Tự mua thuốc Corticoid chữa thủy đậu, thanh niên 28 tuổi ở Sơn La tử vong

Google News

Ba tuần gần đây, có ba ca tử vong do bệnh thủy đậu tại BV Nhiệt đới TƯ, đáng nói trong đó có hai ca tự chữa bằng thuốc corticoid!

Bệnh nhân N.T.M, 28 tuổi, ở Mộc Châu, Sơn La, trước nay khỏe mạnh, một tháng trước đau họng, sốt nhẹ, BS chẩn đoán viêm phế quản, sau điều trị bệnh giảm. Năm ngày gần đây lại sốt, đau người, nổi mụn nước, anh tự mua thuốc kháng sinh và kháng viêm uống, gia đình xác nhận thuốc kháng viêm là Medrol 16mg (thuộc loại Corticoid).
Hai ngày sau bệnh không giảm, anh đến BV Mộc Châu khám, được chẩn đoán thủy đậu biến chứng nặng, BS kê thuốc kháng sinh, thuốc bọc niêm mạc dạ dày. Một ngày sau xuất hiện các nốt phỏng nước to hơn bình thường dày đặc khắp toàn thân, phải chuyển BV Nhiệt đới TƯ, Hà Nội ngày 11/5.
 Thủy đậu được cho là lành tính trừ khi biến chứng.
Bệnh nhân được điều trị phác đồ kháng virus thủy đậu, nhưng đáp ứng rất kém, liên tục sốt cao, suy đa tạng, rối loạn đông máu trầm trọng, xuất huyết dưới da và cả trong nốt phỏng, nguy kịch, phải thở máy, lọc máu liên tục... Tuy nhiên, bệnh tình trầm trọng, anh chỉ cầm cự được đến ngày 14/5!
Đầu tháng 5, một cô gái 26 tuổi, ở Hưng Yên tử vong cũng do dùng thuốc kháng viêm Corticoid khi mắc thủy đậu!
Thủy đậu được cho là lành tính trừ khi biến chứng
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do virus Varicella Zoster, có thể mắc ở mọi lứa tuổi nhưng người có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy yếu mắc nhiều nhất, vì thế bệnh thường thấy hơn ở trẻ nhỏ, người già và mang thai. Ở thai kỳ 13 - 20 tuần, do miễn dịch suy giảm, mắc thủy đậu có thể sảy thai hoặc dị tật thai nhi (dị dạng sọ, đa dị tật ở tim, chứng đầu nhỏ, co quắp tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh...).
Nguy hiểm nhất là trẻ sơ sinh, có thể tử vong 30% nếu mắc bệnh. Sau nhiễm virus, sẽ ủ bệnh khoảng 10 - 14 ngày, khởi phát bệnh thường mệt mỏi, nhức đầu, sốt, chảy nước mũi, đau họng và nổi ban thủy đậu là nốt phỏng nước (phỏng rạ, trái rạ) ở da đầu mặt cổ, chi và thân, do virus gây tổn thương lớp thượng bì của da.
Đường kính “phỏng rạ” khoảng 1 - 3mm và trong khoảng 12 - 24 giờ có thể đã “mọc” khắp toàn thân. Nốt phỏng chứa dịch trong; khi bội nhiễm vi khuẩn dịch đục do mủ hóa; nếu nặng phỏng nước to. Trẻ nhỏ thường sốt nhẹ, biếng ăn, nhưng người lớn hay trẻ lớn thường sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói...
Sau 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt phỏng nước khô dần, bong vảy, màu thâm, không để lại sẹo, trừ khi nhiễm trùng nặng làm tổn thương da sâu. Bệnh lây lan nhanh do truyền nhiễm qua đường thở; mắc nhiều vào mùa đông - xuân nhưng rải rác quanh năm; người lớn và trẻ lớn thường nặng hơn trẻ nhỏ...
Bệnh có biến chứng nguy hiểm của thủy đậu là viêm não, viêm màng não, viêm tiểu não (gây nhiều di chứng về ngôn ngữ, liệt...), viêm phổi, viêm thanh quản, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm gan, viêm tai giữa... Tuy ít nhưng có thể tử vong nếu biến chứng không được điều trị kịp thời. Bệnh Zona (giời leo) là biến chứng thường thấy - một tái phát muộn khá đặc biệt của thuỷ đậu:
Khi khỏi bệnh, virus thủy đậu tồn tại trong các hạch thần kinh ở trạng thái bất hoạt. Nhiều năm sau, có thể đến 30 năm, khi đề kháng cơ thể suy giảm hay có yếu tố thuận lợi khác, virus hoạt động trở lại, gây ra bệnh Zona với biểu hiện đau nhiều nơi (quen gọi là Zona thần kinh), nguy hiểm hơn là loét giác mạc, gây mù lòa...
Yếu tố thuận lợi cho virus gây bệnh là khả năng miễn dịch cơ thể suy giảm, vì thế những người đang có những bệnh gây suy giảm miễn dịch phải cảnh giác cao. Đầu tháng 3 năm nay, bệnh nhân B.T.M.H, 27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang có tiền sử bệnh Lupus ban đỏ hệ thống đã 7 năm và hội chứng Raynaud (đã phải cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4 - 5 trái chưa cắt), đang điều trị tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, Hà Nội thì phải chuyển sang khoa truyền nhiễm khi sốt đến ngày thứ hai, nổi phỏng nước rải rác ở cẳng tay và thân.
Chỉ một ngày sau, bệnh nhân xuất hiện khó thở. Chụp Xquang và xét nghiệm cho thấy thủy đậu biến chứng viêm phổi nặng... Bệnh nhân phải chuyển điều trị tích cực, thở máy, tiên lượng rất xấu... Ngoại trừ hội chứng Raynaud (các động mạch nhỏ cấp máu cho da bị hẹp, hạn chế lưu thông máu đến ngón tay, chân; chóp mũi và tai; tê và dị cảm khi bị lạnh hoặc căng thẳng) không liên quan đến miễn dịch thì Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn dịch, hệ miễn dịch cơ thể tấn công các mô, gây viêm và hủy hoại mô, nguy hiểm nhất cho tim, khớp, da, phổi, mạch máu, gan, thận và hệ thần kinh... Nếu có sẵn những bệnh suy giảm miễn dịch (Lupus ban đỏ hệ thống chỉ là một) thì thủy đậu trở lên rất nguy hiểm vì biến chứng.
Không làm đúng, bệnh hóa nguy hiểm
Trước hết, mắc thủy đậu dùng thuốc kháng viêm loại Corticoid quả là tự “bó giáo lai hàng”, vì Corticoid (các biệt dược thông thường như Presnisolon, Dexamethason, Beta methason, Methylpresnisolon, Medrol...) là loại thuốc kháng viêm, chống phù nề mạnh nhưng có tác dụng phụ làm suy giảm miễn dịch, giảm số lượng bạch cầu hạt, dùng nó khi mắc thủy đậu không khác gì tự “cầm dao đâm mình”; mặt khác thuốc không có tác dụng diệt virus.
Mắc thủy đậu là do cơ thể suy giảm miễn dịch, virus nhân cơ hội gây bệnh, dùng Corticoid khả năng miễn dịch càng thêm suy giảm, tạo điều kiện cho virus sinh sôi mạnh mẽ, tàn phá cơ thể...Vì thế các thuốc loại Corticoid bị chống chỉ định tuyệt đối khi mắc thủy đậu. Nếu có dùng kháng sinh thì chỉ là đề phòng hoặc chống vi khuẩn bội nhiễm làm bệnh tình trầm trọng thêm, chứ không phải để diệt virus, vì hiện thời chưa có một kháng sinh nào có tác dụng này... Lại còn có những vùng miền cho người mắc thủy đậu uống nước gốc rạ (để trị phỏng rạ) thì quả là u mê độc nhất vô nhị hay nhai đỗ xanh, gạo nếp đắp lên vết giời leo, làm tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng!?
Khi chăm sóc người mắc thủy đậu, nếu làm vỡ các nốt phỏng sẽ gây bội nhiễm nặng, tạo mủ và thành sẹo khi khỏi... Đã có không ít người nhầm lẫn thủy đậu với sởi và hậu quả thật đáng tiếc.
Bé N.N.A, 15 tháng tuổi, ở Hưng Yên, đến viện khi bội nhiễm da nặng, sốt cao, phải điều trị nội trú. Trước đó, thấy bé nổi phỏng rạ, cha mẹ cho rằng bị sởi nên dùng thuốc theo hướng sởi. Khi các nốt phỏng dày đặc toàn thân, không chịu được ngứa, bé gãi làm da trầy xước, vỡ các nốt phỏng, mẹ bé lại kiêng tắm nên bé bị bội nhiễm da nặng, BV phải dùng kháng sinh mạnh để đối phó với nhiễm khuẩn...
Bé Lý Thị T, ở Nghệ An, cũng do bố mẹ cho là sởi nên vào viện khi phỏng rạ nổi khắp người, biến chứng viêm phổi. Sau 2 ngày ở viện địa phương, bé được chuyển tuyến trên khi đã suy hô hấp, phải thở máy, nhưng rồi bé ho ra máu và tử vong! Thực ra ban sởi khác xa ban thủy đậu. Ban sởi là dạng dát sẩn màu hồng, không phải hình tròn, kích thước lớn hơn ban thủy đậu, hơi cao hơn bề mặt da, sờ mịn như nhung, không đau, không hoặc rất ít ngứa, không có phỏng nước và không sinh mủ; mọc chậm hơn ban thủy đậu (24 - 48h), xuất hiện theo trình tự từ đầu xuống chân và mất cũng theo trình tự này...
Năm 2017, cả nước có gần 40.000 ca bệnh thủy đậu, tăng gần 50% so với năm 2016. Năm nay, số mắc bệnh có xu hướng tăng từ tháng Một, đạt đỉnh vào tháng Ba với 8.000 ca, trung bình các tháng gần 3.000 ca. Khi bị thủy đậu, phải cách ly tại nhà tới khi khỏi hẳn. Dùng thuốc Acyclovir có tác dụng kìm virus sớm theo chỉ định của BS, thêm vitamin C và nhỏ mũi dung dịch sát khuẩn; bôi Xanh methylen hay Subạc dạng gel để sát khuẩn, tránh bội nhiễm và làm se các nốt phỏng da; mặc quần áo vải mềm. Tắm để vệ sinh da, cho rằng thủy đậu phải kiêng nước, gió là không đúng, nhưng tắm bằng lá thuốc nam cho con trai 4 tháng tuổi như chị H, ở Phúc Thọ, Hà Nội lại là sai vì không biết lá thuốc chứa những gì và hậu quả là da bé lở loét... Khi thấy các nốt phỏng to hơn bình thường, mọc dày, mệt mỏi nhiều, phải đi BV ngay.
Phòng bệnh hiệu quả cao bằng rửa tay xà phòng và tiêm chủng; 80% sẽ mắc thủy đậu nếu không tiêm chủng. Có thể tiêm phòng từ 18 tháng tuổi hay bất kỳ lứa tuổi nào sau đó. Phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất 2 tháng.

Theo BS Nguyễn Kiên/Lao Động