Sự thật kinh hoàng về loại vi khuẩn “ăn thịt người” đang hoành hành trở lại

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh Melioidosis hay còn gọi là Whitmore là một loại bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn "ăn thịt người" Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh tiến triển nhanh và có nguy cơ dẫn đến tử vong cao.

Vi khuẩn "ăn thịt người" - chất độc sinh học cấp 1
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh Melioidosis rất đa dạng, từ những thể thường gặp như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, abscess cho đến những dạng hiếm gặp như viêm tủy xương, viêm tuyến mang tai… Điều này gây khó khăn trong chẩn đoán, phát bệnh sớm.
Ngoài ra, các kỹ thuật xét nghiệm vi sinh để phát hiện vi khuẩn gây bệnh cũng chưa thực sự được quan tâm và nhiều bác sĩ, cán bộ xét nghiệm vi sinh lâm sàng tại các bệnh viện tuyến tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm với các ca nhiễm bệnh.
Bệnh Melioidosis gây ra từ vi sinh vật có trong đất và nước tại khu vực có bệnh lưu hành. Bệnh có tiềm ẩn bệnh động vật và lây lan từ người sang người nhưng những trường hợp này hiếm khi được báo cáo. Vi khuẩn "ăn thịt người" có tên khoa học Burkholderia pseudomallei, được phân loại là chất độc sinh học cấp 1 bởi Chương trình chất độc sinh học liên bang Hoa Kỳ cùng với Bacillus anthracis, vi rút Ebola và các vi khuẩn khác.
Su that kinh hoang ve loai vi khuan “an thit nguoi” dang hoanh hanh tro lai
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei được phân loại là chất độc sinh học cấp 1 bởi Chương trình chất độc sinh học liên bang Hoa Kỳ. Ảnh: Diendanykhoa. 
Biểu hiện thông thường bao gồm sốt, nhiễm trùng và sốc nhiễm khuẩn có hoặc không có viêm phổi và áp xe tại bất cứ nội tạng nào; có thể cấp tính, bán cấp tĩnh và mãn tính; có thể tương tự các bệnh khác như bệnh Lao. Bệnh khó điều trị, kháng sinh phổ biến như penicillin và gentamicin không có hiệu quả. Tỷ lệ tử vong bệnh cao, những ca tử vong chủ yếu là tử vong trong vòng 48 giờ. Tỷ lệ tử vong ca bệnh là 60% tại Campuchia, 40% tại Thái Lan và 14% Bắc Úc.
Theo dự báo phân bố toàn cầu vi khuẩn B. pseudomallei và gánh nặng của bệnh Melioidosis (Nature Microbiology, 2016), trên phương pháp tổng hợp 22.338 hồ sơ bệnh Whitmore trên người và động vật được định vị theo địa lý và sự tồn tại của vi khuẩn B. pseudomallei trong môi trường từ các báo cáo từ năm 1910 đến 2014. Ước tính có 165.000 ca bệnh Melioidosis ở người mỗi năm trên toàn thế giới. Ước tính tổng số trên thế giới có 89.000 trường hợp tử vong.
Ca bệnh Melioidosis tăng đột biến gần đây
Ca nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên được phát hiện tại Burma, Myanmar vào năm 1911 bởi nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore (vì thế tên bệnh thường được gọi là Whitmore).
Ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Việt Nam là tại Viện Pasteur, Hồ Chí Minh vào năm 1925.
Chỉ trong tháng 8/2019, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có bốn ca đã tử vong. Căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, tới 40%, đang có nguy cơ tái bùng phát.
Nếu như giai đoạn 5-10 năm mới có 20 ca mắc whitmore, thì từ đầu năm đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Su that kinh hoang ve loai vi khuan “an thit nguoi” dang hoanh hanh tro lai-Hinh-2
Lần đầu tiên Trung tâm Bệnh Nhiệt đới ghi nhận ca vi khuẩn whitmore "ăn" cánh mũi. Ảnh: Báo Nhân dân. 
Sử liệu cho thấy, từ năm 1948 đến năm 1954, có khoảng 100 binh lính Pháp bị nhiễm bệnh trên chiến trường Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam có khoảng 350 binh lính Mỹ bị nhiễm bệnh.
Những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, Whitmore còn được gọi với một cái tên “Vietnamese - time bomb” nhằm ám chỉ một bệnh truyền nhiễm bị nhiễm ở Việt Nam, sau đó ủ bệnh một thời gian dài rồi mới phát bệnh khi các cựu chiến binh Mỹ xuất ngũ trở về.
Sau ngày giải phóng đất nước, chỉ có một số ít các bệnh viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh công bố về các ca nhiễm bệnh.
Whitmore là bệnh vùng, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc Australia, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan (gần với miền Trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới.
Việt Nam là một trong những nước nằm trong vùng bệnh lưu hành, tuy nhiên đến nay thông tin về tình hình dịch tễ cũng như những đặc điểm của căn bệnh này vẫn còn rất hạn chế. Trên cả nước chưa có một nghiên cứu dịch tễ để đánh giá một cách tương đối chính xác mức độ phổ biến của bệnh Melioidosis tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp mắc bệnh Melioidosis đã được phát hiện ở miền Trung Việt Nam, chủ yếu là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.
Bệnh này thường gặp vào mùa mưa. Đường lây truyền do tiếp xúc với bùn đất, nước hoặc do hít phải vi khuẩn. Thời gian ủ bệnh từ 1-21 ngày. Biểu hiện lâm sàng bệnh đa dạng, tỷ lệ tử vong từ 10-30%, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết nặng có sốc tử vong lên đến 85-90%.
Thảo Nguyên (TH)