Những vụ thuốc ung thư giả rúng động thời gian qua

Google News

(Kiến Thức) - Trong cuộc chiến giành giật mạng sống của người mắc bệnh ung thư, thuốc điều trị là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước những vụ thuốc ung thư giả rúng động thời gian qua.
 

Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca, đưa Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á.
Trong số hàng nghìn ca bệnh ung thư đó, nhiều bệnh nhân có thể chữa khỏi nếu được điều trị kịp thời, đúng phác đồ. Trong cuộc chiến giành giật mạng sống của người mắc bệnh ung thư, thuốc điều trị là một yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ trước những vụ thuốc ung thư giả rúng động thời gian qua.
Thuốc ung thư giả của VN Pharma gây chấn động dư luận
Hơn 9.000 hộp thuốc ung thư giả của VN Pharma là vụ việc gây chấn động dư luận suốt nhiều năm, đánh vào niềm tin, hy vọng mong manh của người bệnh được cứu sống, được thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo.
Nhung vu thuoc ung thu gia rung dong thoi gian qua-Hinh-4
 Cơ sở sản xuất và đóng gói thuốc giả của VN Pharma
Theo đó, tối 19/9/2014, Cục An ninh chính trị nội bộ bắt khẩn cấp Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP VN Pharma), đồng thời khám xét tại kho chứa thuốc của Công ty CP VN Pharma, thu giữ 9.268 hộp H-Capital 500mg Caplet.
Kết quả điều tra của cơ quan an ninh cho biết, năm 2013, Nguyễn Minh Hùng thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (Giám đốc công ty Hàng hải Quốc tế H&C) đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet dùng chữa trị bệnh ung thư.
Do nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu, Cục quản lý dược yêu cầu Hùng, Cường giải trình rồi tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô thuốc.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2013 đến 19/9/2014, Hùng thông qua Cường làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, trị giá hàng buôn lậu 251.100 USD.
Đáng chú ý, kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capicitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Quá trình điều tra cho thấy số thuốc được dán tem từ Ấn Độ về Singapore, sau đó nhập khẩu về Việt Nam. Tuy nhiên xác minh mã vạch, mã số in trên vỏ thuốc thì không được đăng ký bởi quốc gia nào. Các giấy chứng nhận chất lượng thuốc đều là giả.
Kết quả điều tra và ủy thác tư pháp cho thấy không có công ty nào đăng ký kinh doanh như giấy tờ của VN Pharma nộp cho Cục quản lý dược. Cơ quan điều tra nhận định hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg đều không rõ nguồn gốc.
Cơ quan điều tra cũng làm rõ, Phó tổng giám đốc VN Pharma đã chỉ đạo nhân viên chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do công ty VN Pharma nhập khẩu. Tổng số tiền mà các bác sỹ đã nhận “hoa hồng” để bán thuốc giả cho bệnh nhân lên tới 7,5 tỷ đồng.
Khởi tố vụ án bán thuốc điều trị ung thư Vidatox giả
Tháng 10/2017, Công an TP Hà Nội phát hiện lô hàng gồm các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox bị làm giả.
Nhung vu thuoc ung thu gia rung dong thoi gian qua-Hinh-5
Thuốc Vidatox giả bị cơ quan điều tra thu giữ 
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng trăm vỏ hộp cùng các loại thuốc điều trị ung thư, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư dán nhãn Vidatox - một thương hiệu nổi tiếng của Cuba, được chiết xuất từ nọc độc bọ cạp xanh, có tác dụng giảm đau, phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhân ung thư.
Tuy nhiên theo phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội, toàn bộ lô hàng này đều là hàng giả. Dù có cùng tên gọi Vidatox thế nhưng có thể nhận thấy sự khác biệt về bao bì cũng như thời hạn sử dụng của hàng thật và hàng giả.
Được rao bán rầm rộ trên mạng Internet với giá từ 3 đến 5 triệu đồng/hộp, thậm chí có cả thuốc Vidatox 30CH - một loại thuốc chưa hề được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Đối tượng điều hành đường dây buôn bán hàng giả này là Nguyễn Công Doanh, thường trú tại Hoàng Mai - Hà Nội, đã bị bắt ngay trên đường vận chuyển thuốc giả đi tiêu thụ. 10 hộp thuốc cất giấu trong cốp xe sau đó được kiểm nghiệm và xác định hoàn toàn không có thành phần điều trị ung thư như chủ hàng quảng cáo.
Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh về hành vi buôn bán hàng giả. Trong suốt hơn 2 năm hoạt động, đối tượng này đã trục lợi hàng trăm triệu đồng trên sức khỏe, tính mạng của những bệnh nhân ung thư.
Phẫn nộ thuốc ung thư từ than tre
Ngày 20/4/2018, Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Thu, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vinaca có trụ sở tại số 17/40 phố Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, để điều tra vụ công ty này có hành vi lừa đảo người tiêu dùng, sản xuất thuốc chữa ung thư từ than tre.
Nhung vu thuoc ung thu gia rung dong thoi gian qua-Hinh-6
 Kinh hoàng những viên thuốc chứa toàn than tre
Trước đó, Công an TP Hải Phòng đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm" quy định tại điều 193 bộ luật Hình sự năm 2015 đối với vụ việc thuốc điều trị ung thư giả làm từ bột than tre xảy ra tại công ty Vinaca.
Theo đó, cơ quan CSĐT đã điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc (SN 1994, trú tại tổ dân phố Tiến Bộ, phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng).
Ngày 15/1, đoàn kiểm tra liên ngành quận Kiến An kiểm tra cơ sở sản xuất của Đào Thị Chúc, tại tổ dân phổ Tiến Bộ, Ngọc Sơn, Kiến An, Hải Phòng. Quá trình kiểm tra thấy cơ sở có 10 công nhân đang làm việc với các công việc tạo viên nang, dán nhãn sản phẩm, đóng gói sản phẩm dưới sự quản lý trực tiếp của Đào Thị Chúc.
Đoàn kiểm tra đã thu giữ các sản phẩm như: Vinaca ung thư CO3.2, Vinaca Vi5, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca Baby Vi6, Vinaca vi lượng, Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác.
Chủ cơ sở Đào Thị Chúc không xuất trình được các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của việc sản xuất nói trên và không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, hàng hóa tại cơ sở.
Thực tế, tên những sản phẩm Vinaca nói trên được cấp giấy chứng nhận cho 6 loại hóa mỹ phẩm của công ty TNHH Hồng An Phong (huyện An Dương, Hải Phòng), nhưng Công ty Hồng An Phong đã không sản xuất các sản phẩm đã đăng ký, mà chỉ thực hiện việc đốt tre, nứa để lấy tro cung cấp cho cơ sở của bà Đào Thị Chúc sản xuất sản phẩm chữa ung thư.
Thuốc giả có thể gây chết người
Trên báo điện tử VietNamNet, BS Thanh Huyền đã có bài viết giải thích rõ một số thuật ngữ về ung thư, thuốc chữa ung thư, thuốc thật, thuốc giả. BS Thanh Huyền khẳng định thuốc giả có thể gây chết người.
Cụ thể, theo BS. Thanh Huyền, thuốc giả (thuốc điều trị ung thư, kháng sinh...) có tác hại rất lớn bởi thành phần không rõ ràng, có thể chứa độc chất nào đó đối với cơ thể hoặc hàm lượng không đủ để đảm bảo khả năng tiêu diệt mầm bệnh (tế bào ung thư, vi khuẩn, nấm…).
Một trong những đặc tính của mầm bệnh là tính nhờn thuốc. Nếu thuốc không đủ nồng độ có thể kích hoạt cơ chế thích nghi, dẫn đến kháng thuốc và người bệnh có thể chết.
Chính vì vậy trách nhiệm của nhà quản lý là rất lớn nếu đi theo chủ trương ưu tiên sử dụng hàng generic. Cách tốt nhất để tránh dùng thuốc giả là phải đầu tư nghiên cứu ra thuốc thật ngay từ đầu.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, các bệnh ung thư ngày càng phát triển mạnh khiến số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca.
Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, tuy nhiên tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.
Có thể nói trong số những bệnh nhân chết vì ung thư theo thống kê này có thể có người từng là nạn nhân của những vụ thuốc giả chấn động dư luận nói trên. Khi người bệnh ung thư chỉ còn biết bấu víu vào những viên thuốc điều trị để mong cứu lấy tính mạng thì thuốc giả là một sự táng tận lương tâm, cướp đi hy vọng và niềm tin cuộc sống. Vấn nạn thuốc giả, đặc biệt là thuốc ung thư giả nếu không được kiểm soát thì chắc chắn con số bệnh nhân chết vì ung thư sẽ vẫn còn tăng cao.
An Lê/ TH