Riêng quý 3, doanh thu thuần đạt gần 656 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chỉ giảm 16% nên lãi gộp đạt 69 tỷ đồng giảm 36% so với quý 2/2020.
Navico ghi nhận gần 12 tỷ đồng doanh thu tài chính tăng 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các chi phí phát sinh trong kỳ đều đồng loạt tăng cao. Chi phí tài chính tăng 54%, chi phí bán hàng tăng 73%.
Kết quả Navico báo lỗ hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt lãi sau thuế 40 tỷ đồng.
Navico cho biết nguyên nhân doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án 3 tại chỗ dẫn đến sản lượng bán giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều.
Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ 3 tại chỗ phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test Covid và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại công ty.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của công ty thuỷ sản này đạt 2.436 tỷ đồng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 74 tỷ đồng, giảm 36%.
Năm 2021, ANV đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 250 tỷ đồng. Như vậy kết thúc 9 tháng, công ty đã thực hiện được 62% kế hoạch doanh thu và 32% kế hoạch lợi nhuận 2021.
Về tình hình tài chính, tính đến 30/9, tổng tài sản của Navico đạt hơn 4.829 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số hồi đầu năm. Hàng tồn kho đã giảm 3,6% còn 1.832 tỷ đồng. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn đạt hơn 687 tỷ đồng, gấp gần 1,9 lần thời điểm đầu năm.
Nợ phải trả cuối kỳ của doanh nghiệp là hơn 2.420 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ đi vay là 2.124 tỷ đồng, tăng 15,4% so với đầu năm.
Đáng chú ý tới đây vào ngày 8/11, ANV sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 để thông qua việc bổ sung sửa đổi điều lệ công ty và bổ sung ngành nghề Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Anh Nhi