Bảo vệ và tăng cường quyền lợi của cộng đồng địa phương trong các dự án thủy điện

Google News

(Kiến Thức) - Trong nhóm năng lượng tái tạo, thủy điện vừa và nhỏ hiện vẫn được coi là lựa chọn phù hợp về khía cạnh kinh tế và tài chính.

Một vài nét về thủy điện
Trong nhóm năng lượng tái tạo, thủy điện vừa và nhỏ (TĐN) hiện vẫn được coi là lựa chọn phù hợp về khía cạnh kinh tế và tài chính.
Theo báo cáo đánh giá gần đây, Việt Nam có trên 1.000 địa điểm đã được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mô từ 100 kW tới 30 MW, với tổng công suất đặt trên 7.000 MW (đứng đầu các nước ASEAN). Những vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư và vận hành khá hiệu quả các nhà máy thủy điện nhỏ tại một số tỉnh như: Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai… TĐN hiện cung cấp 19% sản lượng điện của toàn cầu. Công nghệ cho TĐN bao gồm tua bin thủy lực, máy phát điện như thủy điện vừa và lớn, nhưng thường chỉ sử dụng lưu lượng dòng chảy (run-of-river) trên các nhánh sông nhỏ, hoặc suối để phát điện không cần đập và hồ chứa (Nguyễn Mạnh Hiến, 2019)
Có nhiều ý kiến nói về thủy điện phá rừng, ảnh hưởng đến môi trường. Thủy điện ảnh hưởng đến tình trạng đói nghèo của người dân bản địa. Vậy sự thực là gì? Dưới đây là một phần bức tranh thủy điện tác động đến rừng và đời sống người dân.
Các nghiên cứu của Viện Năng lượng, Bộ Công thương năm (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2013) và Học viện hành chính quốc gia HCM (Lê Thị Thanh Hà, 2018) đã nêu ra những tác động xấu của thủy điện gồm:
Gây ngập lụt, xói lở bờ sông do thay đổi chế độ nước hạ lưu và vận hành xả không đúng quy trình.
Hạn hán và suy giảm chất lượng nước hạ lưu do lượng xả phụ thuộc chế độ vận hành nhà máy. Hơn nữa, hầu hết các nhà máy không có của xả đáy để có thể xả trong trường hợp mực nước hồ thấp hơn mực nước chết.
Suy giảm dòng chảy bùn cát ở hạ du do công trình không có thiết kế cống xả đáy làm thiếu hụt lượng phù xa bổ sung độ màu cho đất nông nghiệp hạ lưu, cát sạn sỏi, thêm vào đó là hiện tượng khai thác cát đang diễn ra khó kiểm soát làm ảnh hưởng hình thái sông và sinh kế của người dân sống dựa vào tài nguyên này.
Suy giảm tài nguyên sinh học nhất là rừng. Mất rừng và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học do rừng ngập trong lòng hồ cùng toàn bộ diện tích đất sản xuất của khu vực này bị mất, thêm vào đó nạn chặt phá rừng ngày càng gia tăng mạnh do khai thác gỗ và người dân không có đất sản xuất. Rừng phòng hộ đầu nguồn bị lâm tặc chặt phá do lợi dụng địa thế, đường thủy trên lòng hồ và thực vật chết dần vì ngập nước làm cho tốc độ suy giảm tài nguyên rừng quá nhanh ở khu vực xung quanh dự án kéo theo đó là suy giảm đa dạng sinh học. Hậu quả có thể thấy được đó là hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất xung quanh gây bồi lắng lòng hồ làm giảm dung tích lòng hồ do, làm ảnh hưởng đến khả năng cắt lũ.
Vấn đề liên quan đến đền bù di dân tái định cư và an sinh xã hội. Kinh tế và thu nhập của họ bấp bênh không ổn định, nơi ở và điều kiện canh tác khác biệt và đối với nhiều đồng bào dân tộc, giảm điều kiện và cơ hội tiếp cận khai thác tài nguyên thiên nhiên cho cuộc sống hàng ngày như nguồn cá sông, sản vật rừng.
Bao ve va tang cuong quyen loi cua cong dong dia phuong trong cac du an thuy dien
Ảnh minh họa. 
Các rủi ro và sự cố môi trường như vỡ đập, động đất
Việc lấy nước bất hợp lý, không tuân thủ chế độ xả tối thiểu và không xem xét tính toán đến dòng chảy môi trường về hạ du của các nhà máy thủy điện trên các hệ thống sông đã gây ra những tác động: Thiếu nước sản xuất nông nghiệp ở hạ du do không đủ nước cho các công trình thủy lợi, đặc biệt là các trạm bơm làm cho đất bị bạc màu, giảm năng suất cây trồng; Nguy cơ sa mạc hóa hạ lưu, do việc tích nước của các hồ chứa đã dẫn đến hình thành các đoạn sông chết sau đập, nhiều diện tích đất nông nghiệp không đủ nước tưới gây khô hạn và sa mạc hóa; Xói mòn và sạt lở bờ sông; Vấn đề nhiễm mặn. Những tác động trên đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Tây Nguyên.
Về tác động đến rừng, Theo Báo cáo Quốc hội khóa 13, 2013( Báo cáo kết quả giám sát bước đầu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thủy điện) đến năm 2013 đã có 50.930 ha đất rừng (đất lâm nghiệp) phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện và có 1.061,25 ha rừng được trồng, mới chỉ đạt 2,08% tổng diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện (1.061,25ha/50.930ha).
Chỉ tính riêng 37 dự án thủy điện công suất lớn hơn 60 MW của EVN có tổng công suất khoảng 12.500 MW, đã chiếm gần 37.000 ha đất rừng. Đối với dự án thủy điện nhỏ, trung bình chiếm 7,405 ha đất các loại/MW (trong đó: 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất lúa, 0,808 ha đất trong màu, 2,726 ha đất rừng, 1,507 ha đất mặt nước sông suối và các loại đất khác). Đối với dự án thủy điện vừa và lớn, trung bình chiếm 10,44 ha đất các loại/MW (0,1 ha đất ở; 0,514 ha đất lúa; 3,39 ha đất trồng màu; 3,252 ha đất rừng; 1,089 ha đất mặt nước sông suối và các loại đất khác).
Theo các thông tin, báo cáo thì “Bình quân, cứ 1 MW điện thì phải mất từ 10 đến 30 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng”.
Ông Đặng Ngọc Quang, chuyên gia phát triển bền vững cho rằng “Trong khi những nguyên tắc phát triển bền vững đòi hỏi sự tăng trưởng bền vững phải đáp ứng, cả ba chiều cạnh sự tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bền vững về môi trường, các dự án thủy điện nhiều khi chỉ đảm bảo được một tiêu chí kinh tế.” (Lao động cuối tuần, 6/1/2017).
Có một thực tế là ở các vùng núi cao hiện nay rừng đã bị cạn kiệt từ trước khi có thủy điện. Đối tượng phá rừng chính là do người dân làm rẫy và lâm tặc. Hình thức canh tác nương rẫy gắn với người nghèo. Nếu hết nghèo thì canh tác nương rẫy sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất sang thủy điện đã khiến việc phá rừng tăng lên. Thêm vào đó, khi có nhà máy thủy điện là có đường giao thông, việc này cũng tăng cường hỗ trợ tiêu thụ lâm sản và gỗ. (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2013; GreenID, 2013)
Các chính sách hiện tại
Để đảm bảo giảm thiểu tác động của thủy điện đến điều kiện kinh tế- xã hội hiện đã có một số những văn bản chính sách. Những chính sách này đã góp phần đảm bảo các doanh nghiệp giảm thiểu phần nào những tác động đến điều kiện kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải tiến về mặt chính sách.
Căn cứ pháp lý liên quan đến đánh giá tác động kinh tế - xã hội
Quyết định 1600/QĐ-TTg, ngày 16/8/2016. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020
Quyết định 1722/QĐ-TTg, ngày 2/9/2016. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020
Nghị định 18/2015/NĐ-CP, ngày 14/2/2015. Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Nghị định 40/2019/NĐ-CP, ngày 13/5/2019, Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật bảo vệ môi trường.
Thông tư 27/2015/TT-BTNMT, ngày 29/5/2015. Về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27 tháng 12 năm 2008. Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
Nghị định 201/2013/NĐ CP ngày 27/11/2013 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật tài nguyên nước. Trong đó có chi tiết về tham vấn cộng đồng và các bên liên quan.
Quyết định 582/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017. Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020.
Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Quyết định 900 QĐ/TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Các xã thuộc diện đầu tư chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.
Quyết định 64/2014/QĐ-TTg, ngày 18/11/2014. Chính sách đặc thù về di dân tài định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
Nghị định 47/2014/NĐ-CP của chính phủ ngày 15/5/2014, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Thông tư 43/2012/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 27/12/2012, quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện.
Nghị định 01/2017/NĐ-CP của chính phủ ngày 6/1/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số nghi định, quy định chi tiết thi hành luật đất đai.
Nghị định 42/2012/NĐ-CP của chính phủ ngày 11/5/2012 về quản lý sử dụng đất trồng lúa.
Thông tư 30/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngày 11/6/2013 về Hướng dẫn về việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng.
Thực tế các đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
Cho đến nay các báo cáo ĐTM chỉ tập trung vào các khía cạnh môi trường (bụi, tiếng ồn, nước thải), an toàn đập, thủy văn. Những khía cạnh tác động khác rất ít được đề cập đến (tác động đa dạng sinh học, tác động đến rừng, tác động đến kinh tế-xã hội).
Gần đây, Tổng cục môi trường, Vụ thẩm định ĐTM, bộ phận thủy điện đã có quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực tác động đa dạng sinh học, tác động đến rừng, tác động đến kinh tế-xã hội. Cụ thể, đã chú ý thực hiện các chuyến đi khảo sát thực địa trước khi thẩm định ĐTM. Bên cạnh đó, thành phần hội đồng thẩm định đã gồm nhiều chuyên gia từ những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là những lĩnh vực đáng quan tâm. Cụ thể, bên cạnh những chuyên gia như an toàn đập, địa chất, môi trường, thủy văn còn có các chuyên gia về sinh thái và đa dạng sinh học, quản lý rừng, xã hội. Những góp ý, yêu cầu của các chuyên gia đã được chú ý nghiêm túc hơn.
Các chuyên gia trong hội đồng thẩm định, cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ của vụ thẩm định đã và đang tăng cường vận dụng thông tư 27/2015/TT-BTNMT về đánh giá tác động môi trường, với nguyên tắc là “gây tác động, ảnh hưởng thì phải có biện pháp giảm thiểu”. Kết hợp tăng cường hỗ trợ và tạo sức ép buộc doanh nghiệp đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động và hỗ trợ cộng đồng. Cụ thể là những tác động chủ yếu của thủy điện (rừng, sinh thái, đa dạng sinh học, kinh tế-xã hội, sinh kế, thủy văn, an toàn đập) đã được đánh giá kỹ lưỡng, và đưa ra những giải pháp giảm thiểu có hiệu quả. Những dự án nào chưa đưa ra được giải pháp giảm thiểu đầy đủ thì không được thông qua.
Thực tế biện pháp giảm thiểu tác động đến kinh tế-xã hội
Hiện trạng tham vấn cộng đồng
Theo quy định hiện nay, tất cả các đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện đều phải tiến hành tham vấn cộng đồng. Việc tham vấn chủ yếu tiến hành với 3 hoạt động chính. Trước hết là họp và làm việc với chính quyền địa phương, cụ thể là lãnh đạo UBND xã. Hoạt động thứ 2 là làm việc với đại diện của tổ chức đoàn thể, cụ thể là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc. Thứ 3 là cuộc họp với người dân, cụ thể là họp những hộ dân bị mất đất, nhận đền bù hoặc tái định cư. Tuy nhiên, việc tham vấn cộng đồng cần nhiều hơn thế. Nhu cầu của người dân nhiều hơn thế.
Hầu hết các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện đều thiếu phần đánh giá tác động kinh tế-xã hội. Đặc biệt phần phục hồi sinh kế là hoàn toàn không có. Tình trạng thiếu kiến thức về phương pháp tham vấn là khá phổ biến. Hầu hết thành viên của nhóm lập báo cáo ĐMT đều không có chuyên gia về xã hội, do đó phần tham vấn cộng đồng, và đánh giá tác động kinh tế-xã hội của ĐMT hầu như không đạt yêu cầu.
Cho đến hiện nay, các hoạt động giảm thiểu tác động của thủy điện đã trải qua quá trình thay đổi ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên về cơ bản vẫn còn nhiều điều bất cập. Cụ thể, những hoạt động chính giảm thiểu tác động đến kinh tế-xã hội hiện này mới tập trung vào 3 mảng chính: đền bù, tái định cư; hỗ trợ hạ tầng; và phục hồi sinh kế.
Hoạt động đền bù, tái định cư
Sau một thời gian dài không được thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả, và có nhiều bất cập. Chẳng hạn như diện tích đất đền bù ít hơn so với diện tích đất của hộ gia đình. Đất ruộng nước được đền bù bằng đất không có nước. Đất đền bù là đất xấu hơn, khiến người dân không sản xuất được. Không có hỗ trợ phục hồi sinh kế, khiến cho người dân dễ bị “tái nghèo”. (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2013; NNL, 2015; Lê Thị Thanh Hà, 2018). Mặc dù vậy, gần đây hoạt động đền bù, tái định cư đã có tiến triển. Các chính sách đền bù đã rõ ràng, cụ thể, với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện. Cụ thể là Trung tâm quản lý đất đai thuộc UBND cấp huyện, Cán bộ địa chính và UBND xã đóng vai trò chính. Các hoạt động đền bù đều có sự tham vấn và có sự thỏa thuận với người dân. Giá đền bù (đất đai và hoa màu, tài sản trên đất) đều có quy định của UBND tỉnh. Điểm bất cập là giá đền bù thường thấp hơn so với giá thị trường. Điều này gây thiệt thòi cho người dân và gây khó khăn cho việc phục hồi sinh kế sau này.
Tái định cư là một việc gây tác động rất lớn đến đời sống người dân và để lại hậu quả lâu dài. Thông tư Bộ công thương 43/2012/TT-BCT quy định không chiếm dụng quá 10 ha đất các loại hoặc không di dời quá 01 hộ dân với 01 MW công suất lắp máy. Điều này đã tác động đến chủ đầu tư. Hầu hết các chủ đầu tư đều tránh không xây dựng trên những địa bàn bị tái định cư. Vì vậy hiện nay hầu như thủy điện không có tái định cư. Đây là một tác động tích cực của chính sách.
Hoạt động hỗ trợ hạ tầng
Cũng tương tự như đền bù, tái định cư, hỗ trợ hạ tầng đã có những tiến triển, tuy nhiên vẫn chưa đáng kể. Các công trình thủy điện đều tiến hành làm hạ tầng như đường, đường ống, đập tràn, cầu, dẫn điện… Và chính những công trình này người dân cũng được sử dụng chung. Một số công trình cũng hỗ trợ các công trình do quá trình thi công gây tác động đến địa phương: cầu, đường (do nước dâng), dẫn điện, trường học, trạm xá… Một nghiên cứu khoa học (Nguyễn Tuấn Dũng và cộng sự, 2017) đã chỉ ra rằng hỗ trợ cơ sở hạ tầng có tác động rõ ràng đến đời sống người dân hơn hẳn so với những yếu tố khác như hỗ trợ đất đai, vốn, và đào tạo nghề. Tuy nhiên, thực tế thì những hoạt động hỗ trợ hạ tầng vẫn chưa được chú ý đúng mức. Nhiều công trình chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục tập quán (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2013). Bên cạnh đó, trong khi đền bù là bắt buộc và có quy định chặt chẽ về quy trình, mức giá, thì hạ tầng lại chỉ là hỗ trợ, không bắt buộc và chỉ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa 2 bên chủ đầu tư và UBND xã.
Hoạt động phục hồi sinh kế
Sau một thời gian khá dài bị bỏ qua, hoặc thực hiện kém hiệu quả, nay chỉ mới bắt đầu được chú ý hơn, chứ chưa thực sự đem lại hiệu quả. Các hoạt động phục hồi sinh kế còn kém hiệu quả, ít thành công (NNL, 2015). Hoạt động phục hồi sinh kế là yếu nhất so với các hoạt động đến bù, và hỗ trợ hạ tầng. Một phần là không có chính sách cụ thể. Một phần do năng lực của các bên thấp (lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư, tư vấn). Các địa phương có thủy điện đều là vùng sâu, vùng xa, nghèo. Vì vậy chính địa phương cũng kém phát triển về kinh tế và năng lực phát triển sinh kế. Chủ đầu tư và tư vấn đều hoàn toàn không có hiểu biết, kinh nghiệm gì về phục hồi sinh kế. Do thiếu những quy định cụ thể về phục hồi sinh kế, nên hầu hết các chủ đầu tư không hiểu rằng phục hồi sinh kế là trách nhiệm của họ. Phần nhiều chủ đầu tư chỉ coi trách nhiệm của họ chỉ là đền bù và chấm hết.
Thực tế đời sống của dân sau thủy điện
Các tổng kết đã cho thấy đời sống người dân sau thủy điện là rất khó khăn. Thậm chí thủy điện đã từng là nguyên nhân của đói nghèo. Cho đến nay đã có chút ít cải thiện, tuy nhiên, người dân bản địa hầu như không được hưởng lợi gì từ thủy điện. Tất cả các địa phương đều không có nơi nào còn quỹ đất. Vì vậy khi người dân bị mất đất đều chỉ được đền bù bằng tiền, không có đền bù bằng đất.
Đối với đất lúa
Thông tư 30/2013/TT- BNNPTNT về Hướng dẫn về việc xây dựng phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng. Tuy nhiên, Nghị định 35/2015/NĐ-CP của chính phủ ngày 13/4/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa, cho phép chuyển từ đổi bằng đất lúa sang đền bù bằng tiền, và hỗ trợ bằng tiền. Điều này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc chuyển đổi đất lúa sang đất phi nông nghiệp.
Thực tế là dù địa phương không còn quỹ đất, nhưng người dân có nhiều đất nương, rẫy. Họ có nguyện vọng hỗ trợ để cải tạo thành đất bằng có thủy lợi để có thể trồng lúa. Khi nước ngập lòng hồ, những diện tích trước đây ở xa nước nay đã gần nước hơn, và họ có thể cải tạo thành đất lúa nước. Đất nương rẫy là đất dốc, không có thủy lợi. Nếu hỗ trợ san gạt, tạo đất bằng và dẫn nước về thì có thể làm ruộng lúa, ruộng bậc thang. Cần có những quy định cụ thể để hỗ trợ cho việc đền bù đất lúa.
Đất rừng
Người dân ở vùng rừng nhưng mức độ hưởng lợi từ rừng còn rất thấp. Hầu hết người dân khi xếp hạng đều coi kinh tế gia đình dựa chính vào trồng trọt (lúa, rau,), và chăn nuôi nhỏ. Lợi ích từ rừng được xếp ở cuối cùng. Việc giao đất, giao rừng đã được tiến hành ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên việc chi trả lại chưa được thực hiện tốt. Nhiều nơi chậm chi trả, hoặc mức chi trả rất thấp không đủ mức khuyến khích người dân. Khi thu hồi đất rừng thì đền bù bằng tiền, nhưng tiền đó trả cho địa phương chứ không cho người dân. Rừng sản xuất thì nhiều nơi dân vẫn còn gặp khó khăn (thiếu vốn, giống, hiểu biết, đầu ra, giao thông…). Với chính sách như hiện nay, không tạo động lực, lợi ích cho người dân bảo vệ rừng, trồng rừng (NNL, 2014)
Tình trạng thiếu đất
Ở những vùng thủy điện tình trạng thiếu đất sản xuất là khá phổ biến. Nhiều địa phương không còn quỹ đất, vì vậy không thể đáp ứng nhu cầu đền bù đất cho người dân bị mất đất, kể cả đất lúa. Ngoài ra, ở những nơi có thể bố trí đất đền bù thì thường đất không thuận lợi cho sản xuất. Vì vậy không thuận lợi cho người dân tiến hành sản xuất (GreenID, 2013; Trần Tĩnh, 2018)
Mất rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm đa dạng sinh học
Mất rừng do chuyền đổi mục đích sử dụng đất điều này tác động mạnh mẽ đến phục hồi sinh kế, và đời sống người dân. Đó chưa kể đến nguy cơ lụt, hạn hán ảnh hưởng đến người dân bản địa và vùng hạ du. Sinh kế của người dân không ổn định, và tình trạng mất đất là nguyên nhân khiến người dân phá rừng trái phép để khai thác lâm sản và lấy đất canh tác (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2013; GreenID, 2013)
Quyền lợi của người dân bản địa
Quan điểm phát triển hiện nay là không đánh đổi kinh tế lấy môi trường. Đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa 3 yếu tố kinh tế- môi trường-xã hội. Lý luận tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được quốc tế và Việt Nam hướng tới. Để đảm bảo sự phát triển hài hòa cần có những thay đổi tuân theo những quan điểm sau:
Quan điểm hoán đổi
Người địa phương bị tác động đến môi trường sinh thái (rừng, đất, nước, sông, suối). Chủ đầu tư và xã hội được hưởng lợi, cần hoán đổi để người dân duy trì được cuộc sống như trước đây hoặc hơn. Cụ thể cẩn có những chính sách quy định cụ thể hơn nữa về việc phục hồi sinh kế, và về hỗ trợ hạ tầng. Bên cạnh việc đền bù đất như hiện nay chủ đầu tư cần có trách nhiệm phục hồi sinh kế và hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, gồm cả đường, cầu, điện, thủy lợi, trường học, trạm xá…
Quan điểm người bản địa hưởng lợi
Hiện nay, cộng đồng địa phương đang được hưởng lợi từ chính sách giao rừng, chăm sóc rừng, và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Khi người dân bị mất đất và rừng cho thủy điện, cần có hình thức để người dân bản địa được hưởng lợi từ nhà máy thủy điện. Theo kinh nghiệm của một số nước, người dân bản địa được hưởng một phần lợi tức từ nhà máy thủy điện. Lợi tức này sẽ được trả cho cộng đồng địa phương. Cộng đồng sẽ sử dụng dụng chung trong cộng đồng, hoặc chia cho các hộ gia đình.
UB dân tộc miền núi (NNL, 2014) đã có một số kiến nghị. Bên cạnh những kiến nghị về sự tham gia của người dân về chính sách tái định cư, phản hồi ý kiến của người dân, quyền quyết định của người dân trong quá trình thu hồi đất. Còn có kiến nghị về chia sẻ lợi ích: “Cơ chế chia sẻ lợi ích nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống hậu tái định cư cần được cân nhắc để lồng ghép vào các quy định hiện hành”.
Về khía cạnh pháp lý, cộng đồng được thừa nhận tư cách pháp nhân trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 với nhiệm vụ bảo vệ và quản lý rừng. Theo nghị định 99/2010/NĐ-CP về chi trả dịch vụ môi trường rừng, người cung cấp dịch vụ rừng bao gồm các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, các tổ chức nhà nước và các công ty tư nhân có quyền sử dụng đất. Thực tế cộng đồng đang quản lý phần lớn diện tích rừng. Tuy nhiên, theo Luật Dân sự 2005, cộng đồng lại không được xem là có tư cách pháp nhân để tham gia vào các hợp đồng dân sự.
Sự ra đời và hoạt động của đạo luật về xử lý, bồi thường hậu quả do ô nhiễm môi trường (CERCLA) và Quỹ Superfund (Lê Anh Tuấn, 2019) là một gợi ý rất có giá trị. Một quỹ hỗ trợ cộng đồng trong các hoạt động liên quan đến môi trường. Trong đó cộng đồng được coi như một chủ thế, có tư cách pháp nhân. Quỹ này có thể hỗ trợ cộng đồng trong tiếp cận thông tin, thuê chuyên gia tư vấn những vấn đề kỹ thuật, hoặc hỗ trợ kỹ thuật… Điều này đặc biệt có giá trị đối với những cộng đồng vùng sâu vùng xa, và yếu thế.
Quan điểm bảo tồn văn hóa bản địa
Các công trình thủy điện, do điều kiện địa hình, nên đều ở những vùng sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các công trình thủy điện không chỉ tác động đến môi trường sinh thái, tàn phá rừng, mà còn tác động đến sinh kế và phai nhạt bản sắc văn hóa của người dân bản địa. Nghiên cứu của UB dân tộc miền núi (NNL, 2014) đã cho thấy Các chính sách đền bù, tái định cư hiện nay chưa xét đến các tổn thất về vốn xã hội, tri thức bản địa, khả năng kết nối với các đối tác kinh tế của các hộ gia đình. Thiết kế và triển khai chương trình đền bù, tái định cư chưa xem xét đến phong tục, tập quán, văn hóa của các cộng đồng bị ảnh hưởng. Điều này gây ra nhiều mâu thuẫn và tệ nạn xã hội, ảnh hưởng rõ nét đến môi trường và văn hóa của cộng đồng bản địa.
Thiệt hại về kinh tế có thể phục hồi được, nhưng mất đi những bản sắc văn hóa thì vô phương khôi phục. Mất văn hóa cũng đồng nghĩa với mất đi sự cố kết, duy trì cuộc sống của cộng đồng bản địa. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với những biến cố bất thường xảy ra như thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu. (Lê Thị Thanh Hà, 2018)
UB dân tộc miền núi đã có kiến nghị “buộc chủ đầu tư phải đền bù các công trình văn hóa, tâm linh, công cộng… (NNL, 2014). Tuy nhiên, duy trì văn hóa không chỉ là những công trình văn hóa, tâm linh. Quan trọng hơn là nền tảng mà nền văn hóa dựa trên đó. Nền văn hóa muốn duy trì và phát triển cần dựa trên một phương thức canh tác, và sinh kế ổn định, đủ đảm bảo cho sự tồn tại của cộng đồng. Thay đổi phương thức canh tác, thay đổi sinh kế cũng có nghĩa là làm mất đi một nền văn hóa. Vì vậy những tác động của thủy điện cần có giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo duy trì và phát triển sinh kế cho người dân bản địa. Nhằm duy trì, bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương.
Dự báo ngành năng lượng nói chung và thủy điện nói riêng sẽ tăng lên nhanh chóng cho những năm tới đây. Trong hoàn cảnh nguồn vốn tư nhân hóa tăng lên nhanh chóng, và không còn bảo lãnh và hỗ trợ từ nhà nước. Điều đó cũng có nghĩa là cùng với sự phát triển nhanh chóng của thủy điện tư nhân thì quyền lợi của người dân bản địa càng ít được quan tâm đến. Câu chuyện về quyền lợi của người dân vùng thủy điện càng cần đặt ra sớm. Càng để chậm thì tình trạng bất bình đẳng, và thiệt thòi càng trầm trọng và kéo dài. Sẽ làm trầm trọng thêm những xung đột xã hội, và làm giảm hiệu quả của phát triển.
(Bài viết có sử dụng một số nguồn tài liệu tham khảo)
TS. Phạm Quỳnh Hương