Nỗi đau của đàn ông bị hiếp dâm

Google News

Các chuẩn mực về giới tính khiến nỗi đau của những người đàn ông bị cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục càng trở nên nặng nề hơn. Họ cũng cần được hỗ trợ như những nạn nhân nữ.

Khi Callum Hancock lên 10 tuổi, cậu bé bị một kẻ thường xuyên bắt nạt trong vườn sau nhà. “Chúng làm điều đó như một trò chơi. Chúng nói việc này giống như hút thuốc, thứ bạn sẽ làm khi bạn lớn lên, và chúng dọa rằng nếu tôi nói với bố mẹ, tôi sẽ gặp rắc rối”, chàng thanh niên 28 tuổi Hancock kể lại.
Noi dau cua dan ong bi hiep dam
 Hình ảnh từ camera an ninh của kẻ đã hiếp dâm gần 200 người đàn ông Reynhard Sinaga. Ảnh: Guardian.
Bằng chất giọng phóng khoáng của vùng Sheffield, Hancock kể lại thời thơ ấu hạnh phúc và tình yêu thương của cha mẹ. “Nhiều ngày lễ, rất nhiều tiếng cười, tất cả đã sụp đổ sau sự cố năm 10 tuổi”, anh chia sẻ với Guardian.
Sau đó, khi đến tuổi dậy thì, Hancock bắt đầu để ý các cô gái. Thế nhưng, chàng trai trẻ đã tự hỏi liệu có phải anh bị hãm hiếp vì mình đồng tính hay không. Hancock bắt đầu tự hỏi mình đã có thể làm gì để ngăn việc đó xảy ra. Anh tập đấm bốc vì đó là “cách tôi chứng minh rằng tôi là đàn ông và tôi sẽ làm mọi thứ để chứng minh tôi thuộc phái mạnh”.
Tuy nhiên, sự giận dữ vẫn bủa vây tâm trí Hancock và chúng đã khiến anh phải đối mặt với hệ thống pháp luật hình sự. Năm 23 tuổi, Hancock phải vào tù vì hành hung một người gác cổng câu lạc bộ. “Tôi cần được giúp đỡ”, anh nói với Guardian. “Tôi có thể đã tự sát hoặc giết chết người đã gây ra tội ác với mình - hoặc làm cả hai”.
Rào cản từ xã hội
Nạn hiếp dâm và lạm dụng tình dục nam giới là một cuộc khủng hoảng lớn vẫn đang bị ẩn giấu. Chúng ta biết hầu hết phụ nữ bị hiếp dâm giấu kín bi kịch này. Con số này với những nạn nhân nam còn cao hơn. Trung bình phải mất ba thập kỷ để một người đàn ông dám nói ra việc mình đã bị lạm dụng tình dục.
Tuần trước, Reynhard Sinaga - kẻ đã lạm dụng tình dục gần 200 người đàn ông ở Manchester, Anh - đã bị kết án. Vụ việc này đã khiến công chúng Anh phẫn nộ. Tuy nhiên, khi vụ án được xếp vào danh sách những vụ án tồi tệ nhất nước Anh này dần khép lại, điều nguy hiểm mà những cuộc trò chuyện bình thường không bao giờ nhắc tới là việc thiếu sự hỗ trợ cho những nạn nhân nam và cách các chuẩn mực về giới tính khiến họ bị tổn thương và phải đấu tranh như thế nào.
Noi dau cua dan ong bi hiep dam-Hinh-2
 Kẻ biến thái Reynhard Sinaga. Ảnh: Guardian.
Cách nơi tên Sinaga phạm tội ác 1,6 km, Survivors Manchester - một tổ chức dành riêng cho những nạn nhân lạm dụng tình dục là nam - đang tổ chức một hội nghị chuyên đề. Duncan Craig, giám đốc điều hành của tổ chức, đã thành lập nó hơn một thập kỷ trước, bắt đầu với một trang web anh tạo ra trên Microsoft Word.
Đối với Hancock, sự hỗ trợ của Survivors Manchester đã thay đổi cuộc sống, “hay thậm chí là cứu mạng” anh. Tuy nhiên, mọi việc không phải luôn dễ dàng. Khi nói về trường hợp của mình trên chương trình của BBC Victoria Derbyshire năm 2018, anh nhận được nhiều tin nhắn từ những nạn nhân nam khác. Mặc dù họ đã cổ vũ và động viên, Hancock vẫn không thể quên đi nỗi đau của chính mình. “Tôi cảm thấy tội lỗi, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi sống như một cái máy”, anh nói.
Xã hội nhồi nhét các chuẩn mực giới tính vào các bé trai ngay cả trước khi chúng biết nói: đàn ông phải “mạnh mẽ” và “cứng cỏi”, không được thể hiện sự yếu đuối hay mềm lòng. Đó là thứ mà Hancock phải trải qua: “Tôi luôn đeo mặt nạ. Tôi luôn muốn mang khuôn mặt dũng cảm và giúp đỡ người khác. Thể hiện việc dễ bị tổn thương, sự yếu đuối không phải là tính cách của tôi”.
Khi nói về nạn hiếp dâm và lạm dụng tình dục nam giới, các chuẩn mực giới tính thường khiến nỗi đau trở nên không thể chịu đựng được. Nhiều nạn nhân cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ, tự hành hạ mình bằng những câu hỏi như tại sao họ không bằng cách nào đó chống lại kẻ tấn công họ hoặc có điểm yếu nào khiến họ trở thành mục tiêu. Những định kiến sai trái như “đàn ông thực thụ không bị hãm hiếp”, “người bị hãm hiếp hoặc lạm dụng tình dục là người đồng tính”, “hiếp dâm là để thỏa mãn tình dục chứ không liên quan đến quyền lực và sự kiểm soát” hay “những người bị hiếp có thể đi hiếp người khác” là rào cản to lớn khiến nạn nhân không thể đối mặt với nỗi đau của họ.
Anh Alex Feis-Bryce, người đứng đầu tổ chức SurvivorsUK nói: “Rất nhiều đàn ông cảm thấy hoàn toàn sụp đổ sau khi bị hãm hiếp. Đó là thứ khiến họ không dám kể với ai”. Bản thân anh Feis-Bryce cũng từng bị đánh thuốc mê và cưỡng hiếp năm 18 tuổi như những nạn nhân của tên Sinaga. Thêm vào đó, đàn ông thường được dạy rằng nói về cảm xúc và việc đấu tranh với cảm xúc là không nam tính. Do đó, không có gì lạ khi nhiều nạn nhân buộc phải tự làm hại mình như lạm dụng rượu, ma túy hoặc, như Hancock, bị tống giam.
Đàn ông cần được giúp đỡ
Anh Craig, người từng bị lạm dụng tình dục năm 11 tuổi, nói với Guardian: “Đàn ông rất muốn tâm sự. Bạn chỉ cần nói với họ rằng việc bày tỏ không sao cả”. Tổ chức của anh cố gắng giúp các nạn nhân vượt qua các chuẩn mực giới của xã hội, giúp họ ổn định, cảm thấy an toàn và đối mặt với những gì họ đã trải qua và sống có ý nghĩa.
Đối với một số nạn nhân, quá trình này mất nhiều thời gian hơn những người khác và không phải ai cũng có trải nghiệm giống nhau. Nhiều người thích nói chuyện qua điện thoại. Ông Neil Henderson, Giám đốc điều hành của Safeline, đường dây trợ giúp những nạn nhân lạm dục tình dục nam giới, nói với Guardian: “Đó là phản xạ có điều kiện. Nếu bạn nói với tôi điều gì, đó tôi sẽ phản ứng ngay cả khi tôi cố gắng không làm vậy. Tuy nhiên, bạn sẽ không thấy phản ứng của tôi khi nói chuyện qua điện thoại”.
Với một số người, chỉ cần một cuộc gọi là đủ. Họ chỉ cần nhận được xác nhận rằng họ không có lỗi, đó không phải là lỗi của họ và họ không có gì bất thường. Số lượng cuộc gọi đến đường dây trợ giúp đã tăng theo cấp số nhân: từ 4.000 cuộc gọi trong năm đầu tiên lên 29.000 cuộc gọi vào năm ngoái. Và khi các vụ án nghiêm trọng xảy ra, con số này tăng đột biến. Sau khi Sinaga bị kết án, các cuộc gọi đã tăng lên 5000%. Một số người đã giữ câu chuyện trong lòng quá lâu. Cuối năm ngoái, một người đàn ông 93 tuổi đã gọi điện để lần đầu tiên kể về việc bị lạm dụng tình dục lúc 6 tuổi vào đầu những năm 1930.
Noi dau cua dan ong bi hiep dam-Hinh-3
Sinaga sống tại Montana House ở đường Princess, Manchester, nơi hắn thực hiện tội ác của mình. Ảnh: Guardian. 
Công việc của những tổ chức như vậy làm thay đổi cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, không có luật hỗ trợ cho những nạn nhân nam và nạn hiếp dâm nam giới thường bị lấn át bởi các chiến dịch chống bạo lực nữ giới của chính phủ. Tiền và tài nguyên không đủ cho các hoạt động này. Trong khi những nạn nhân ở Manchester có một tổ chức để được giúp đỡ, vậy còn những người ở các thị trấn nhỏ hay ở nông thôn? Ai sẽ giúp họ?
Và ở đây, một lần nữa, chúng ta thấy hậu quả của các chuẩn mực giới tính lên đàn ông. Ở Anh, nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở đàn ông dưới 45 tuổi là do tự tử, thường là vì họ cảm thấy không được hỗ trợ.
“Để hỗ trợ nam giới, chúng ta cần phải suy nghĩ khác: dễ bị tổn thương là một điều rất bình thường”, anh Craig nói. “Bây giờ tôi biết điểm yếu của tôi cũng là điểm mạnh của tôi. Tôi nhận ra nó thì sẽ không ai khác có thể dùng nó chống lại tôi. Đó là vũ khí giúp tôi vượt qua thời kỳ đen tối”.
Những nạn nhân nam đang phải đau khổ và chịu đựng, phần lớn là trong im lặng, nhưng không phải vì họ không muốn nói ra. Thách thức tất cả chúng ta là phải xây dựng xã hội có thể giúp họ sẵn sàng trải lòng.
Theo Như Trần/Zing.vn