Nhu cầu Iphone hạ nhiệt, Digiworld dự kiến lãi giảm 38% trong quý 1

Google News

Ban lãnh đạo dự kiến doanh thu của DGW sẽ giảm 43% và lợi nhuận ròng giảm 38% trong quý 1/2023.

Tại sự kiện gặp gỡ Nhà đầu tư của CTCP Thế giới Số (Digiworld, DGW) diễn ra vào ngày 14/2, ban lãnh đạo đã cung cấp thông tin chi tiết về kết quả kinh doanh năm 2022 của DWG cũng như triển vọng kinh doanh của công ty cho năm 2023.
Ban lãnh đạo dự kiến doanh thu của DGW sẽ giảm 43% và lợi nhuận ròng giảm 38% trong quý 1/2023, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đối với laptop, máy tính bảng và điện thoại di động - đặc biệt là các mẫu iPhone 14 giảm. Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm 2023.
Song song đó, ban lãnh đạo thận trọng đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 14% và 15% trong năm 2023.
Nhu cau Iphone ha nhiet, Digiworld du kien lai giam 38% trong quy 1
 DGW dự báo lãi sụt giảm trong quý 1/2023.
Mặc dù ban lãnh đạo kỳ vọng mức tăng trưởng khiêm tốn ở các mảng kinh doanh cốt lõi như điện thoại di động, laptop và máy tính bảng, nhưng DGW đặt mục tiêu thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh lần lượt là 65% và 157% vào năm 2023.
Lũy kế cả năm 2022, Digiworld ghi nhận 22.059 tỷ đồng doanh thu và 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã không hoàn thành kế hoạch cả năm khi chỉ mới thực hiện được 84% mục tiêu doanh thu và 86% mục tiêu lợi nhuận.
Theo DGW, trong quý 4, sản phẩm iPhone 14 được kỳ vọng đóng góp lớn vào doanh thu mảng điện thoại di động, nhưng thiếu nguồn cung, gây ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận của công ty. Mảng này giảm 50% về doanh thu so với cùng kỳ. Chịu tác động nhẹ hơn là mảng thiết bị văn phòng với mức giảm 15%.
Theo Chứng khoán SSI, bán lẻ gặp nhiều thách thức trong năm 2022. Tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023 do những khó khăn về kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, lạm phát gia tăng làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ, vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng.
SSI cho rằng, các nhà bán lẻ có thể chọn tích trữ ít hàng tồn kho hơn do dự đoán nhu cầu yếu, điều này giúp giảm áp lực lên chi phí lãi vay. Tăng vốn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay tăng cao.
Hà Thảo