Vụ nữ vlogger bị chồng cũ thiêu sống phơi bày nạn bạo lực gia đình

Google News

Tâm lý coi chuyện vợ bị chồng đánh là việc riêng trong nhà, xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân khiến thực trạng bạo lực gia đình gia tăng ở Trung Quốc.

Ngày 30/9, Lạp Mẫu, vlogger người dân tộc Tạng ở châu tự trị Ngawa (tỉnh Tứ Xuyên), qua đời do bị chồng cũ thiêu sống. Vụ án gây rúng động trong dư luận Trung Quốc và nhiều nước châu Á.

Sự việc xảy ra hôm 14/9, khi Lạp Mẫu đang phát sóng trực tiếp thì bị chồng cũ xông vào nhà, tưới xăng lên người cô và châm lửa đốt khiến cô bị bỏng 90% cơ thể, hắn còn đâm nạn nhân nhiều nhát rồi bỏ đi.

Theo một số trang tin, Lạp Mẫu bị thiêu sống trong 3 tiếng mới được hàng xóm phát hiện, tiến hành dập lửa và đưa đi cấp cứu. Người phụ nữ 31 tuổi cuối cùng không thể qua khỏi sau 16 ngày điều trị ở bệnh viện.

Vu nu vlogger bi chong cu thieu song phoi bay nan bao luc gia dinh

Lạp Mẫu qua đời vì bị chồng cũ thiêu sống ngay khi đang phát sóng trực tiếp.

Là một người sống bằng nghề hái thảo mộc ở vùng núi hẻo lánh thuộc miền Tây Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Lạp Mẫu bất ngờ nổi tiếng khi chia sẻ cuộc sống hàng ngày trên ứng dụng đăng video ngắn Douyin. Cô thu hút 900.000 người theo dõi .

Nữ vlogger thường đăng clip làm việc đồng áng, nấu ăn hay nhảy múa theo những giai điệu Tây Tạng. Cô luôn xuất hiện với sự vui vẻ, lạc quan, truyền năng lượng tích cực đến mọi người.

Tháng 6 năm nay, Lạp Mẫu ly hôn sau thời gian chịu bạo lực, lạm dụng từ chồng. Cô một mình lao động chăm chỉ để nuôi cha già và 2 đứa con nhỏ.

Tang thừa nhận đã đánh vợ cũ nhiều lần, không chỉ ở nhà mà còn bạo hành cô công khai nơi công cộng. Những phản ứng dữ dội từ các nhà chức trách trong ngôi làng nhỏ bé đó đã khơi dậy cảm xúc cực đoan của hắn và khiến bi kịch xảy đến.

Cái chết của Lạp Mẫu làm dấy lên làn sóng phản đối kịch liệt, đông đảo dân mạng lên tiếng đòi công lý cho cô. Trong ít ngày, những bài đăng có hashtag nhắc tới tên Lạp Mẫu đã nhận được hơn 420 triệu lượt xem.

Tuy nhiên, giữa thời đại mạng xã hội, vụ việc rúng động của nữ vlogger cũng chỉ hút sự chú ý trong thời gian ngắn. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm tàn bạo của người chồng, nhưng rồi họ cũng sớm quên đi, cho tới khi có một Lạp Mẫu tiếp theo xuất hiện.

Số đông ngầm hiểu rằng những vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, lặp đi lặp lại. Sự phẫn nộ, sợ hãi và đau buồn của công chúng dường như đang lắng xuống vì cho rằng vụ án này cũng chỉ là một trường hợp bạo lực gia đình - thực trạng vẫn diễn ra trên khắp đất nước tỷ dân.

Bạo hành gia đình là chuyện riêng tư

Trung Quốc là nước đi sau trong việc đưa ra các quy định về bạo lực gia đình. Năm 2001, hành vi ngược đãi thân thể mới được coi là lý do để đệ đơn ly hôn. Đến năm 2016, luật chống bạo lực gia đình đầu tiên của nước này mới có hiệu lực.

Hơn 90 triệu phụ nữ đã kết hôn ở Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với bạo lực gia đình. Trung bình mỗi năm có khoảng 157.000 phụ nữ tự tử, khiến xứ tỷ dân trở thành một trong số ít quốc gia có tỷ lệ nữ tự tử cao hơn nam. Trong đó, 60% người tự sát vì bạo lực gia đình, theo CGTN.

Theo số liệu, các nạn nhân không trình báo cảnh sát cho đến khi họ bị lạm dụng trung bình ít nhất 35 lần.

Vu nu vlogger bi chong cu thieu song phoi bay nan bao luc gia dinh-Hinh-2

Hàng chục nghìn phụ nữ ở Trung Quốc tự tử mỗi năm vì phải chịu bạo lực gia đình.

"Bạo lực sẽ trở thành giải pháp khi luật pháp, đạo đức hay việc thương lượng nằm ngoài tầm kiểm soát", Wang Fengli - một nhà xã hội học nghiên cứu về bạo lực gia đình tại Bắc Kinh - nói với CGTN.

Luật giúp đỡ các nạn nhân bị lạm dụng thể chất hoặc tinh thần trong gia đình thông qua nhiều cách khác nhau. "Nhưng nó vẫn có sơ hở", Peng Chun, phó giáo sư Trường Luật Đại học Bắc Kinh, cho biết.

"Đối tượng bao gồm các cặp vợ chồng đã kết hôn, bạn đời đang chung sống và các thành viên khác trong gia đình, nhưng luật không đề cập đến bạo lực đối với vợ/chồng cũ hoặc bạn đời không sống cùng nhau", vị giáo sư lý giải.

Trong trường hợp của Lạp Mẫu, cô không đủ điều kiện để được nhận lệnh bảo vệ vì đã ly hôn, dù thực tế cô bị chồng cũ lạm dụng và đe dọa suốt 10 năm.

Cuối năm ngoái, He Yuhong, một beauty blogger người Trùng Khánh có biệt danh Yuyamika, đã đăng đoạn video cảnh bị bạn trai cũ kéo lê từ thang máy một cách thô bạo, mặc cho cô cố gắng giằng co và la hét để được giúp đỡ.

"Trong 6 tháng qua, tôi như đang sống trong ác mộng", He viết.

Theo Peng, thách thức trong việc xác định yếu tố cấu thành bạo lực gia đình, cũng như khó khăn khi thu thập bằng chứng dẫn đến việc chậm trễ hoặc từ chối ban hành lệnh bảo vệ an toàn cá nhân.

Năm 2019, hơn 2.000 lệnh bảo vệ đã được cấp, cao gấp 3 lần so với năm 2016. Nhưng con số đó còn quá nhỏ khi xét đến hàng trăm nghìn nạn nhân bị bạo hành mỗi năm. Thêm vào đó, luật không giải quyết được vấn đề lạm dụng tình dục hoặc kiểm soát kinh tế.

Vu nu vlogger bi chong cu thieu song phoi bay nan bao luc gia dinh-Hinh-3

Nhiều phụ nữ bị bạo hành song không được bảo vệ vì cảnh sát và tòa án coi đó là "chuyện riêng trong nhà".

Những lỗ hổng trong luật pháp và việc thực thi nó không phải yếu tố duy nhất ngăn cản người bị lạm dụng tìm kiếm công lý.

Một tâm lý đặc trưng tồn tại từ lâu, thể hiện qua câu cổ ngữ của Trung Quốc: "Đến quan chính trực cũng không thể phân xử chuyện gia đình". Do đó, một số cảnh sát hay thẩm phán vẫn coi chuyện bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư mà người trong nhà cần tự giải quyết.

"Chế độ phụ hệ hàng nghìn năm qua luôn coi đàn ông phải là người chịu trách nhiệm về số phận gia đình. Trong các xã hội bảo thủ và gia trưởng, bạo lực gia đình có xu hướng tăng cao", Wang nói.

Điều này đúng với câu chuyện của Lạp Mẫu, bởi cảnh sát chỉ xem xét một cách nghiêm túc khi vụ việc kết thúc bằng bi kịch gây ồn ào. Theo báo cáo, từ năm ngoái, Lạp Mẫu đã nhờ đến cảnh sát xin sự giúp đỡ nhiều lần để tìm cách ly hôn. Song nhà chức trách chỉ đưa ra cảnh báo bằng lời nói với Tang.

"Cô ta phải làm gì sai mới bị đánh"

Cuộc chiến khó khăn hơn nằm ở việc thay đổi định kiến đối với những người bị bạo lực gia đình.

Theo thống kê từ Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, 80% phụ nữ gọi cảnh sát vì bạo lực gia đình bị phớt lờ vì cho đó là "việc gia đình" thay vì hành vi phạm tội. Một số người thậm chí bị cảnh sát khiển trách ngược lại.

Vu nu vlogger bi chong cu thieu song phoi bay nan bao luc gia dinh-Hinh-4

Nạn nhân nữ bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra bạo hành.

Dù Lạp Mẫu là nạn nhân, một số dân mạng cho rằng hẳn "cô ta phải làm gì đó sai nên mới bị đánh". Thậm chí, có người nói đáng ra cô không nên cố gắng gây chú ý để nổi tiếng, thành "hiện tượng" trên Internet như vậy.

Có những ý kiến chỉ trích rằng nạn nhân nữ đã "thể hiện quá nhiều quyền tự quyết" hoặc "không sống theo các tiêu chuẩn nhất định", đồng thời giảm nhẹ trách nhiệm của kẻ bạo hành.

Wang cho rằng tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) là trở ngại lớn nhất trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình. Lạp Mẫu được xem là "perfect victim" (tạm dịch: nạn nhân hoàn hảo) của victim blaming trên nhiều khía cạnh - cô là một người phụ nữ độc lập, đã vật lộn để ly hôn 2 lần và nỗ lực nuôi sống gia đình.

Thực tế, ngay trong những môi trường tiến bộ, bi kịch vẫn diễn ra. Hong Mei - một nhà báo 40 tuổi, chuyên đưa tin về bạo lực gia đình ở Ordos (khu tự trị Nội Mông Cổ) - đã bị chồng đánh đập dã man hơn 10 năm, trước khi bà chết vì bị lạm dụng vào năm 2016.

Trong năm 2016, các tòa án khắp Trung Quốc chỉ ban hành 687 lệnh bảo vệ. Con số đã tăng lên 2.004 vào năm 2019.

"Số lượng lệnh bảo vệ được ban hành trên toàn quốc đang tăng lên, điều này cho thấy các nạn nhân bạo hành gia đình đang chủ động tự bảo vệ mình", Feng Yuan, đồng sáng lập Equality (một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh), nói.

Bên cạnh đó, tòa án tối cao ban hành hướng dẫn cho các tòa án địa phương để giảm trách nhiệm chứng minh cho nguyên đơn, do thực tế khó khăn trong việc thu thập bằng chứng về việc lạm dụng cần thiết để xin lệnh cấm.

Theo Zing