Thai bị kẹt vai và nguyên nhân khiến bác sĩ phải “mạnh tay” kéo đứt cổ trẻ?

Google News

(Kiến Thức) - Vụ bé sơ sinh bị kéo đứt cổ xảy ra ngày 30/6 ở Hà Tĩnh gần đây khiến rất nhiều người thương tâm và bức xúc. Đây có thể là trường hợp sinh khó do kẹt vai - tai biến sản khoa đáng sợ và bi thảm nhất.

Mới đây, câu chuyện đau lòng về bé sơ sinh bị kéo đứt cổ trong lúc bà mẹ sinh con đã ám ảnh không ít người. Theo bác sĩ sản khoa, trường hợp này có thể do thai nhi bị kẹt vai khi sinh thường. Đẻ khó do kẹt vai là một rắc rối trong lúc sinh thường, một hoặc cả hai vai của bé bị mắc kẹt lại trong quá trình di chuyển ra ngoài âm đạo của mẹ.
Kẹt vai là tai biến sản khoa khó lường, thường gặp ở những trường hợp mẹ bị đái tháo đường, tiền sử sinh con to hoặc ước lượng cân nặng thai nhi hiện tại trên 4 kg. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận có trường hợp thai nhi nhỏ hơn 4 kg nhưng vẫn bị kẹt vai. Khi tai biến này xảy ra, đầu em bé đã ra khỏi cửa mình của thai phụ, nhưng vai của bé vì quá to, còn kẹt lại ở khớp mu (khớp vệ) khung chậu người mẹ.
Thai bi ket vai va nguyen nhan khien bac si phai
Kẹt vai là tai biến sản khoa khó lường và nguy hiểm. Khi vai bị mắc kẹt, cổ bé cũng sẽ bị kéo căng gây ra các tổn thương. Ảnh: Internet. 
Đây là một rắc rối khi sinh khá nguy hiểm, có thể gây nhiều nguy cơ rủi ro cho cả mẹ và bé.
Những rủi ro của việc đẻ khó do kẹt vai khi sinh thường:
Với người mẹ:
- Xuất huyết, băng huyết sau sinh.
- Rách tầng sinh môn.
- Rách/vỡ tử cung, âm đạo, cổ tử cung, trực tràng.
- Tổn thương vùng xương chậu.
Với em bé:
- Tổn thương dây thần kinh vai, cánh tay, bàn tay.
- Nứt gãy xương đòn gánh.
- Gãy và trật khớp xương cánh tay.
- Thiếu oxy lên não, tổn thương não.
Xử trí kẹt vai:
Khi phát hiện tình huống trẻ bị kẹt vai, các bác sĩ sẽ tìm cách xử lý và đưa bé ra ngoài nhanh nhất có thể. Hầu hết các ca kẹt vai đều được bác sĩ xử trí tốt, hạn chế thấp nhất các biến chứng không mong muốn.
Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên Sản phụ khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, đã chia sẻ các xử trí sinh kẹt vai để giúp trang bị kiến thức cho các y bác sĩ, hi vọng giúp cứu được thêm nhiều sinh mệnh. 
“Xử trí những trường hợp này “chua” lắm, nhưng cần bình tĩnh. Trong các thủ thuật với những cái tên khó nhớ trong xử trí kẹt vai, người bác sĩ cần nhớ thủ thuật “lật úp thai phụ” mà ở mọi bệnh viện đều có thể thực hiện. Lúc này, cho sản phụ ở tư thế như đang bò vậy và việc sinh được thuận lợi hơn”, bác sĩ Trung cho hay.
Ngoài ra để xử trí trường hợp trẻ kẹt vai, bác sĩ còn dùng thủ thuật MC Roberts: Một người phụ ấn trên xương mu, người đỡ sinh kéo thai nhi với lực kéo vừa phải. Sau thủ thuật này, hầu hết các trường hợp kẹt vai được giải quyết thành công.
Nếu các thủ thuật trên thất bại, nguy cơ tử vong thai nhi là rất cao, các phương pháp có thể áp dụng lúc này: bẻ gãy xương đòn trước, mổ khớp mu hay đẩy thai nhi vào lại trong tử cung và mổ sanh.
Thảo Nguyên (TH)