Những điều cần biết về cóc ngậm tiền
Theo quan niệm phương Đông, hình tượng con cóc ngậm tiền vàng diễn tả 3 ý nghĩa chính trong phong thủy là: May mắn – Tài lộc – Bình an.
|
Theo quan niệm phương Đông, hình tượng con cóc ngậm đồng tiền vàng diễn tả 3 ý nghĩa chính trong phong thủy: May mắn – Tài lộc – Bình an. |
Cóc 3 chân là linh vật có tác dụng trừ tà, giải hạn và thường trong hình dạng của một cóc chúa. Trong phong thủy, đây là vật Thiềm Thừ (Thiềm thừ, Thiềm Thừ phong thủy, Thiềm Thừ tài lộc, Thiềm Thừ 3 chân) mang chòm sao Đại Hùng trên lưng.
Có rất nhiều truyền thuyến xung quanh hình tượng cóc ngậm tiền. Một trong những dị bản nổi tiếng nhất kể rằng, Thiềm Thừ vốn là một loài yêu được Lưu Hải Tiên Ông thần phục.
Thiềm Thừ sống ở đáy giếng và có sở thích ngậm tiền vàng. Chính tiên Lưu Hải đã dùng chuỗi đồng tiền vàng để câu cóc và thần hóa trở thành thần thú có ích cho đời. Sau này, Thiềm Thừ đi khắp nơi nhả vàng cứu khổ cứu nạn cho dân nên trở thành biểu tượng may mắn về tài lộc.
Ngoài biểu tượng về tài lộc, cóc ngậm tiền con mang lại may mắn cho gia chủ, có ý nghĩa trong việc thi cử, công danh sự nghiệp và là vật trừ tà, giải hạn.
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Phú Cường, trong trường hợp gia chủ muốn cầu tài lộc, may mắn thì đặt cóc ngậm vàng trên bàn làm việc ở nhà hoặc ở một góc thuận tiện cạnh cửa chính với chiếc đầu quay vào trong. Cóc tài lộc có thể để trên các đồ đạc, nơi chốn có ý nghĩa liên quan đến tiền bạc.
Có thể đặt trong phòng khách hay hoặc ở phòng kinh doanh trong cơ quan, đặc biệt vị trí phù hợp nhất chính là góc đối diện chéo với của ra vào chính. Góc chéo đó chính là vị trí Tài vị của căn phòng.
Ngoài ra, có thể đặt cóc ngậm tiền ở ban thờ thần tài, sáng quay đầu có ra ngoài, tối lại quay vào. Việc này có ý nghĩa là sáng ra cho cóc ra ngoài kiếm tiền, tối lại cất vào cho chủ.
Nếu gia chủ muốn cóc ngậm tiền giải hạn, trừ tà thì đặt cóc trong nhà để giải hạn những điềm xui gây hại vào phía bên trong. Quan niệm cho rằng hễ gia đình nào có cóc về ở đông quanh nhà là dễ gặp vận may về tài lộc và có cuộc sống bình an.
Không nên đặt vật phẩm này trong phòng ngủ hay nhà tắm, bếp và cũng nên tránh việc đặt sát cửa ra vào, cửa sổ hay lỗ thông hơi vì nó có ý nghĩ là đem tiền bạc ra khỏi nhà. Đặc biệt, không nên tạo phủ vải hoặc mang bất kỳ thứ gì phủ lên trên mắt cóc ngậm tiền.
Doanh nhân đua nhau 'săn lùng' cóc ngậm tiền làm bằng đá quý ngày vía Thần Tài
Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều loại cóc ngậm tiền được làm bằng các nguyên liệu khác nhau như đồng, bạc, vàng, đá quý, gỗ quý... thậm chí còn có cả inox mạ chì. Cũng chính vì vậy, cóc ngậm tiền có nhiều mức giá khác nhau, hướng tới mọi phân khúc trên thị trường.
Một trong những nguyên liệu xa xỉ làm cóc ngậm tiền đang được giới kinh doanh ''săn lùng'' là đá quý, đặc biệt là các loại đá thạch anh, ngọc phỉ thúy, đá hoàng long, ngọc đông linh, ngọc lục bảo,... tùy vào mỗi loại đá quý, ngọc quý mà giá bán sẽ khác nhau.
Theo bà Nguyệt, một chủ cửa hàng kinh doanh đá quý trên đường Lê Văn Hưu (Hà Nội), các loại đá quý tự nhiên đang rất được ưa chuộng, đặc biệt là những người kinh doanh.
"Năm nay, cửa hàng chúng tôi cung cấp ra thị trường rất nhiều mặt hàng phục ngày vía Thần Tài, từ những đồng xu đá quý mạ vàng hay cóc ngậm tiền được làm 100% từ đá quý", bà Nguyệt nói.
Các sản phẩm cóc ngậm tiền dao động trong khoảng 900.000 đồng - 3 triệu đồng (hàng trung cấp), và trên 5 triệu đồng (hàng cao cấp), tùy thuộc vào độ lớn và nguyên liệu được làm.
"Đá quý có rất nhiều loại, riêng đá thạch anh có tới cả trăm loại thạch anh. Từ thạch anh tím, xanh, thạch anh tóc,... giá bán của chúng cũng vô vàn, không thể kể hết được.
Tuy nhiên, nếu khách hàng có tài chính vừa phải vẫn có thể lựa chọn cho mình các sản phẩm phù hợp", vị này nói thêm.
Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều loại đá quý trôi nổi, đá quý nhân tạo, đá quý không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả kém chất lượng.
Bà Nguyệt cho hay: "Nguồn đá quý nhập khẩu chủ yếu tại Việt Nam là Myanmar hoặc một số nước Trung Đông như Iraq hoặc Iran. Tuy nhiên, cùng một loại đá quý nhưng đá quý Myanmar có phần rẻ hơn so với đá quý Iran".
Để phân biệt giữa đá quý thật (đá quý tự nhiên) và đá quý giả (đá quý nhân tạo), người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết bằng mắt thường hoặc cầm thử:
"Nếu đã là đá tự nhiên, vừa cầm lên phải cảm nhận được cái lạnh toát ra, còn đá nhân tạo gần như không thể hiện được điều ngoài. Đá quý tự nhiên cầm vào phải thấy được sức nặng vì nó là đá. Tuy nhiên, loại trừ mã não, vì nó rất nhẹ".
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể để đá quý ra nắng hoặc ánh đèn để phân biệt: "Khi đưa đá quý ra nắng hoặc soi ánh đèn vào, nếu tiếp xúc với ánh sáng, ánh mặt trời, viên đá quý sẽ tạo nên ánh sáng chói chang, bóng, màu sắc rất đẹp thì đó là đá thật".
Bên trong đá sẽ có các vết rạn, nứt, vân, tạp chất trong lòng đá, có thể quan sát được bằng mắt thường. Tuy nhiên, một số đá thạch anh trắng, thạch anh khói, obsidian thì không có.
Ngoài ra, hầu hết các loại đá quý chỉ thể hiện 1 màu, nếu đá quý mà có nhiều loại màu xanh, đỏ, tìm, vàng thì đó là sản phẩm nhân tạo.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo và chưa có khoa học kiểm chứng cụ thể.
Theo Việt Vũ/VTC News