẽ lắng xuống bên dưới đáy cốc do thủy ngân là một kim loại nặng, khi bạn khuấy cốc nước, lực ly tâm sẽ khiến cho mỹ phẩm bị chìm xuống đáy cốc một cách nhanh chóng.
    - Trường hợp 2: Không chứa thủy ngân
    Mỹ phẩm nổi trên mặt nước hoặc bám trên thành cốc.
    Khi nào thì bạn cần đến bệnh viện?
    Các trường hợp bị nhiễm độc thủy ngân sẽ có các tổn thương da cần tới sự can thiệp y tế như bị giãn mao mạch, da bị trắng bệch hoặc dễ bị kích ứng cũng như nhiễm khuẩn.
    Hơn nữa, nếu như có các dấu hiệu ảnh hưởng tới thận hay hệ thần kinh thì cũng cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
    Lưu ý là, việc nhiễm độc thủy ngân từ mỹ phẩm không thể nào loại bỏ chỉ bằng cách hút chì hay hút thủy ngân được.
    Theo Kim Phụng/ Phunuvietnam