Nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, trong đó có 75 loài khoáng vật có công dụng làm thuốc với nhiều dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất hoang… Năm 2023, ngành dược liệu tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hơn 8,5 tỉ USD. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này chưa tương xứng với tiềm năng và nhất là sản phẩm dược liệu còn hạn chế trong xuất khẩu.
TP.HCM vừa tổ chức Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế lần đầu tiên. Theo ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch TP.HCM, TP mong muốn trở thành cầu nối thúc đẩy giao thương, phát triển ngành Sâm và hương liệu, dược liệu của Việt Nam, định hướng phát triển thành một ngành hàng xuất khẩu.
Ông Lê Trường Duy - Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết, thời gian qua, các sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu của Việt Nam đã được xuất khẩu tới một số nước nhưng số lượng vẫn rất nhỏ lẻ, hạn chế. Đặc biệt, vấn đề thương hiệu vẫn chưa được xây dựng một cách bài bản để định vị với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ngay trong thị trường sâm nội địa, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, còn lại là doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh (chủ yếu là Hàn Quốc).
“Qua trao đổi với các chuyên gia, sâm Ngọc Linh của Việt Nam có hàm lượng dưỡng chất không kém gì sâm Hàn Quốc. Vấn đề ở đây là mình thổi cái gì vào sản phẩm của mình chứ không đơn thuần là mang tính chất thương mại nữa. Và đúng là Hàn Quốc có hẳn một ngành công nghiệp về quảng cáo” - ông Lê Trường Duy nói.
Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh
Ông Nguyễn Lê Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Bruce Clay cho rằng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm và hương liệu, dược liệu, cần tiếp cận giải pháp marketing tổng thể, cập nhật, ứng dụng và điều chỉnh các xu hướng mới phù hợp. Song song đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền thông, quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là các giải pháp về bán hàng livestream, đưa ra trải nghiệm mua sắm độc đáo.
“Mỗi doanh nghiệp, sản phẩm là một câu chuyện, đặc trưng riêng. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bruce Clay, có những nguyên tắc và giá trị cốt lõi là nền tảng cho 1 kế hoạch, hay chiến dịch marketing có tiềm năng chuyển đổi cao. Nội dung gần như định nghĩa tất cả mọi thứ. Chất xúc tác đến từ câu chuyện thương hiệu, câu chuyện sản phẩm dịch vụ, thông điệp truyền tải có thể chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng” - ông Nguyễn Lê Minh nói.
Dự kiến thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối cho ngành sâm và hương liệu, dược liệu Việt Nam để góp phần thay đổi cách nhìn, thói quen của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước trao đổi, học hỏi về công nghệ chế biến, bảo quản…
Xây dựng chiến lược dài hạn
Chia sẻ về cách tiếp cận thị trường quốc tế, ông Nguyễn An - Giám đốc Đối ngoại Công ty Cổ phần VinGin thông tin, hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới không chỉ yêu cầu chất lượng sản phẩm cao mà còn đòi hỏi quá trình sản xuất thân thiện với môi trường và có đóng góp cho xã hội. Bởi vậy, trong quá trình sản xuất sâm, doanh nghiệp không được dùng phân bón hay thuốc tăng trưởng và khi đã xây dựng được thương hiệu rồi thì phải có biện pháp bào vệ thương hiệu, chống giả mạo.
“Được sự ủng hộ của địa phương, chúng tôi khuyến khích, hướng dẫn và tặng cây giống cho người dân để từ đó họ chăm sóc cây giống. Đến nay đời sống của bà con đồng bào dân tộc đã thay đổi nhiều” - ông Nguyễn An nói.
TS. Hà Thị Loan - PGĐ Trung tâm nghiên cứu Sinh học TP.HCM cho biết thêm, nước ta còn thiếu nhiều vùng trồng dược liệu chất lượng nên vẫn phải nhập khẩu vật liệu thô, chưa thể cung ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất. Hiện nay, Trung tâm nghiên cứu Sinh học TP.HCM đang ứng dụng công nghệ nuôi trong phòng thí nghiệm có thể thu sinh khối Sâm Ngọc Linh.
Về lâu dài, TS Hà Thị Loan kiến nghị: “Cần trồng dược liệu công nghiệp giống như các nước thì mới đủ số lượng cung cấp. Hiện nay, lượng sâm của nước ta còn ít, giá thành cao nên phải mua thêm từ Trung Quốc, Hàn Quốc... Nước mình sẽ từng bước làm thương hiệu, đồng thời tăng diện tích trồng. Việc mở rộng vùng trồng có chương trình dược liệu, chương trình sâm, chương trình quốc gia có kế hoạch mở rộng các vùng trồng sâm”.
Việc phát triển vùng trồng, ứng dụng công nghệ vào chế biến, đồng thời xây dựng thương hiệu và xúc tiến mở rộng thị trường sẽ đưa ngành sâm và hương liệu, dược liệu Việt Nam vươn xa hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Theo Hoàng Minh/VOV-TP.HCM