Liên quan đến vụ việc trường hợp một khách hàng của ngân hàng Eximbank ở tỉnh Quảng Ninh mở thẻ tín dụng và có phát sinh dư nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau khoản dư nợ này lên tới hơn 8,8 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận, chiều 14/3, ông Phạm H.A. (trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), là vị khách hàng trong thông báo nhắc "trả nợ" của Eximbank, khẳng định mình chính là bị hại trong vụ việc này.
|
Thông báo nhắc nợ của Eximbank AMC gửi đến khách hàng gây xôn xao dư luận |
Theo ông Phạm H.A., vào khoảng tháng 3/2013, ông này có nhờ nhân viên tên Giang làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh làm cho một thẻ tín dụng, nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ tín dụng này.
"Ngày xưa làm thẻ kiểu như thế thì khách hàng hay ký trước. Nhân viên tên Giang đưa cho tôi hồ sơ mở thẻ để ký và khoảng 1-2 tuần sau thì gọi tôi ra trụ sở chi nhánh, nhưng lại không vào trong mà yêu cầu tôi đứng ở ngoài cửa để Giang ra và đưa cho hồ sơ nhận thẻ để ký. Khi tôi ký xong, Giang có đưa cho thẻ ngân hàng thường. Đồng thời nói thêm vì lương của tôi được khoảng 5 triệu đồng đang thấp quá nên phải xin thêm ý kiến sếp, khả năng là được và hẹn sẽ liên lạc lại. Nhưng sau đó người này cũng không liên lạc lại nữa, tôi nghĩ chắc không làm được nên cũng thôi"- ông A. thuật lại.
Ông A. cho biết thêm bẵng đi sau hơn 4 năm (đến năm 2017), do có nhu cầu vay vốn, khi đến ngân hàng ông A. mới tá hỏa khi được thông báo bản thân đang có nợ xấu bên Eximbank. Ngay sau đó, ông A. đã chủ động đến chi nhánh Eximbank Quảng Ninh để xác minh và Ban giám đốc chi nhánh ngân hàng thông báo trách nhiệm là của ông Phạm H.A. vì đã ký nhận thẻ.
"Thắc mắc, tôi có hỏi tại sao khi phát sinh lãi và nợ lãi lại không thông báo cho tôi ngay? Trong hồ sơ mở thẻ tại sao lại có thêm một số điện thoại không phải của tôi, được ghi bên cạnh số điện thoại của tôi? Phía ngân hàng có trả lời có liên lạc theo số điện thoại không phải của tôi và không liên lạc được. Tôi hỏi tại sao không liên lạc bằng số điện thoại còn lại mà tôi vẫn đang dùng thì ngân hàng không trả lời được"- ông A cho hay.
Cũng theo ông A., ngân hàng không gửi bất cứ thông báo về địa chỉ nhà ông. Chỉ đến 4 năm sau, khi ông có nhu cầu vay vốn thì mới phát hiện ra món nợ xấu này. "Ngân hàng không có bất kỳ thông báo nào, như thế khác gì bao che cho nhân viên cũ (nhân viên tên Giang), ép khách hàng vào thế khó, chịu thiệt" - ông H.A. bức xúc.
Ông Phạm H.A. thông tin thêm khi đó ông đã đưa ra phương án xử lý chấp nhận khắc phục hậu quả bằng việc trả lại tiền gốc 10 triệu đồng trong thẻ tín dụng và nộp thêm 10 triệu đồng nữa gọi là phí phạt, mặc dù số tiền này bản thân không hề được tiêu và cũng không biết có sự tồn tại của thẻ tín dụng này hay không. Tuy nhiên, phía ngân hàng không đồng ý mà ép ông phải thanh toán đầy đủ cả gốc lẫn lãi khi đó lên tới hơn 110 triệu đồng.
Trước sự việc này, từ năm 2017, ông A. đã làm đơn khiếu nại về việc ngân hàng không gửi thông báo có dư nợ tín dụng cho khách hàng. Phía ngân hàng cũng có văn bản phúc đáp cho rằng đã gửi thông báo, tuy nhiên đến nay vẫn không chứng minh được đã gửi thông báo theo hình thức nào.
Đáng chú ý, khi ông Phạm H.A. yêu cầu sao kê thấy có đóng lãi tháng đầu tiên nên đề nghị kiểm tra ai là người đóng lãi và đóng bằng hình thức nào nhưng ngân hàng cũng không trả lời.
Theo ông Phạm H.A., trong lần làm việc cuối cùng vào khoảng giữa năm 2022 với đại diện ngân hàng, ông đã đề nghị làm rõ dấu hiệu lừa đảo khách hàng của nhân viên tên Giang và sẵn sàng theo đến cùng để làm rõ sự việc.
Theo Trọng Đức/Người lao động