Loại bánh của nhà nghèo Phú Thọ thành đặc sản ở Hà thành

Google News

Vốn là món ăn dân dã ở những vùng quê nghèo tại Phú Thọ xưa kia, nay bánh sắn lại thành đặc sản, được người Hà thành háo hức đặt mua về ăn.

Sáng sớm ngày cuối tuần, tranh thủ được nghỉ, chị Lê Hoàng Ngân ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) chạy xe máy hơn chục cây số để mua 20 chiếc bánh sắn nóng hổi về cho cả nhà thưởng thức.
Chị cho biết, chị đã bặt mẻ bánh này từ cách đây 2 ngày và hẹn giao hàng. Nhưng chờ họ giao thì phải tầm trưa hay chiều, bánh lúc đó nguội rồi ăn mất ngon. Thế nên, sáng nay chịu khó chạy đi lấy về ăn cho nóng hổi.
Chỉ vào túi bánh sắn vẫn còn bốc hơi nóng, chị chia sẻ, lần đầu tiên chị ăn bánh sắn là được một người khác cho. Khi ấy cầm bánh sắn trên tay chị tặc lưỡi nghĩ “bánh này có gì ngon đâu, chỉ là sắn thôi mà”. Bởi hình thức bên ngoài bánh sắn không có gì hấp dẫn, bánh được bọc lớp lá chuối mỏng, sắn chín có màu đục. Nhưng khi ăn thử, chị hết sức bất ngờ với vị dẻo dai, bùi bùi, kèm theo đó là cảm giác béo ngậy thơm từ nhân hành thịt băm.
Loai banh cua nha ngheo Phu Tho thanh dac san o Ha thanh
Bánh sắn - món ăn nhà nghèo nay được nhiều người ưa chuộng. 
Sau lần đó, bánh sắn trở thành món khoái khẩu của gia đình chị. Song, chị cũng phải thừa nhận rằng, dù giá của chúng chỉ 10.000 đồng/cái, nhưng tìm được đúng chỗ bán bánh sắn Phú Thọ khá khó và đặc biệt lần nào cũng phải đặt trước.
Chị Đào Thị Phương ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) hào hứng chia sẻ, bánh sắn là món bánh quen thời tuổi thơ của những đứa trẻ nhà nghèo như chị, song phải 15 năm nay chị mới được thưởng thức lại.
Chị kể, quê chị ở Phú Thọ, xung quanh nhà trồng toàn sắn. Ngày bé nhà nghèo không có tiền mua quà vặt cho các con, mẹ chị thường hay lấy bột sắn làm bánh cho các con ăn.
Loai banh cua nha ngheo Phu Tho thanh dac san o Ha thanh-Hinh-2
Thay vì nhân đũa như xưa, bánh săn nay được "lên đời" với nhân đậu xanh hay nhân thịt băm trộn mộc nhĩ. 
Thời đó, chỉ có món bánh sắn nhân đũa (kiểu làm bánh chay và để cho bánh nhanh chín, chín đều thì lấy chiếc đũa chọc một lỗ giữa bánh nên gọi là bánh sắn nhân đũa) thôi mà cũng xuýt xoa. Giờ thì sang hơi, còn bánh sắn nhân đũa, thay vào đó là nhân thịt, hành và mộc nhĩ băm nhỏ nên mùi vị thơm ngon, béo ngậy. Ăn hấp dẫn hơn nhiều.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Nguyễn Thị Hồng - một đầu mối bán bánh sắn ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, món bánh của nhà nghèo ở những vùng quê Phú Thọ xưa kia nay lại thành đặc sản của người Hà Nội. Và chị không nghĩ món bánh này lại đắt hàng đến thế.
Chị Hồng chia sẻ, chị bán bánh sắn Phú Thọ khoảng hơn một năm nay. Ngày mới đầu, do thèm bánh sắn quê nên chị đăng trên facebook rủ mọi người mua chung để đặt bếp bánh trên Phú Thọ cho tiện vì ít họ không chuyển và cũng để tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Loai banh cua nha ngheo Phu Tho thanh dac san o Ha thanh-Hinh-3
 Món đặc sản nhà nghèo Phú Thọ nay được người Hà Nội ưa thích.
Lần đầu tiên chị gom được khoảng gần 100 cái bánh sắn theo đúng số lượng mọi người đặt. Lúc trả bánh, ai ăn cũng khen ngon, nhờ đặt mua tiếp. Sau dần, số lượng người nhờ mua ngày một tăng nên chị quyết định bán món bánh nhà nghèo này.
“Giờ thì đều đặn ngày nào cũng bán trung bình trên dưới 500 cái bánh sắn. Những ngày cuối tuần lượng bánh bán tăng lên khoảng 700-800 cái”. Chị nói và cho biết, bánh sắn về hàng ngày, buổi sáng sớm bếp bánh ở trên Phú Thọ sẽ chuyển bánh xuống Hà Nội, chị nhận bánh và giao luôn cho khách.
Vì thế, chị thường gom bánh theo ngày, buổi tối chốt đơn báo bếp bánh. Khách muốn ăn bánh phải đặt trước một ngày. Khách không đặt hàng trước thì thường không có bánh, chị Hồng cho hay.
Hiện trên “chợ mạng”, bánh sắn Phú Thọ được rao bán khá nhiều, giá dao động từ 8.000-13.000 đồng/cái tùy loại. Song, đa phần các chủ hàng đều cho biết, khách muốn ăn bánh thường phải đặt trước 1-2 ngày, hàng không có sẵn.
Theo Châu Giang/Vietnamnet