Nước súc họng NECO: “Mượn danh” cơ quan y tế… “lòe” người dùng!?

Google News

Một loại nước súc họng được quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh về răng miệng, đặc biệt là tác dụng “diệt Covid-19”, được Bộ Y tế cấp phép… là những phản ánh liên quan đến sản phẩm nước súc họng NECO do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cstar phân phối.

Theo thông tin bạn đọc phản ánh đến Khoa học và Đời sống, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan thông tin quảng cáo về sản phẩm nước súc họng NECO có khả năng phòng và điều trị Covid-19, phòng ngừa các bệnh về răng miệng, dễ khiến người dùng hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh?
“Nổ” công dụng điều trị Covid-19?
Ghi nhận của phóng viên Khoa học và Đời sống, tại trang facebook Trần Thanh Huyền (https://www.facebook.com/tran.thanhhuyen.942), giới thiệu là Giám đốc phát triển thương hiệu NECO Việt Nam, có đăng tải bài viết, video quảng cáo sản phẩm nước súc họng NECO với hàng loạt “mỹ từ” gồm: “Súc họng đúng cách - chốt chặn sau cùng giúp phòng bệnh Covid-19”; “Khỏi sợ Covid - có NECO lo”; “Sản phẩm súc họng chặn Covid số 1 hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép”.
Nuoc suc hong NECO: “Muon danh” co quan y te… “loe” nguoi dung!?
Nhiều hình ảnh về nước súc họng NECO được quảng cáo trên mạng xã hội. 
Hay như “Nước súc họng diệt virus Covid-19 đã chuẩn bị có mặt trên thị trường. Đứng top 1 về vấn đề chăm sóc răng miệng và kháng khuẩn, ngăn ngừa vi rút”; “Sản phẩm súc họng phòng ngừa vi rút hàng đầu đã được Sở Y tế cấp phép”; “100 người test thử - 100 người khen súc miệng phòng vi rút NECO. Thề dùng chỉ nghiện”.
Bên cạnh đó, trang facebook trên còn khẳng định: “Đây là dòng sản phẩm cực hiếm có tác dụng ngăn ngừa được chủng vi rút. Đã có rất nhiều trường hợp đã được chữa khỏi với phương pháp này. Dù chưa nhiễm hay đã nhiễm thì đây là một phương pháp cực kỳ hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch”.
Hoặc “Bộ Y tế Việt Nam khuyến khích sử dụng phương pháp này. Các chuyên gia đầu ngành, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ… khuyến khích sử dụng phương pháp này”.
Đáng chú ý, đánh vào tâm lý người dùng đang lo lắng vì dịch bệnh, sản phẩm nước súc họng NECO còn được mô tả với công dụng diệt virus “đỉnh cao” như: “Nước súc họng NECO còn mang một sứ mệnh đặc biệt đến với thế giới, phòng ngừa vi rút cực kỳ hiệu quả bởi thành phần đặc biệt có tác dụng diệt vi rút đỉnh cao nhất hiện nay là dung dịch Chlorhexidine gluconate, dung dịch được WHO và các bác sĩ khuyến nghị sử dụng trong nước súc miệng để diệt vi rút.
Tính đến thời điểm hiện tại chưa có sản phẩm nào có thành phần đỉnh cao như nước súc họng của NECO Việt Nam. Đây sẽ là cực phẩm mà hàng triệu gia đình Việt đang rất mong chờ. Một sản phẩm ý nghĩa nhất năm 2021”.
Chiêu trò dẫn dắt khách hàng?
Tìm hiểu được biết, hiện nay Bộ Y tế chưa từng công bố hay cấp phép cho sản phẩm nước súc họng nào có tác dụng tiêu diệt Covid-19.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng nhiều lần khẳng định, không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid, hoặc được phép ghi công dụng “giảm bệnh, trị bệnh”.
Theo ghi nhận trên trang website necovietnam.com có đăng tải phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 8472/20/CBMP-HN do Sở Y tế TP Hà Nội cấp ngày 18/11/2020 cho sản phẩm NECO, thì đây là sản phẩm… mỹ phẩm.
Đáng chú ý, tại thời điểm 07h ngày 22/10/2021, tên miền necovietnam.com đã không còn truy cập được?
Cùng với đó, cũng không thấy NECO công bố giấy phép do Bộ Y tế cấp cho sản phẩm này.
Do vậy, câu hỏi đặt ra là trang facebook lan truyền thông tin sản phẩm nước súc họng NECO có dụng tiêu diệt Covid-19 như nội dung quảng cáo trên mạng xã hội là đúng hay sai ? Và liệu các trang facebook quảng cáo “nổ” chất lượng sản phẩm nước súc họng NECO có phải do lãnh đạo, nhân viên Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cstar điều hành?
Theo Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật TNHH My Way (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi thực hiện quảng cáo đối sản phẩm mỹ phẩm, các đơn vị phân phối bắt buộc phải thực hiệc thủ tục đăng ký quảng cáo mỹ phẩm gửi đến Sở Y tế TP Hà Nội (nơi đã công bố sản phẩm mỹ phẩm). Sau khi Sở Y tế cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo thì đơn vị phân phối mới đươc phép quảng cáo theo nội dung đã đăng ký.
Tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định, sản phẩm mỹ phẩm chỉ có tác dụng trong việc thay đổi diện mạo, hình thức, bảo vệ cơ thể chứ không hề có tác dụng trong việc điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo. Đối chiếu với những nội dung quảng cáo sản phẩm nước súc họng NECO thì sản phẩm này có dấu hiệu vi phạm quy định quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm; quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “tốt nhất” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.
Để làm rõ thông tin sản phẩm nước súc họng NECO đang quảng cáo đã được ngành y tế cấp phép hay chưa, công dụng của sản phẩm này ra sao, phóng viên đã liên hệ với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để tìm hiểu.

Không chỉ sản phẩm nước súc họng NECO, 2 sản phẩm mỹ phẩm khác là Cốt Thiên Ngọc NECO và xịt thơm miệng NECO của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cstar cũng đang được quảng cáo như những loại thuốc điều trị bệnh, có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mỹ phẩm.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cstar (có địa chỉ tại 228 Lệ Ninh kéo dài, phường Quán Bàu, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), thành lập ngày 9/9/2019. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn thực phẩm. Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Đình Đức.

>>> Mời độc giả đọc tại ấn phẩm in Khoa học và Đời sống số 121:
Nuoc suc hong NECO: “Muon danh” co quan y te… “loe” nguoi dung!?-Hinh-2
 
Thụy Bình – Nhã Linh