"Người ta thưởng Tết trăm triệu, tôi chỉ đủ biếu bố mẹ, mua vài bộ đồ"

Google News

Không phải ai cũng được thưởng Tết cao. Có người dùng số tiền thưởng Tết mua vài bộ đồ, số khác lại chỉ đủ tiền biếu bố mẹ, sắm sửa đồ đạc trang trí mùa Tết là hết sạch.

"Đi làm một năm, ai cũng muốn nhận được thưởng Tết xứng đáng", Tiến Hải (25 tuổi, nhân viên marketing tại công ty truyền thông) khẳng định với Zing.vn.

Đó cũng là câu nói anh thường sử dụng khi trò chuyện với bạn bè, nhất là khi cuối năm khối lượng công việc nhiều, tăng ca liên miên. Khoản thưởng không chỉ là vấn đề tiền, nó còn lời cách thừa nhận năng lực của công ty với nhân viên.
Chàng trai 25 tuổi mong đợi số tiền thưởng "tạm được" từ công ty. Anh đang có quá nhiều thứ phải làm: mua quần áo, sắm sửa nhà cửa, biếu tiền bố mẹ ăn Tết, dự định mua con xe mới...

Suy nghĩ của Tiến Hải cũng là "nỗi lòng" chung của những người làm văn phòng. Dịp cuối năm, "thưởng Tết" là cụm từ được nhiều người nhắc đi nhắc lại, thậm chí xem đây là chủ đề chính trong những cuộc trò chuyện.
Tuy nhiên, đâu phải ai, công ty nào cũng được thưởng Tết cao. Có người dùng số tiền này mua vài bộ đồ, số khác lại chỉ đủ tiền biếu bố mẹ, sắm sửa đồ đạc trang trí mùa Tết là hết sạch.

Nghìn lẻ một chuyện sắm đồ Tết, nỗi khổ mang tên "Tết này được thưởng nhiều lắm phải không?" là tâm sự không của riêng ai.
Tiền thưởng Tết của bạn có đủ để mua sắm, biếu bố mẹ? Ảnh: Hoàng Hà. 
Không hy vọng nhiều
Tiến Hải đã làm việc tại công ty hơn 3 năm nay. So với đồng nghiệp lâu năm, anh không phải là người mới. Nhưng nếu xét trong dàn 9X ngồi tại văn phòng, anh cũng được xem là người cũ quen mặt.

Hai năm vừa qua, số tiền thưởng Tết của anh nhận theo cấp số nhân. Hải nói chỉ thấy tạm hài lòng với phần thưởng mình nhận được. Là người vốn kín tiếng và không muốn tiết lộ quá nhiều chuyện tiền bạc, mỗi lần nhận quà xong anh đều im lặng và không chia sẻ với đồng nghiệp.

Tuy nhiên, như một thói quen, bạn bè trong công ty đều thích hỏi nhau câu "anh/ em được nhiêu vậy".
 Nhiều người cảm giác mệt mỏi khi liên tục bị hỏi về tiền lương. Ảnh: Vanesa Galli.
Năm nay cũng thế.

Theo lịch phát thưởng của công ty, ngày 10/1 sắp tới, nhân viên mới biết chính xác mình được thưởng bao nhiêu tiền. Nhưng anh lại không được đồng nghiệp buông tha bằng nhiều câu hỏi khác nhau như: "Ông nhắm chừng tôi được thưởng bao nhiêu", "Năm nay thưởng cao không?", "Ông làm lâu vậy chắc thưởng cao lắm, đãi đi nhé".

Làm việc tại một công ty vừa phát triển cách đây không lâu, tiền thưởng nhận được không cao lắm, nhưng anh cũng cảm thấy vừa vặn.

"Mình nhớ năm đầu tiên là 10 triệu, một năm sau đó lên mức 20 triệu, năm nay thì mình không biết trước được".

Là người có kinh nghiệm trong việc tiêu tiền Tết, Hải cho biết anh không dám tính toán nhiều, sợ không được như kỳ vọng lại hụt hẫng.

Vì vậy, mọi việc trong nhà từ tiền biếu bố mẹ, tiền mua đồ Tết cho em trai... anh đều sử dụng tiền túi. "Phần thưởng Tết kia, mình cứ xem như đó là khoản lời sau thời gian gửi tiết kiệm. Mình không dám hy vọng quá nhiều, sợ cuối cùng lại thất vọng", Tiến Hải khẳng định.

Có còn hơn không
"Thưởng Tết? Năm nay mình được thưởng 2.500.000 đồng".

Hải Yến (22 tuổi, nhân viên content nội dung của một công ty may mặc) nói với Zing.vn số tiền mình nhận được giống "lì xì lấy hên" hơn là thưởng Tết.

Cô vừa ký hợp đồng lao động với công ty 6 tháng trước, thời gian làm việc cũng đã nửa năm. Tiền lương của Yến không nhiều, chỉ đủ cho cô trang trải sinh hoạt phí ở Sài Gòn vốn đắt đỏ.

Thưởng Tết? Cô cũng hy vọng mình cũng được nhiều một chút. Cô bạn 22 tuổi không mong sẽ được vài chục triệu, chỉ cần khoảng 10 triệu cũng đủ tiêu rồi.

"Nhưng không ngờ lại ít như thế. Người ta thưởng Tết trăm triệu, tôi chỉ đủ biếu bố mẹ, mua vài bộ đồ'", Hải Yến nói.

Về nhà, cô cũng không dám nói thật với bố mẹ về số tiền thưởng Tết kia. Vì trong suy nghĩ của cả nhà, "đi làm ở Sài Gòn chắc Tết thưởng nhiều lắm". Trên thực tế, Hải Yến cảm giác rất stress mỗi khi được hỏi như "tiền thưởng nhiều lắm không con?", "Tết này chắc ấm rồi nha"...

Số tiền cô biếu bố mẹ cũng được Yến trích ra từ những tháng lương trước. Cô bạn không dám nói thật với người thân vì sợ họ buồn và thất vọng.

Hải Yến chỉ biết thở dài "Thôi kệ, có còn hơn không". Cô cũng tự nhủ năm sau cố gắng tìm cho mình công việc tốt hơn để tiền thưởng Tết thực sự đúng nghĩa chứ không còn là "cho có" như năm nay nữa.
 Có người nhận tiền thưởng Tết chỉ mua được vài món quần áo là hết. Ảnh: Hoàng Hà.

Chỉ đủ dùng trong tháng Tết
"Lao động được thưởng Tết 950 triệu đồng", "Quảng Ngãi thưởng Tết mức cao nhất hơn 600 triệu", "giáo viên ở TP.HCM được thưởng Tết cao nhất 65 triệu đồng"...

Năm nào cũng thế, khi đọc được những thông tin thưởng Tết vài trăm triệu, hay ít nhất cả trăm triệu, Ngọc Anh (24 tuổi, nhân viên sale) đều tự cảm thán: "Thưởng gì nhiều thế, có thật không vậy?".

Cô mang chuỵên này kể cho bạn bè xin ý kiến, chỉ nhận được câu trả lời "Tùy chỗ, tuỳ công ty".

Riêng Ngọc Anh, không biết người ngoài được thưởng Tết bao nhiêu, bạn bè chi tiêu như thế nào. Với việc tự nhận là "đứa nhân viên quèn", 9X nói luôn "trông ngóng" về phần thưởng Tết đó, nhưng không đặt quá nhiều hy vọng vào nó.

"Năm nay Tết đến sớm, tiền thưởng Tết mình cũng đã có. Với số tiền hơn 15 triệu đồng, tôi chỉ tiêu đủ trong tháng Tết này", Ngọc Anh bày tỏ.

Vốn là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gia đình và họ hàng có nhiều người, cô xem việc lì xì, biếu quà là bổn phận của người làm con cháu.

Từ việc biếu tiền bố mẹ, ông bà nội ngoại, cô còn lì xì cho mấy đứa cháu ở quê. Ngoài ra, việc mua mai, bưởi bòng, trái cây trang trí bàn thờ gia tiên, đi chợ nấu đồ ăn cúng trong ngày đầu năm mới cũng tốn kha khá tiền.

"Mình đã suy đi tính lại số tiền này, tiền thưởng cũng chỉ đủ dùng trong tháng Tết. Nhưng điều này cũng làm mình vui vì có chút tiền làm quà cho gia đình", Ngọc Anh nói.
 Tiền thưởng Tết phần lớn được dùng vào việc biếu bố mẹ, trang trí nhà cửa dịp xuân về. Ảnh: Hoàng Hà.
Đừng để ám ảnh bởi tiền thưởng Tết
Trên thực tế, thưởng tết cho người lao động không phải phải là quy định bắt buộc. Căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh, các chỉ số hiệu quả, năng suất làm việc và mức độ hoàn thành công việc của người lao động trong một năm, doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ của doanh nghiệp về việc thưởng tết cho người lao động.

Cục Quan hệ lao động và tiền lương thuộc Bộ LĐTB&XH có báo cáo về tình hình tiền lương 2019 và thưởng 2020 của người lao động trên cả nước. Kết quả được tổng hợp dựa trên báo cáo của 40 tỉnh, thành phố với gần 25.000 doanh nghiệp, tương ứng 3,15 triệu lao động (chiếm khoảng 12,8% tổng số lao động làm công hưởng lương).

Khoảng 89,3% doanh nghiệp có báo cáo dự kiến về thưởng Tết Nguyên đán năm nay với mức bình quân là 1 tháng lương (khoảng 6,7 triệu đồng/người). Mức thưởng này đã tăng 7,1% so với năm 2019.

Theo Cục Quan hệ lao động và tiền lương, những doanh nghiệp có tiền thưởng Tết cao thường tập trung vào ngành nghề có nhiều lợi thế như ngân hàng, kiểm toán, điện tử... Doanh nghiệp thưởng khoảng 100.000 đồng/người thường thuộc nhóm ngành gia công, chế biến.

Với nhiều người trẻ, phần thưởng Tết quyết định việc có quyết định ở lại gắn bó với công ty hay không.

Ngược lại, với nhiều người, tổng thu nhập trong năm quan trọng hơn phần thưởng này.

"Thưởng dịp lễ Tết theo kiểu cào bằng gây tâm lý ỷ lại, chờ đợi, đến hẹn lại lên. Về cơ bản, đi làm và nhận lương là thỏa thuận mà hai bên đã nhất trí. Đừng nói vì không thưởng nên mất tết", anh Nguyễn Minh Nghĩa (32 tuổi, nhân viên công ty xuất nhập khẩu) nói.

"Đừng quá ám ảnh bởi tiền thưởng Tết. Hãy làm việc và nhận những phần thưởng nhắm vào năng lực, thành tích, kết quả hoạt động trong năm. Chí ít là đừng để vấn đề lương thưởng làm bạn mất vui", anh Nghĩa nói thêm.
Hoài Vỹ