Gia đình trẻ cắt giảm triệt để trước cơn bão giá

Google News

Những ngày gần đây, vợ chồng Hải Đăng (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) liên tục choáng khi giá gạo, rau củ, thịt cá lần lượt tăng đều.

Tổng thu nhập trung bình của Đăng và vợ một tháng rơi vào khoảng 40 triệu đồng. Dù có mức lương khá ổn ở thời điểm hiện tại, cả hai cũng không dám chi mạnh tay như trước.

Mỗi tháng, cả hai dành ra khoảng 15-20 triệu đồng cho sinh hoạt phí, trong đó tiền điện, nước, chợ búa, mua tã, sữa cho con chiếm tầm 8-9 triệu đồng. Đấy là chưa kể tiền xăng và các khoản chi tiêu phát sinh của hai vợ chồng.

Đây không phải là câu chuyện của riêng gia đình Hải Đăng. Thu nhập bị ảnh hưởng do dịch bệnh thêm cú “đánh bồi” của giá xăng, kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo, nhiều gia đình trẻ phải điều chỉnh chi tiêu, "thắt lưng buộc bụng".

Gia dinh tre cat giam triet de truoc con bao gia

Vật giá leo thang khiến các cặp vợ chồng trẻ đau đầu với chi phí sinh hoạt. Ảnh: Phương Lâm.

Quay cuồng trong bão giá

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục "đội giá", anh và mọi người trong nhà phải siết chặt chi tiêu, loại bỏ những khoản không cần thiết. Nhờ vậy, chi phí hàng tháng chênh lệch không quá lớn.

“Chẳng hạn, hồi đó tôi thường mở máy lạnh ở phòng khách, giờ thì chỉ dám dùng quạt thôi. Dễ thấy nhất là tiền xăng, bình thường đổ 70.000 đồng là đầy bình nhưng nay phải 110.000 đồng.

Gia dinh tre cat giam triet de truoc con bao gia-Hinh-2

Hải Đăng và vợ nhận một số công việc bên ngoài để có thêm thu nhập. Ảnh: NVCC.

Có một số sở thích chung của hai vợ chồng như đi bar, hẹn hò ở nhà hàng sang trọng cũng phải hạn chế lại. Nhưng cả hai vẫn sẽ dành một ngày cố định để đưa con đi dạo phố, về nhà ngoại chơi”, Đăng chia sẻ.

Anh cho biết thêm do dịch bệnh cộng thêm giá cả tăng phi mã, dự định đi du lịch Pháp trong năm nay vẫn chưa thể thực hiện.

Ngoài ra, một số kế hoạch cá nhân của anh cũng phải tạm hoãn để chờ đến thời điểm thích hợp hơn.

Mới sinh em bé vào giữa năm 2021, Đăng và vợ luôn phải tiết kiệm từng đồng để vừa lo cho con vừa trang trải chi phí sinh hoạt.

Thời gian gần đây, anh nhận thêm khá nhiều công việc freelance, show diễn trong các sự kiện để kiếm thêm thu nhập.

“Nhờ có thêm khoản tiền này, cuộc sống cũng dễ thở hơn. Giá cả càng tăng thì mọi người thường chờ đến các đợt sale để mua tích trữ, nhà tôi cũng vậy, nhất là với những đồ dùng cho con.

Theo tôi, điều ảnh hưởng nhất với những gia đình trẻ trong thời gian này là họ chưa sẵn sàng để đối phó với đợt bão giá nên sẽ gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, xoay xở tiền bạc”, Đăng nói thêm.

Tương tự Hải Đăng, Kiều Trang (28 tuổi, Hà Nội) cũng khá lo lắng về chi tiêu trong bối cảnh cơn bão giá quay cuồng. Gia đình Trang quy định mỗi tháng dành ra khoảng 5-7 triệu đồng cho việc mua thực phẩm, ăn uống.

Bước vào thời kỳ vật giá leo thang, bà mẹ một con phải tính toán lại các khoản chi phí để điều chỉnh hợp lý.

Gia dinh tre cat giam triet de truoc con bao gia-Hinh-3

Kiều Trang tính toán lại chi tiêu trong gia đình trong thời bão giá. Ảnh: NVCC.

“Hai vợ chồng tôi đi làm bằng xe máy, mỗi sáng đổ xăng là thấy hốt hoảng khi thấy giá xăng hôm nay cao hơn hôm qua. Trong vòng 2 tháng mà xăng đã chạm mốc hơn 30.000 đồng/lít. Không chỉ nhiên liệu, những mặt hàng khác cũng bắt đà đi lên”, Trang nói.

Gia đình Trang ít người nên áp lực về bão giá cũng có phần nhẹ nhàng.

Nếu hàng hóa tiếp tục tăng lên, cô sẽ tiếp tục giảm bớt những bữa ăn bên ngoài cho gia đình mà thay vào đó là chuẩn bị cơm ở nhà để mang đi làm.

“Trước đây, tôi cũng không quá chi li trong việc tiêu xài. Nhà có bé nhỏ nên khoản nào cần chi thì tôi đều sẵn sàng, làm sao để tươm tất nhất cho con. Theo tôi, tiền chợ búa tăng không áp lực bằng giá xăng. Với mật độ sử dụng phương tiện cá nhân dày đặc như hiện nay, điều này có lẽ sẽ khiến nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa”, Trang nói thêm.

Tiết kiệm từng đồng

Gia đình chị Trần Thị Thanh (36 tuổi, TP Thủ Đức) có 4 người gồm 2 vợ chồng, con gái lớn học lớp 5 và con trai năm nay 3 tuổi.

Khoảng một năm trước, mỗi tháng cả nhà tốn khoảng 13-14 triệu đồng cho các khoản chi tiêu trong gia đình. Số tiền này chiếm khoảng 30-35% tổng thu nhập của hai vợ chồng.

Tuy nhiên, hiện tại, các khoản chi tiêu hàng tháng đã tăng lên 16-17 triệu đồng. Trong khi đó, đồng lương của cả hai không thay đổi gì nhiều.

“Một phần bún thịt nướng ở quán quen mà chúng tôi hay ăn sáng trước đây có giá 15.000 đồng. Nhưng cuối năm ngoái đã tăng lên 20.000 đồng. Sáng nay tôi ghé lại thì mới biết đã tiếp tục tăng lên 22.000 đồng. Đó mới chỉ là một trong vô số những thứ liên tục tăng giá trong một năm qua”, chị Thanh nói.

Gánh nặng lớn nhất vẫn là tiền xăng xe mỗi ngày. Sau nhiều năm tích cóp, gia đình chị Thanh cũng mua được chiếc xe ôtô đầu tiên vào tháng 6/2021.

Gia dinh tre cat giam triet de truoc con bao gia-Hinh-4

Bên cạnh giá xăng, nhiều gia đình trẻ cũng chật vật khi các mặt hàng thiết yếu ngày càng đắt đỏ. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, khi giá xăng tăng cao, liên tục đạt đỉnh, cặp vợ chồng này rơi vào tình cảnh có xe nhưng không dám chạy.

“Xe ôtô trước đây chúng tôi dùng để đi làm, đưa đón con đi học và thỉnh thoảng về thăm nội ngoại vào cuối tuần. Lúc mới mua xe, tôi nhớ mỗi tuần mình tốn khoảng 500.000 đồng tiền đổ xăng. Nhưng hiện tại chi phí đã tăng gần gấp đôi, 900.000 đồng/tuần. Hai tháng trở lại đây, hai vợ chồng đã chuyển sang chạy xe máy”.

Ngoài việc thay đổi phương tiện di chuyển, gia đình này còn cố gắng thắt chặt chi tiêu bằng nhiều cách khác như hạn chế đi chơi, ít ăn uống bên ngoài, đi chợ theo tuần, săn sale trong các đợt khuyến mãi…

“Hiện tại, mỗi tháng chúng tôi còn phải lo trả nợ tiền nhà, tiền xe, trích quỹ tiết kiệm. Đó là các khoản cố định không cắt giảm được nên phải tập trung tiết kiệm những thứ khác như ăn uống, vui chơi, mua sắm. Nếu giá cả không leo thang, cuộc sống gia đình đã dễ thở hơn nhiều”.

Theo Huệ Lâm-Phương Thảo/Zing