Livestream bán được 1,2 tấn sầu riêng nhưng phải... xin lỗi, hoàn tiền

Google News

Bán nông sản tươi trên sóng livestream đang tạo ra doanh thu tốt, nhưng thách thức về việc vận chuyển hàng lại khiến cho lĩnh vực này tưởng lời hóa ra lỗ.

Giữa tháng 5, Thiện Nhân, một nhà sáng tạo nội dung trên TikTok đã bán được 1,2 tấn sầu riêng chỉ trong một phiên livestream.

Tuy nhiên vài ngày sau đó, TikToker này đã phải đăng clip xin lỗi và hoàn tiền cho hàng loạt khách hàng vì 800 kg sầu riêng bị hư hỏng, do quá trình vận chuyển không đảm bảo.

Bán nông sản tươi nhưng giao tới tay khách lại hỏng

Thanh Quốc, một nhà bán lẻ bơ và mận hậu tại TP.HCM cũng gặp tình trạng tương tự, khi giao hàng cho khách ở tỉnh.

“Dù bơ và mận được đóng gói cẩn thận, và là loại quả để được 3-4 ngày, nhưng quá trình vận chuyển bị va đập mạnh, hoặc thời gian giao hàng lâu hơn dự kiến cũng khiến chất lượng quả giảm sút.

Nhiều đơn hàng giao tới khách bị dập, hỏng, khiến tôi phải bù hàng hoặc giảm tiền cho khách”- anh Quốc nói.

Theo anh Quốc, việc bán hàng nông sản tươi trên TMĐT như TikTok Shop, Shopee chỉ thực sự mang lại lợi nhuận nếu bán hàng trong nội thành các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Ông Nguyễn Khánh Toàn, phụ trách quan hệ chính phủ của TikTok Việt Nam thừa nhận rằng, nông sản - đặc biệt là nông sản tươi sống là một thách thức lớn đối với các nhà kinh doanh online bởi những yêu cầu phức tạp trong bảo quản và giao nhận, đó là chưa tính tới vấn đề lợi nhuận.

Ông Toàn dẫn ví dụ về một trường hợp của một livestream bán sầu riêng tươi với sự tham gia của hàng chục nhà sáng tạo nội dung (KOL, KOC) thu về 1,2 tỉ đồng chỉ trong 20 phút. Nhưng sau đó, khi đơn hàng quá nhiều việc giao hàng tới khách lại gặp nhiều khó khăn, hàng giao không đúng mô tả, khách phản ánh tiêu cực, khiến sau đó shop bị khóa trên nền tảng.

Ngay cả nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, sở hữu hệ thống logistics cũng như kho bãi phủ rộng khắp các nước. Dù đánh giá cao các sản phẩm nông sản Việt nhưng vẫn lắc đầu trước câu hỏi về cơ hội của ngành hàng nông sản tươi sống.

Trao đổi với PLO, ông Gijae Song, giám đốc điều hành của Amazon Global Selling nhìn nhận, với đặc thù là các sản phẩm liên quan tới thực phẩm, bên cạnh thách thức về tiêu chuẩn chất lượng, quy định chính sách của thị trường xuất khẩu, thì nhóm ngành hàng nông sản tươi còn gặp nhiều rào cản liên quan tới hạn sử dụng, lưu kho, vận chuyển….

“Trước hết chi phí vận chuyển lưu kho là những thách thức lớn đối với nông sản tươi sống của Việt Nam.

Chưa kể, khi bạn bán mặt hàng tươi như hoa quả thì thời hạn sử dụng, chưa kể quá trình vận chuyển có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Khi tới tay khách hàng, có quá nhiều rủi ro về bài toán tài chính.

Chính vì thế, theo tôi tùy vào các nền tảng, khu vực mà bạn tham gia kinh doanh cần lựa chọn sản phẩm để xuất khẩu sao cho phù hợp.

Với Amazon, sân chơi này phù hợp hơn với các sản phẩm thành phẩm, đồ khô đóng gói hoặc cá biệt một sản phẩm tươi có thể để lâu như rong nho..." - vị giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nói.

Giải bài toán khó

Tuy nhiên không phải lúc nào nông sản tươi sống cũng thất bại trên các nền tảng TMĐT.

Livestream ban duoc 1,2 tan sau rieng nhung phai... xin loi, hoan tien

Hậu trường một phiên bán mận hậu trên sóng livestream. Ảnh: Anh Tùng

Lấy ví dụ từ quá trình kinh doanh của nền tảng TMĐT nông sản FoodMap. Nhà sáng lập Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết, chỉ tính riêng mận hậu, trung bình mỗi phiên livestream 3 - 4 tiếng của FoodMap sẽ bán ra 5 - 10 tấn, cá biệt có những phiên bán được 10 tấn chỉ trong 20 phút. Các sản phẩm này tới tay khách hàng đều nhận được các phản hồi tích cực.

"Bí quyết ở đây chỉ đơn giản là nên chọn bán gì và không nên bán loại gì. Không phải sản phẩm nào cũng thích hợp bán online. Đồng thời người kinh doanh online cần tính toán việc nguồn hàng có bao nhiêu, bảo quản hàng hóa ra sao, bán ở đâu và vận hành kho hàng, vận chuyển thế nào.

Theo tôi, việc am hiểu sản phẩm và chọn đúng mô hình vận hành sẽ giúp quá trình kinh doanh nông sản online hiệu quả hơn"- ông Tùng nói.

Qua quan sát các chiến dịch của các sàn TMĐT bán vải thiều, xoài hay dừa tươi... ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên BCH Hiệp hội TMĐT Việt Nam cũng cho rằng, sự thành công của các chiến dịch nằm ở bài toán logistic trong đó bao gồm kho lạnh, lẫn hành trình giao hàng.

Các nền tảng chạy đua giao hàng tươi sống trong 2 giờ hoặc 4 giờ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dù vậy cuộc đua này vẫn chỉ áp dụng cho nội thành các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM…

“Muốn bán nông sản tươi thành công trên các nền tảng TMĐT, theo tôi ngoài kỹ năng, sự am hiểu về bản chất sản phẩm, cam kết nguồn hàng từ nhà vườn đủ bán theo thực tế thì rất cần có sự tham gia của các đơn vị vận tải lớn.

Cũng như các cam kết của ban ngành trong việc ưu tiên đối với ngành hàng nông sản. Có như vậy thì hàng hóa mới có thể tới tay người tiêu dùng được nhanh chóng và đảm bảo”, ông Minh nói.

Theo Thu Hà/Pháp Luật TP HCM