Bất ngờ thu 10 tỷ đồng nhờ trồng sâm quý trong chậu

Google News

Nhờ đam mê và chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây sâm, anh Trần Thanh Quý (xã Bình Đông, TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng kỹ thuật vào trồng sâm.

Đến nay, mô hình “Trồng các loại sâm” của anh Quý đã thành công ngoài mong đợi.

Năm 2008, Trần Thanh Quý (xã Bình Đông, TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được một người bạn tặng 2 chậu hoa lạ rất đẹp. Sau 1 năm chăm sóc, anh thấy củ phình to ra rất giống sâm của Hàn Quốc. 

Anh Quý bắt đầu tra cứu thông tin trên Internet và biết được đó là sâm Bố chính rất quý, có giá trị kinh tế rất cao. Thế là anh ra tận tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu giống sâm quý này và mua 4 kg hạt sâm giống (40 triệu đồng/kg) về trồng thử nghiệm.

Bat ngo thu 10 ty dong nho trong sam quy trong chau

Anh Trần Thanh Quý, (xã Bình Đông, TX Gò Công, tỉnh Tiền Giang) bên vườn cây nhân sâm của mình.

Do chưa có kinh nghiệm nên 1,5 kg hạt sâm giống được anh trồng lần đầu không nảy mầm. Không nản chí, thanh niên trẻ này tiếp tục ra vườn sâm ở tỉnh Quảng Bình để tìm hiểu việc thử độ ẩm, nhiệt độ, đất, phân trồng sâm Bố chính này…. Cuối cùng, anh đã tìm ra được cách ươm hạt sâm để nảy mầm.

Đang làm công việc xây dựng thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng, nhưng anh quyết định dành một nửa thời gian để tập trung cho việc trồng sâm quý. Anh trồng thử nghiệm trên 1.000 m2 đất của gia đình và sau khoảng 1 năm trồng sâm đã cho củ. 

Anh Quý mang củ sâm đến Viện Cây ăn trái miền Nam kiểm tra, kết quả cho thấy hàm lượng sâm đạt yêu cầu về chất lượng.

Kết quả bước đầu khả quan, anh Quý đi tìm đất phù hợp để trồng cho loại sâm này và đã chọn tỉnh Bến Tre để thực hiện kế hoạch của mình. 

Anh thuê 1 ha đất để đầu tư cơ sở vật chất và khoảng 700 triệu đồng để trồng và chăm sóc sâm Bố chính (không tính phí giống cây). Sau hơn 1 năm trồng, anh tiếp tục mang củ sâm đi kiểm tra hàm lượng, kết quả sâm đảm bảo đủ hàm lượng. 

Vừa phấn khởi với thành quả đạt được, anh Quý càng vui hơn khi sản phẩm sâm quý tìm được đầu ra trên thị trường.

Thế là anh Quý đầu tư thêm 6 ha đất cũng tại tỉnh Bến Tre để trồng sâm. Với ý định lấy ngắn nuôi dài, anh Quý đã nghiên cứu và tìm hiểu thêm một số loại sâm khác như sâm Xuyên khung nam, xạ đen, đinh lăng… có công dụng đối với sức khỏe và hiệu quả kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, anh Quý đã bán hơn 10 tỷ đồng từ cây sâm giống các loại cho khách hàng.

Nhận thấy mô hình trồng sâm quý cho hiệu quả cao, cũng như các cách trồng, chăm sóc sâm của mình đã đạt chuẩn, anh đã nhân rộng mô hình nhằm giúp đỡ cho người dân, nhất là thanh niên nâng cao thu nhập mô hình này. 

Anh mở thêm vườn ươm cây dược liệu tại nhà để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay tại khu vực vườn nhà của anh Quý có hơn 10.000 chậu sâm các loại (trong đó có hơn 1.700 cây sâm Bố Chính). Sau thời gian trồng và chăm sóc khoảng 18 tháng, sâm sẽ thu hoạch củ có trọng lượng từ 1 - 1,5 kg và được anh chế biến thành phẩm, giá sản phẩm từ khoảng 1 đến 1,2 triệu/kg.

Anh Quý cho biết, sâm trồng khoảng dưới 12 tháng đã có thể thu hoạch, nếu trồng lâu hơn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Ngoài ra, anh Quý còn trồng thêm hơn 100 gốc Kim Ngân Hoa dây leo, có công dụng chữa bệnh, điều hòa huyết áp, đang có giá khá cao (hoa phơi khô có giá từ 4 - 5 triệu đồng/kg). 

Hiện anh Trần Thanh Qúy đang nhân rộng giống cây Kim Ngân Hoa này để phục vụ nhu cầu khách hành.

Thành công của anh Trần Thanh Quý, xã Bình Đông, TX Gò Công (tỉnh Tiền Giang) không những tạo nguồn thu nhập cho gia đình, mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa khó, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Theo Báo Ấp Bắc