Nhà đầu tư lãi 100 triệu euro khi đặt cược hãng bay phá sản

Google News

Ông Jacopo Di Stefano và J-Invest sẽ thu về 100 triệu euro sau khi tòa án yêu cầu chính phủ Italy bồi thường cho các chủ nợ và cổ đông của hãng bay Aerolinee Itavia SpA.

Theo trang tin Bloomberg, câu chuyện đầu tư này bắt đầu từ năm 2008. Thời điểm ấy, ông Jacopo Di Stefano - một doanh nhân người Italy - đã mở một công ty nhỏ nhằm mua lại những khoản vay của các doanh nghiệp đã phá sản. Nguyên nhân là thủ tục pháp lý thời đó ở Italy còn rất chậm, nên ông Stefano tin rằng mình sẽ kiếm được phần chênh lệch nếu các doanh nghiệp này trả hết nợ cho chủ đầu tư.

Và trong những công ty đang lụi tàn mà ông phát hiện được, có một công ty nổi bật, đó là hãng hàng không Aerolinee Itavia SpA. Hãng bay này đã hoạt động xuyên suốt những năm 1950-1980 và cung cấp những chuyến bay nội địa ngắn để cạnh tranh với hãng Hàng không Quốc gia Italy. Tuy nhiên, vào tháng 6/1980, một chuyến bay của Itavia từ Bologna đến thủ đô Palermo của vùng Sicilia đã lao xuống biển và khiến 81 người trên máy bay thiệt mạng.

Nha dau tu lai 100 trieu euro khi dat cuoc hang bay pha san

Ông Jacopo Di Stefano đã mở công ty tên là J-Invest để mua bán và đầu tư nợ. Ảnh: Elisabetta Zavoli.

Sau đó, chính phủ Italy vào tháng 12 cùng năm đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động của Itavia với lý do an toàn bay. Tuy nhiên, hãng bay này không chấp nhận và đã kiện ngược lại chính phủ với lập luận họ không có lỗi trong vụ tai nạn và yêu cầu được bồi thường.

Tranh chấp pháp lý này diễn ra suốt vài thập kỷ sau đó, và vào năm 2009, ông Stefano đã tình cờ tìm được danh sách các chủ nợ của Itavia. Kiểm tra lại tài liệu về công ty, ông đã quyết định bắt lấy cơ hội này với giá mua chỉ bằng 1,5% khoản nợ ban đầu vì các ngân hàng đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ông Stefano sau đó còn liên hệ với những chủ nợ khác để tìm mua tất cả khoản vay còn lại của Itavia, ví dụ như các ngân hàng lớn của Italy, hãng ôtô Fiat hay Hawaiian Airlines. Tổng số tiền ông đã bỏ ra để mua nợ và gần 75% cổ phần của hãng này là khoảng 18 triệu euro (tương đương 19,6 triệu USD theo tỷ giá hiện tại).

Theo Bloomberg, điều xảy ra với chuyến bay năm ấy vẫn còn là một bí ẩn. Ban đầu, chính phủ cho rằng vụ tai nạn xảy ra là do hãng bay không bảo trì và sử dụng máy bay kém chất lượng. Nhưng vào năm 1991, các điều tra viên đã tìm thấy hộp đen dữ liệu của chiếc máy bay và kết luận rằng vụ tai nạn xảy ra là do nó bị trúng tên lửa chứ không như những cáo buộc trước đó.

Nhờ vậy, cuộc kiện tụng đã được đưa lên tòa án tối cao Italy một lần nữa, và phán quyết cuối cùng đã nghiêng về Itavia cùng các cổ đông và chủ nợ. Phán quyết này yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải Italy phải trả cho hãng bay 330 triệu euro và hoàn lại khoản tiền bồi thường cho các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn.

Ngay khi kết quả cuối cùng này được công bố, ông Stefano đã lập tức vay tiền để mua thêm cổ phiếu của Itavia. Nếu tính toán cẩn thận, các khoản vay và cổ phiếu sau khi thu hồi đầy đủ sẽ mang lại cho ông khoản lợi nhuận lên tới 100 triệu euro.

Nha dau tu lai 100 trieu euro khi dat cuoc hang bay pha san-Hinh-2

Các mảnh vỡ của chuyến bay xấu số đã được ghép lại vào năm 1986, nhưng tới 5 năm sau đó mới tìm thấy hộp đen. Ảnh: Alamy.

Việc giải ngân đền bù từ chính phủ đã bắt đầu từ tháng 11/2022. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm nữa để ông Stefano cùng với J-Invest có thể nhận được đầy đủ số tiền như trong kết luận của tòa án. Dù vậy, ông vẫn luôn cảm thấy mình may mắn và coi rằng "đây là một khoản đầu tư cả đời".

Trong những năm qua, ông Stefano đã liên tục mở rộng hoạt động của công ty với hơn 30 nhân viên chuyên nghiên cứu để đầu tư vào các khoản nợ trên thị trường. Ông đã tập hợp các gói nợ xấu từ nhiều công ty khác nhau lại và chứng khoán hóa chúng rồi bán từng phần nhỏ cho nhà đầu tư. Hiện tại, giá trị danh nghĩa của các khoản đầu tư này là khoảng 4 tỷ euro nếu chưa loại trừ các chi phí liên quan khác.

 


Theo Zing