Vợ chồng Hà Nội hâm nóng tình cảm mùa dịch

Google News

Dịch Covid-19 là nỗi lo chung của mọi người nhưng có không ít người coi đây là cơ hội để đảo ngược tình thế, chấp nhận sống chung, tìm cách giữ mình làm theo các khuyến cáo của Bộ Y tế, đồng thời tìm cách biến nhược điểm thành ưu điểm.

Với nhiều gia đình, đó là dịp để con cái được học thêm các kỹ năng, tăng độ gắn kết giữa bố mẹ với con cái, đồng thời là dịp để vợ chồng hâm nóng tình cảm. 

"Mùa dịch, con trẻ nghỉ học dài ngày, nhiều người cứ kêu mệt khi chăm sóc chúng ở nhà nhưng tôi lại thấy đây là cơ hội để gia đình gần gũi nhau hơn và dạy cho các con thêm các kỹ năng sống mà ngày thường bận rộn tôi không kịp làm", chị Thanh Hương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

"Hai con gái của tôi thường ngày phải đi học rất nhiều, giờ các cháu ở nhà chủ yếu tự học và học online vào buổi tối. Vì thế, tôi thống nhất cùng các con làm một thời khóa biểu trong đó có việc học và làm những món ăn ngon theo hướng dẫn trên youtube. Tôi nhận thấy các cháu vui vẻ hoạt bát hẳn. Với các cháu có lẽ đó là khoảng thời gian giải trí, đồng thời học thêm các kỹ năng vào bếp khác. Thế là cứ tối đi làm về, cả nhà lại quây quần "đánh giá" từng bữa ăn của các cháu. Vui lắm!". Chị Thanh Hương không giấu được niềm vui khi kể lại.

Vo chong Ha Noi ham nong tinh cam mua dich

Cũng xác định sẽ giữ các con ở lại Hà Nội chứ không đưa con về quê "tránh dịch" như những người khác, chị Hoàng Nguyên (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: "Gửi con về quê thì mình rảnh thật, nhưng chỉ phù hợp với gia đình con nhỏ mà buộc phải có người chăm sóc, chứ hai con tôi cũng lớn rồi. Tôi nghĩ đây là cơ hội để cả gia đình gần gũi nhau hơn và là dịp để các cháu được làm điều mình thích". Bằng sáng kiến, để cho các con tự lập ra chủ đề học tập, chị Hoàng Nguyên hiểu rõ con mình có tính cách và tố chất như thế nào hơn - điều mà hàng ngày cuộc sống bận rộn cứ cuốn tất cả trôi vụt qua nhau.

"Cháu lớn lập thời khóa biểu cho mình trong đó có việc tìm hiểu về dịch bệnh, tự làm các clip chia sẻ cách phòng dịch mỗi ngày. Cháu thích truyền thông nên rất đầu tư vào việc làm sao để clip phải hay và hấp dẫn. Cháu nhỏ thì lại thích vẽ, nên sau dịp này nhà tôi dễ chừng có một phòng tranh sáng tạo của cháu. Giai đoạn này, tuy các con ở nhà nhiều, nhưng tôi cũng thấy có ích khi mình được sống chậm, được đồng hành với các con nhiều hơn. Mỗi tối, bố mẹ đi làm về, luôn được thấy hai con đã ở nhà với cơm nước sẵn sàng và những câu chuyện như dài hơn vì tất cả thư thái hơn, có nhiều thời gian bên nhau hơn", chị Hoàng Nguyên tâm sự.

Vo chong Ha Noi ham nong tinh cam mua dich-Hinh-2

Không giống như hai gia đình có con lớn nêu trên, gia đình anh Trọng Nghĩa (Thanh Xuân, Hà Nội) có con ở tuổi mẫu giáo. Cả hai vợ chồng đều phải đi làm nên thường ngày không có ai trông, anh chị gửi con về bên nội và xác định thành "vợ chồng son". 

"Vắng con, nhiều lúc nghĩ cũng buồn. Ngày nào cũng phải gọi điện về hỏi thăm và nghe giọng con thì mới đỡ nhớ. Nhưng đó là giai đoạn đầu thôi, giờ thì các con cũng quen với việc về với ông bà, như một kỳ nghỉ hè sớm, còn vợ chồng thì cũng yên tâm hơn. Còn lại hai vợ chồng, sớm tối đều chỉ loanh quanh đi làm rồi về thẳng nhà mà không còn có việc gặp gỡ bạn bè hay la cà quán xá, mua sắm này kia nữa. Ở bên nhau nhiều, vợ chồng lại thêm gắn kết hơn!", anh Trọng Nghĩa cho biết.

Theo đó, mỗi ngày vợ chồng anh đều dậy sớm hơn thường lệ, đều cùng nhau vào bếp để chuẩn bị bữa ăn cho sáng và trưa - điều mà trước đây, khi chưa có dịch, anh không bao giờ làm. "Gần bếp mới hiểu và trân quý hộp cơm trưa vợ đã làm gửi mình mang đi hàng ngày!", anh Nghĩa cho hay.

Rồi cứ mỗi buổi chiều tối, khi đi làm về, vợ chồng anh lại dành thời gian cùng nhau thể dục. "Chúng tôi vẫn thể dục đều đặn mỗi ngày, nhưng thay vì phải thay ca trông con như trước đây thì giờ chúng tôi cùng đi thể dục với nhau. Hai vợ chồng chọn con đường vắng người gần nhà để chạy, tăng cường sức khỏe. Rồi lại cùng nhau vào bếp cho bữa tối, cùng nhau làm các việc trong gia đình. Cùng nhau xem một bộ phim, xem lại những mục tiêu và kế hoạch khác trong cuộc sống... Bỗng dưng thành vợ chồng son, tình cảm lại thêm gắn kết. Không chừng sau dịch, chúng tôi lại có "tin vui"", anh Nghĩa hóm hỉnh chia sẻ.

Thật vậy, với ai đó có thể còn đang lo lắng khi dịch bệnh chưa kết thúc. Nhưng ở những ngôi nhà này, cách tận dụng khoảng thời gian quý giá bên nhau cũng là một cách làm ngôi nhà mình hạnh phúc hơn. Thật đáng để suy ngẫm và học tập!

Theo Phương Nghi/Giadinh.net