Khi được hỏi từ trước tới nay thương hiệu Khaisilk có chậm nộp thuế, bị truy thu hay phát hiện gian lận nào về khai báo thuế không, ông Mạnh cho biết: Khaisilk tự kê khai và nộp thuế. Hàng tháng chúng tôi có thống kê việc nộp thuế của tất cả các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị trên địa bàn Hà Nội. Nếu phát hiện chậm nộp thuế sẽ truy thu ngay.
|
Khaisilk bán đồ gian dối khiến người tiêu dùng bất bình |
Trả lời câu hỏi: “Ông có nắm được cụ thể hàng tháng hệ thống cửa hàng của Khaisilk nộp thuế cho thành phố bao nhiêu tiền không”, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội cho biết sẽ cho rà soát lại đầy đủ, khi có kết quả chính thức sẽ cung cấp cho báo chí.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ 16/12/2016-15/10/2017, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 12.038 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa khoảng 520 tỷ đồng. Qua đó, thu nộp ngân sách 241 tỷ đồng. Lực lượng hải quan đã khởi tố 41 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 45 vụ án hình sự.
Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Đội 4), thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, liên tục từ tháng 6 đến tháng 8/2017, qua khám xét nhiều lô hàng nhập khẩu theo loại hình quá cảnh từ Trung Quốc về cảng Cát Lái -TP.HCM đi Campuchia trong diện nghi vấn, Đội 4 và các lực lượng phối hợp đã phát hiện, bắt giữ nhiều container hàng hóa là quần áo, giầy, điện thoại, đồng hồ… giả các thương hiệu nổi tiếng, có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng trên sản phẩm lại ghi "Made in Vietnam".
Điển hình, ngày 21/6/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 khám lô hàng chứa trong 1 container 40 feet do Công Ty TNHH Thương Mại - Dịch Vụ XNK và Du lịch Việt Trấn, đăng ký mở tờ khai vận chuyển độc lập ngày 16/6/2017 tại chi cục. Lô hàng trên được vận chuyển từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Việt Nam qua cảng Cát Lái (TP.HCM) rồi vận chuyển bằng đường bộ sang Campuchia.
Qua khám xét, tổ công tác phát hiện có nhiều hàng hóa giả mang các nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký kiểm soát biên giới và bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, gồm: trên 21.000 bộ quần áo giả nhãn hiệu Adidas, Nike, Puma; trên 1.000 đôi giầy Converse; hàng trăm túi xách thời trang, linh kiện điện thoại iPhone, iPad các loại. Ngoài ra còn có 4.000 bao thuốc lá mang nhãn hiệu Juangha - China là mặt hàng phải có giấy phép đối với hàng quá cảnh.
Tiếp đó, ngày 29/6, kiểm ra lô hàng của Công Ty TNHH Dịch vụ Hỗ trợ Vận tải Anh Khoa, lực lượng Hải quan phát hiện trong container có chứa một lượng lớn quần áo, giày, phụ kiện thời trang, túi xách, linh kiện điện thoại, mang các nhãn hiệu thời trang cao cấp như: Adidas, Gucci, Chanel, Hermes...
Đến nay, cơ quan Hải quan đã thực hiện kiểm tra 13 container hàng của 5 doanh nghiệp được vận chuyển từ Quảng Châu (Trung Quốc) về Việt Nam qua cảng Cát Lái rồi vận chuyển bằng đường bộ sang Campuchia có nghi vấn, phát hiện 4 container chứa quần áo, giầy, phụ kiện thời trang, điện thoại, đồng hồ, túi xách giả các nhãn hiệu nổi tiếng: Adidas, PuMa, Converse, Chanel, Hermes, Apple, Samsung, Giorgioarmni. Các nhãn hiệu này đã được đăng ký kiểm soát biên giới và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Hiện các vụ việc này đã được Cục Hải quan TP.HCM chuyển cho cơ quan Công an điều tra theo quy định.
Theo Tuấn Nguyễn/Tiền Phong