Mới đây, Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, mã chứng khoán: HNM) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, ghi nhận doanh thu trong năm 2023 đạt 699 tỷ đồng, tăng thêm 44% so với năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính Hanoimilk là hơn 3 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước đó. Chi phí tài chính giảm từ 14 tỷ đồng (năm 2022) về còn gần 8 tỷ đồng (năm 2023).
Trừ các chi phí, quý IV/2023, lợi nhuận trước thuế của Hanoimilk đạt 11,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hoạch toán 8,3 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, công ty chỉ báo lãi gần 3,3 tỷ đồng, giảm 67% so với quý IV/2022.
|
Hanoimilk kinh doanh khởi sắc năm 2023? |
Lũy kế cả năm 2023, Hanoimilk ghi nhận doanh thu đạt 699 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2022. Giá vốn hàng bán ghi nhận ở mức 575 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp công ty đưa về khoảng 124 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022.
Năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính Hanoimilk ghi nhận hơn 3 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước đó. Chi phí tài chính giảm từ 14 tỷ đồng năm 2022 về còn gần 8 tỷ đồng năm 2023. Trong khi đó, chi phí bán hàng năm 2023 của doanh nghiệp lên đến 62 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp xấp xỉ 11 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 450% so với năm trước đó.
Kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 50,4 tỷ đồng. Sau thuế, doanh nghiệp ngành sữa này báo lãi 41,8 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 98 tỷ đồng, tăng 96% so với hồi đầu năm. Hanoimilk cũng ghi nhận 258 tỷ đồng hàng tồn kho; 57 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn; 27 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả Hanoimilk giảm 28% so với hồi đầu năm, xuống còn 246 tỷ đồng. Mức giảm đáng kể này nhờ việc doanh nghiệp đã giảm được hơn 100 tỷ đồng nợ vay tài chính trong năm vừa qua.
Theo đó, theo báo cáo tài chính, đến thời điểm cuối năm 2023, doanh nghiệp này còn hơn 10 tỷ đồng thuế và các khoản phải nộp Nhà nước cũng như 5 tỷ đồng phải trả người lao động.
Sau một thập kỷ loay hoay tìm chỗ đứng, lợi nhuận giai đoạn 2011 - 2020 của Hanoimilk chỉ vỏn vẹn 1 - 3 tỷ đồng/năm, kết quả kinh doanh của Hanoimilk bắt đầu tăng trưởng trở lại trong 6 năm gần nhất. Thậm chí khoản lãi 41,9 tỷ đồng vừa ghi nhận là mức kỷ lục kể từ khi biến cố "melamine" xảy ra.
Đến nay, sức khỏe tài chính của Hanoimilk đã về trạng thái ổn định với tổng tài sản thời điểm cuối năm 2023 tăng 37,3% lên mức 700 tỷ đồng; nợ phải trả giảm so với đầu kỳ còn 246 tỷ.
Trước đó, trong báo cáo của Ban Giám đốc năm 2023, công ty cho biết sẽ dành ngân sách marketing nhiều hơn nhằm PR cho thương hiệu Hanoimilk và các thương hiệu con IZZI, Yotuti, Dinomilk, Yoha để tăng doanh số bán hàng trong nước.
Phía ban lãnh đạo nhận định: "Công ty đang có cơ hội rất lớn trở thành nhà máy gia công lớn nhất ở phía Bắc, có các đơn hàng gia công dài hạn đủ để sản xuất 3 ca liên tục trong cả năm"
HNM cũng thông tin tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư dự án trồng cỏ chăn nuôi bò sữa tự nhiên tại Mê Linh trong năm 2024.
Minh Châu (t/h)