Những điều cần biết để phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Google News

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và có biện pháp xử lý kịp thời bạn cần chú ý những điều dưới đây:

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm: Đau bụng

Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm, các sinh vật gây hại có thể tạo ra độc tố gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột. Điều này có thể dẫn đến viêm đau ở dạ dày, làm xuất hiện triệu chứng đau bụng. Tình trạng này thường xuất hiện ở khu vực bên dưới xương sườn và trên xương chậu của bạn.

Những người gặp phải dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cũng có thể bị chuột rút ở bụng. Đó là vì cơ bụng co lại để tăng tốc độ chuyển động tự nhiên của ruột nhằm loại bỏ các sinh vật gây hại càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, đau bụng là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh lý và tình trạng sức khỏe. Do đó, khi triệu chứng này xuất hiện một mình vẫn chưa đủ để kết luận rằng bạn bị ngộ độc thực phẩm.

Đau đầu là biểu hiện của ngộ độc thực phẩm

Nhức đầu là triệu chứng trúng thực phổ biến do nhiều nguyên nhân bao gồm căng thẳng, uống quá nhiều rượu, mất nước và mệt mỏi. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có thể khiến bạn mệt mỏi và mất nước, do đó cũng có thể dẫn đến đau đầu.

Nhung dieu can biet de phong tranh ngo doc thuc pham

Mặc dù nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng, nhưng có thể thấy sự mất nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não, khiến não mất chất dịch và tạm thời bị co lại. Bạn có thể đặc biệt dễ bị đau đầu nếu vừa bị nôn mửa và tiêu chảy, cả hai đều làm tăng nguy cơ gây mất nước.

Làm gì để tránh ngộ độc thực phẩm?

- Một lỗi nhỏ nhưng quan trọng thường mắc phải là dùng cùng một thứ đồ chứa (bát, đĩa...) cho thức ăn khi chưa nấu và thức ăn sau khi nấu. Hạn chế điều này, bởi vì cho dù bạn có rửa sạch trước khi dùng lại thì bê mặt chúng vẫn còn bám một lớp nước, không đảm bảo vô trùng. Nếu dùng một món đồ chứa khác, đã rửa sạch và làm khô trước đó, sẽ đảm bảo an toàn hơn.

- Dùng nước sạch để rửa các món ăn sống như rau cải, trái cây... tốt hơn là dùng các loại nước rửa không đảm bảo.

- Thức ăn còn lại sau bữa ăn, nếu muốn bảo quản cho bữa ăn sau đó, thì phải được mang đi bảo quản ngay sau khi ăn xong.

- Nếu giữ thịt trong tủ lạnh, nên cắt thành miếng nhỏ, hoặc lát mỏng để bảo quản tốt hơn.

- Trong bất cứ trường hợp nào, nếu bạn thấy thức ăn đổi màu, có mùi lạ... tốt nhất là không nên dùng nữa.

- Hạn chế các loại thức ăn chế biến không đủ độ chín như thịt tái, gỏi sống...

- Các chế phẩm từ sữa rất dễ nhiễm trùng. Chỉ dùng những loại sản phẩm mà bạn biết chắc là áp dụng các phương pháp tiệt trùng đáng tin cậy.

- Thức ăn còn lại từ những bữa ăn trước, không chỉ hầm nóng mà luôn luôn phải đảm bảo đun sôi trở lại trước khi ăn.

- Những thức ăn lạnh không nên lấy ra khỏi tủ lạnh trước bữa ăn quá hai giờ. Chỉ nên lấy ra trước khi ăn hoặc đã gần đến bữa ăn.

- Không mua các loại thực phẩm đóng hộp hoặc đóng bao khi có dấu hiệu không còn nguyên vẹn. Chẳng hạn hộp bị móp méo, bao bị rách... Nếu là loại thực phẩm có ghi hạn sử dụng thì không dùng khi chúng đã quá hạn. Nếu bạn mua để dùng trong một thời gian lâu, bạn phải tính cả thời gian tồn trữ đó.

- Khi mua trứng, không mua những quả trứng đã rạn vỡ, mặc dù chúng có thể rẻ hơn nhiều. Bạn không thể đảm bảo điều kiện vô trùng cho đến lúc sử dụng chúng.

- Điều kiện vệ sinh ở nơi bạn mua thực phẩm là rất dễ nhận ra, và chúng vô cùng quan trọng. Không mua thực phẩm ở những nơi mà bạn cảm thấy không được sạch sẽ, gọn gàng.

- Nếu bạn dùng tủ lạnh để giữ thức ăn, cần hiểu biết về nhiệt độ và phương thức bảo quản thích hợp riêng cho từng loại thức ăn.

- Lượng thức ăn được làm lạnh trong tủ lạnh có một giới hạn nhất định. Bạn không được chứa quá, nhiều thức ăn cần làm lạnh trong tủ. Như vậy, chúng sẽ không được làm lạnh đúng mức và dẫn đến hư hỏng tất cả.

Theo Mộc/khoevadep