Mới đây, LG tuyên bố chính thức rời bỏ mảng sản xuất điện thoại thông minh. Đây là quyết định mang tính chiến lược nhằm giúp công ty tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực đang tăng trưởng như linh kiện cho ô tô điện, thiết bị kết nối, nhà thông minh, kỹ thuật robot, trí tuệ nhân tạo và giải pháp kinh doanh, cũng như các nền tảng và dịch vụ.
Theo đó, hãng điện tử Hàn Quốc LG dự kiến sẽ chấm dứt hoàn hoạt động của mảng này vào ngày 31/7 tới.
|
LG dừng sản xuất và bán smartphone. Ảnh: LG |
Việc LG đóng cửa mảng kinh doanh điện thoại thông minh không phải là điều bất ngờ bởi LG đã gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh cùng các đối thủ như Apple, Samsung trong vài năm trở lại đây. Theo Reuters, mảng điện thoại thông minh của LG liên tục lỗ gần 6 năm liền với tổng thiệt hại khoảng 4,5 tỷ USD.
Với thông báo này, hãng điện tử LG chính thức trở thành thương hiệu điện thoại thông minh lớn đầu tiên rút hoàn toàn khỏi thị trường.
Thời gian qua, các thương hiệu điện thoại nổi tiếng một thời như Nokia, HTC và Blackberry cũng tuột dốc thê thảm. Tuy nhiên, chúng vẫn còn tồn tại.
Nokia
Nokia là thương hiệu điện thoại đến từ Phần Lan, điện thoại của hãng phổ biến và rất được ưu ái sử dụng ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, vị thế dẫn đầu của Nokia bắt đầu lung lay khi Apple bất ngờ tung iPhone với hệ điều hành iOS và Google tung hệ điều hành Android vào năm 2007. Sự thay đổi chậm chạp và đánh giá không đúng mức Apple chính là nguyên nhân khiến điện thoại Nokia dần vắng bóng trên thị trường.
|
Nokia vẫn loay hoay tìm cách chinh phục thị trường smartphone. Ảnh: Nokia |
Năm 2017, Nokia do HMD Global chủ quản đã chính thức quay lại sân chơi di động với những hy vọng và thách thức mới.
Năm 2018, Nokia đã cho thấy những tiềm năng khi chiếm giữ 25% thị phần di động ở Việt Nam và lọt vào top 10 thương hiệu di động bán chạy nhất thế giới. Thế nhưng, đà phát triển chưa duy trì được bao lâu thì Nokia bắt đầu có dấu hiệu lao dốc về thị phần trong những giai đoạn trở lại đây.
Năm 2019, số liệu từ Counterpoint cho thấy, doanh số smartphone Nokia bán ra đã sụt giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trầm trọng hơn, quý đầu tiên trong năm 2020, con số này lại giảm đến 45.2% so với cùng kỳ 2019, có thể một phần là do tác động từ đại dịch COVID-19.
Trong quý 04/2020, HMD Global chỉ xuất xưởng khoảng 2.8 triệu smartphone nhưng đối với các sản phẩm điện thoại phổ thông, con số này lại lên đến 12.7 triệu máy. Có thể thấy, Nokia là thương hiệu điện thoại phổ thông lớn thứ 2 trong quý 04/2020 chiếm giữ 16% thị phần. Trong đó, các smartphone Nokia lại cho thấy sự "thăng trầm" khi chỉ với 0.7% thị phần.
Sau 15 năm góp mặt tại thị trường di động, dường như nhà sản xuất đến từ Phần Lan chỉ dừng lại ở các thiết bị phổ thông. Đối với họ, smartphone là một bài toán đau đầu và vẫn đang loay hoay tìm cách chinh phục.
HTC
Khoảng 10 năm về trước, HTC là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới tính theo thị phần, chỉ xếp sau Samsung và Apple. Lúc bấy giờ, điện thoại HTC được ưa chuộng tại nhiều quốc gia đang phát triển, nhưng cũng có thị phần cực lớn tại các quốc gia lớn, điển hình như tại Mỹ (chiếm 24%).
|
HTC gặp khó khăn với nhiều đối thủ trên thị trường. Ảnh: HTC. |
Tuy nhiên, những năm gần đây, HTC phải chiến đấu với các thương hiệu Trung Quốc đang phát triển "thần tốc" như Huawei, Xiaomi. Dần dần, HTC hụt hơi vì không đủ tiềm lực.
Tính đến hết quý IV/2020, HTC đã ghi nhận 11 quý thua lỗ liên tiếp. Chi phí hoạt động cho cả năm 2020 của HTC giảm 33% so với cùng kì năm trước, trong đó chi phí tiếp thị giảm 35% so với cùng kì năm 2019.
Blackberry
Trong các hãng sản xuất điện thoại di động, BlackBerry luôn được đánh giá cao về độ bảo mật cũng như sự độc đáo trong cách bố trí bàn phím qwerty và con lăn trackball. Và chính sự thành công trong quá khứ đã dẫn đến việc chậm chạp và bảo thủ trong thay đổi của hãng với những công nghệ mới, đẩy họ dần vào vòng xoáy lãng quên.
|
Điện thoại mới của BlackBerry. Ảnh: BlackBerry |
Năm 2016, BlackBerry quyết định ngừng sản xuất điện thoại sau nhiều năm thất bại, thay vào đó cấp giấy phép sử dụng thương hiệu. Giao dịch lớn nhất là với TCL. Từ tháng 12/2016, TCL có quyền thiết kế và bán điện thoại BlackBerry trên toàn cầu. Họ đã làm khá tốt công việc của mình khi kết hợp được thiết kế cổ điển của BlackBerry với tính năng Android hiện đại. Dù vậy, không thiết bị nào trở thành “hit” và một vài máy gần đây còn nhận được đánh giá nghèo nàn.
Nhiều người lo ngại nếu TCL không làm điện thoại mới nữa, khả năng thương hiệu BlackBerry sẽ biến mất trong một thời gian.
Ngày 19/8, BlackBerry công bố kế hoạch tái xuất với sản phẩm smartphone kết nối 5G dự kiến ra mắt vào năm 2021.
Hoàng Minh