Đại gia nổi tiếng nào mất hàng nghìn tỷ đồng trong đại dịch Covid-19?

Google News

(Kiến Thức) - Ông Phạm Nhật Vượng mất gần 25.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo mất gần 2.400 tỷ hay ông Trịnh Văn Quyết cũng mất đến gần 2.800 tỷ đồng…
 

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục giảm điểm trước áp lực bán tháo của một loạt mã cổ phiếu trụ cột, điều này đã tác động không nhỏ đến khối tài sản của các tỷ phú Việt.

Thị trường chịu tác động nặng nề từ tâm lý lo ngại dịch Covid-19 ngay khi giao dịch trở lại từ sau Tết nguyên đán, tính sơ thì chỉ số VN-Index đã giảm đến 29%.

Kết phiên 27/3, VN-Index tăng 0,27%, đạt mức 696,06 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 0,46 điểm và rơi về mức 97,35 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 242 mã tăng và 383 mã giảm.

Diễn biến xấu này của thị trường kéo theo tài sản (tính trên thị trường chứng khoán) của các tỷ phú Việt Nam suy giảm mạnh, như ông Phạm Nhật Vượng mất gần 25.000 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo mất gần 2.400 tỷ hay ông Trịnh Văn Quyết cũng mất đến gần 2.800 tỷ đồng.

Cụ thể, chốt phiên ngày 27/3, cổ phiếu VIC của Vingroup đạt mức 86.800 đồng/cp, giảm gần 25% so với giá mở cửa phiên đầu năm. Với việc sở hữu 876 triệu cổ phiếu VIC, tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã hao hụt khoảng 24.615 tỷ đồng.

Cổ phiếu VJC của CTCP hàng không Vietjet cũng ghi nhận mức giảm gần 34% so với giá kết thúc phiên ngày 30/1, về mức giá 96.900 đồng/cp. Với việc trực tiếp sở hữu 47,4 triệu cổ phiếu VJC, tài sản mà Tổng Giám đốc của Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu giảm khoảng 2.355 tỷ đồng.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát do ông Trần Đình Long làm chủ tịch cũng ghi nhận mức giảm hơn 38% so với hồi đầu năm, về mức 16.200 đồng/cp. Mức giảm này đồng nghĩa với việc tài khoản của ông Long cũng bốc hơi 5.395 tỷ đồng.

Người tiếp theo bị bốc hơi nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn FLC. Hiện ông Quyết đang sở hữu 150 triệu cổ phiếu FLC; 291 triệu cổ phiếu ROS và 3,1 triệu cổ phiếu ART.

So với phiên 30/1, FLC và ROS đã giảm khá mạnh lần lượt 35%; 64% về mức 2.850 đồng/cp và 3.760 đồng/cp. Còn cổ phiếu ART chỉ giảm nhẹ 12% về mức 2.300 đồng/cp. Như vậy, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã bốc hơi 2.735 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp như Novaland. Cổ phiếu NVL đã giảm từ mức 7% xuống còn 52.000 đồng/cp kết phiên ngày 27/3, do vậy mà tài sản ông chủ Novaland Bùi Thành Nhơn cũng bốc hơi 764 tỷ đồng.

Dai gia noi tieng nao mat hang nghin ty dong trong dai dich Covid-19?
 Các đại gia Việt mất hàng ngàn tỷ đồng.

Các tỷ phú vẫn chung tay ủng hộ đại dịch Covid-19

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được xem là tiên phong trong việc đầu tư cho các dự án nghiên cứu chống Covid-19. Theo đó, Quỹ Đổi mới sáng tạo và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn thuê nguyên chiếc Boeing 787 đón người Việt ở Ukraine về Việt Nam. Thông tin này nhanh chóng được nhiều trang nhóm, người dùng mạng xã hội chia sẻ. Tất cả đều dành lời thán phục cho tấm lòng của ông Phạm Nhật Vượng.

Sau rất rất nhiều ủng hộ bằng cả tiền và hiện vật cho chiến dịch phòng, chống Covid-19 thì vừa mới đây tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục ủng hộ thêm 100 tỷ cho công tác chống dịch. Theo đó, Vingroup cho biết sẽ tài trợ 100 máy thở cao cấp dùng cho xâm nhập và không xâm nhập, 800 bộ test Covid - 19 (24h) của Hàn Quốc và 200.000 bộ test Covid - 19 nhanh, cũng do Hàn Quốc sản xuất.

Tập đoàn Novaland đã ủng hộ gần 6 tỷ đồng nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cùng chung tay phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19 tại TP.HCM và một số tỉnh thành.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Novaland cũng đã đồng hành cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong chương trình “10.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19” và sắp tới sẽ được triển khai tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Bình Thuận

Tập đoàn FLC vừa tiến hành trao tặng 5 tỷ đồng tiền mặt nhằm hỗ trợ Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus COVID-19 gây ra. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ này sẽ được phân bổ hợp lý nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Bên cạnh việc hỗ trợ 5 tỷ đồng tiền mặt cho công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế, nhiều giải pháp đồng bộ cũng được Tập đoàn FLC chủ động triển khai trên toàn hệ thống để chung tay cùng cộng đồng trong thời điểm đặc biệt này.

Điển hình như hãng hàng không Bamboo Airways - công ty con của Tập đoàn FLC đã đưa ra chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các đối tác có nhu cầu vận chuyển vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ mục đích nhân đạo trên các chặng bay nội địa, thông qua các hình thức ưu tiên hàng hóa và hỗ trợ giá cước hàng hóa và tiếp tục duy trì chính sách này trong thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp.

Đồng thời, hãng còn triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho tất cả hành khách, phi hành đoàn nói riêng và cộng đồng nói chung như: Cấp phát khẩu trang y tế cho các khối phòng, ban tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và các đầu sân bay, bố trí dung dịch sát trùng nhanh tại mọi cửa khởi hành để phục vụ hành khách, điều chỉnh quy chuẩn phục vụ để nâng cao việc kiểm soát và phòng chống dịch bệnh...

Anh Nhi