Hàng chục đặc sản, nông sản rớt giá thảm

Google News

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một phần hậu quả của việc chuyển đổi ồ ạt trong canh tác nên một số loại nông sản trước đây là đặc sản nhưng nay đồng loạt rớt giá thảm, bán đổ đống vỉa hè.

Xoài Úc chín đỏ, rụng đầy gốc không có người mua

Những ngày này, tại Cam Lâm (Khánh Hòa) - thủ phủ cây xoài của tỉnh đang vào mùa rộ. Thế nhưng, nhiều vườn xoài Úc chín đỏ chẳng có người mua. Nhiều nhà vườn để xoài chín rụng, không hái.

Xoài Úc rớt giá, tiền bán xoài chưa bù được tiền thuê công hái và vận chuyển

Vì sức mua giảm mạnh nên vựa chỉ chọn những trái to, đẹp mã. Chỉ những trái xoài Úc to, chín đỏ, đều, vỏ không tì vết mới được thương lái mua với giá 15.000 đồng/kg. Còn xoài tây (canh nông) thu mua loại 1 giá 8.000 đồng/kg, loại 2 là 4.000 đồng/kg; các loại xoài khác thương lái không mua.

Bà Nguyễn Thị Yến - chủ vựa xoài tại Cam Lâm cho biết, mọi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 5 - 6 tấn/ngày cho thị trường phía bắc và Trung Quốc, hiện nay giảm chỉ bằng 1/10. Do dịch Covid-19, các đối tác từ chối nhận hàng nên cơ sở cũng không dám thu mua xoài của nông dân.

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Cam Lâm cho biết, cả tấn xoài nay chỉ bán được 3 triệu đồng, không bõ so với công thuê hái, vận chuyển. Giá xoài rớt thê thảm nhưng công, chi phí không giảm: Công hái xoài từ 6 giờ sáng đến trưa 500.000 đồng/công; gom xoài bằng xe rùa 400.000 đồng/công; xe tải nhỏ chở hàng 300.000 đồng/tấn/2 - 3km. Chưa kể chi phí vật tư, phân thuốc trong vụ đều tăng 5 - 10%, nhất là phân bón.

Bơ – đặc sản Tây Nguyên giá giảm còn 1/3

Khó xuất khẩu do ảnh hưởng Covid-19 khiến bơ 034, loại đặc sản ở vùng Tây Nguyên rớt giá mạnh, tại các thành phố lớn giá bán lẻ chỉ còn trên dưới 40.000 đồng mỗi kg.

Bơ "chân dài" 034 đang vào mùa thu hoạch nhưng giá bán chưa bằng một nửa của năm trước

Bơ 034 là loại quả dài, cơm vàng béo và dẻo nên khá được ưa chuộng. Những năm trước, loại này được người tiêu dùng lùng mua với giá 120.000-180.000 đồng một kg. Nhưng năm nay, bơ này rớt giá mạnh.

Tại Hà Nội, một số shop bán lẻ và trang bán hàng online đang rao bán bơ 034 với giá bán lẻ 39.000-50.000 đồng một kg. Nhiều nơi, bơ được đổ ra đường bán.

Có 2 ha bơ 034 trồng xen canh với sầu riêng, chị Ánh ở Đăk Nông đang đau đầu vì hàng đến vụ nhưng thương lái không mấy mặn mà và giá cũng giảm mạnh.

"Hai năm trước, thương lái tranh nhau mua với giá tại vườn 60.000-80.000 đồng một kg, nay chỉ 15.000-20.000 đồng mà không có người mua", chị Ánh bộc bạch và cho biết, 5 năm trồng bơ, chưa khi nào thấy giá giảm mạnh như năm nay.

Dứa rớt giá, người trồng đối diện thua lỗ

Những hộ trồng dứa tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, nửa tháng trước dứa bán được giá 20.000 đồng/quả, thì bây giờ chỉ còn được 10.000 – 12.000 đồng/quả. Thương lái thu mua còn nói sẽ giảm xuống nữa khi bà con thu hoạch nhiều.

Ông Trần Dương Sỹ, ở xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk trồng 4 ha dứa. Ông Sỹ cho biết, đầu tư gần 160 triệu đồng tiền mua phân bón, các loại chế phẩm sinh học, bảo vệ thực vật, nhân công chăm sóc… để vườn cây đạt năng suất, nhưng giờ dứa khó bán, nguy cơ thua lỗ đang hiển hiện.

Hàng trăm hộ dân tại huyện Krông Bông gặp khó vì dứa rớt giá, khó tìm đầu ra

Không riêng gì gia đình ông Sỹ, mà hàng trăm hộ trồng dứa tại các xã Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao, huyện Krông Bông cũng đang lâm vào cảnh khó khăn khi dứa đến kỳ thu hoạch rộ.

Được biết, diện tích dứa của xã Cư Đrăm hiện nay lên tới 450 hecta, nhưng đến nay chưa có đầu ra cho bà con. Đến thời điểm này, chưa có bất cứ công ty hay doanh nghiệp nào đến ký kết thu mua dứa

Khoai lang giá 1.000 đồng/kg, chất đống chờ thương lái

Hiện, trên địa bàn huyện Bình Tân (Vĩnh Long) đang thu hoạch rộ vụ khoai lang. Với diện tích xuống giống khoảng 12.500 ha, sản lượng ước đạt khoảng 40.000 tấn, tuy nhiên dù giá rất rẻ, khoai đã thu hoạch chất đống nhưng rất ít thương lái đến thu mua.

Khoai lang được thương lái thu mua tại ruộng với giá 1.000 đồng/kg

Theo bà con nông dân huyện Bình Tân - nơi có diện tích trồng khoai lang nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long, giá thương lái đến mua tại ruộng chỉ khoảng 1.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi công khoai, nông dân phải chịu lỗ khoảng 17 triệu đồng, nhiều gia đình bỏ hoang không thu hoạch, thương lái chót đặt cọc cũng "bỏ của chạy lấy người".

Dưa hấu chưa tới 4.000 đồng/kg

Tại xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân, Thanh Hóa), hơn 40ha dưa hấu của người dân đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá dưa năm nay rớt thảm, chỉ từ 3.500-3.800 đồng/kg.

Ông Hòa - một chủ vườn dưa tại xã Xuân Hòa cho biết, năm nay, tuy được mùa dưa nhưng giá giảm hơn phân nửa so với năm ngoái, ở mức dưới 4.000 đồng/kg, chưa kể tiền thuê nhân công thu hoạch dưa là 300 nghìn đồng/tấn.

Dưa hấu được mùa nhưng giá giảm chưa tới 4.000 đồng/kg, khó tiêu thụ

“Gia đình tôi năm nay trồng 1,4 ha dưa, thu hoạch được khoảng hơn 40 tấn với giá bán tại vườn cho thương lái là 3.500 - 3.800 đồng/kg. Chi phí đầu tư vào mỗi 1 ha dưa mất khoảng 90 triệu đồng, với giá này thì năm nay chúng tôi làm dưa xem như chỉ đủ vốn bỏ ra, nhiều hộ không may thì cầm chắc lỗ vì tiền bán dưa không đủ bù vốn” – ông Hòa nói.

Ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Năm nay người dân trong xã trồng được khoảng 40 ha dưa hấu, nhưng giá bình quân chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch bệnh, dưa không bán được”.

Được biết, nhiều hộ trồng dưa hấu trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An cũng trong cảnh ngộ tương tự.

Củ, quả, rau màu rẻ như cho

Trên địa bàn tỉnh huyện Nam Đàn, Nghệ An, ngoài dưa hấu giá các loại rau, củ như: Mướp đắng, mướp hương, dưa chuột, bí xanh... cũng rớt giá thê thảm.

Là vùng chuyên canh cây rau màu, thu nhập của người dân Nam Anh (Nam Đàn) chủ yếu dựa vào bí, mướp, dưa chuột, cà… nhưng năm nay, các loại rau quả này giá rẻ như cho, khó tiêu thụ nên bà con như “ngồi trên đống lửa”.

Mướp đắng, bí xanh và nhiều loại rau chất đống ế ẩm, bán rẻ như cho

Toàn xã có hơn 150ha trồng bí, mướp đắng, mướp ngọt, cà xanh; sản lượng ước tính lên đến vài trăm tấn. Nếu như năm ngoái, mướp đắng được bán với giá 12.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2.000 đồng/kg; mướp ngọt 4.000 – 6.000 đồng/kg (giảm một nửa so với năm ngoái), nhất là bí xanh, giá “chạm đáy” chỉ còn 2.000 đồng/kg (giảm còn 1/5 so với mọi năm).

Anh Trương Văn Hường (xóm 7, xã Nam Anh) cho biết: “Gia đình có 2 sào trồng mướp đắng. Như năm ngoái, với mức giá 12.000 đồng/kg, thương lái thu mua tận ruộng, gia đình thu về 15 triệu đồng/sào tiền lãi. Năm nay, giá mướp rớt thảm hại, chỉ còn 2.000 đồng/kg, thu không đủ bù chi”.

“Là những loại rau, củ thuộc hàng “giải nhiệt”, được người tiêu dùng ưa chuộng trong mùa nắng nóng nên rất được giá. Riêng năm nay, lại rớt giá thê thảm, khó bán. Hiện bà con đã thu hoạch được 2/3 diện tích, mấy ngày qua gặp giông lốc nữa nên bà con gặp thiệt hại không nhỏ”, ông Võ Văn Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân cho biết.

“Hiện tại, giá tất cả các loại rau đều giảm một nửa so với trước, đặc biệt là mướp đắng, bí xanh, giá giảm đến 80% so với năm ngoái (chỉ còn 1.700 – 2.000 đồng/kg). Rau Quỳnh Minh chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội, Đà Nẵng, nay dịch bùng phát ở các địa phương này nên lượng hàng bán ra giảm mạnh, chỉ được khoảng 40% so với trước đó”, ông Hồ Mậu Tuấn - Giám đốc HTX nông diêm Quỳnh Minh nói.

Theo Hồng Hương/ Dân Việt