Nhắc đến các “ông lớn” nắm trong tay hàng nghìn ha đất khu công nghiệp (KCN) trên cả nước không thể không nhắc đến Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). VSIP được thành lập bởi sự hợp tác giữa Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã: BCM) và Sembcorp Development Ltd. (Singapore). VSIP hiện có vốn điều lệ gần 1.623 tỷ đồng, trong đó Becamex sở hữu 49% vốn điều lệ và Sembcorp Development nắm giữ 51% vốn.
Dẫn đầu về quỹ đất “khủng”
Theo tìm hiểu, kể từ khi xây dựng khu công nghiệp đầu tiên với diện tích 2.500ha tại tỉnh Bình Dương vào năm 1996, đến nay, VSIP đã hình thành chuỗi 14 KCN hiện diện tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô lên khoảng 11.000ha. Nếu so với Kinh Bắc, Viglacera, IDICO, Sonadezi thì liên doanh này hiện đang dẫn đầu về quỹ đất.
Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, các KCN VSIP đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 18,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 866 dự án, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. Trong đó, tại tỉnh Bình Dương, VSIP sở hữu 3 KCN với tổng diện tích hơn 3.500ha.
Gần nhất, ngày 9/9/2023, VSIP đã khởi động dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (VSIP Cần Thơ) tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Dự án có quy mô sử dụng đất giai đoạn 1 là hơn 290ha, tổng mức đầu tư gần 3.718 tỷ đồng, tương đương 160 triệu USD. Đây là khu công nghiệp VSIP thứ 13 trong cả nước, và là dự án đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long.
|
“Ông lớn” VSIP liên tục mở rộng quỹ đất, sở hữu nhiều khu công nghiệp (ảnh minh họa: VSIP). |
Trước đó, hồi cuối tháng 8/2023, trong chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, vị lãnh đạo này đã cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ công bố các văn kiện ghi nhớ hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, trong đó có biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam như: Bình Phước, Tây Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng.
Cũng tại sự kiện, đại diện VSIP đã được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án mới gồm VSIP Lạng Sơn (quy mô 600ha) và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận (quy mô 468ha). Cùng đó, doanh nghiệp này cũng thực hiện nghi thức khởi công các dự án mới VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 (quy mô 273,2ha) và VSIP Nghệ An 2 (quy mô 500ha).
Bắt tay các “ông lớn” mở rộng đầu tư
Nhằm tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, thời gian vừa qua, VSIP đã đến một số địa phương để tìm hiểu cơ hội và đề xuất ý tưởng dự án.
Đơn cử, vào tháng 11/2023, liên danh Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã: BCM) - Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã: GVR) đã đề xuất chủ trương khảo sát, nghiên cứu phát triển hai dự án tại tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, dự án Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Ninh Xuân với quy mô dự kiến 2.340ha tại xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa; kế hoạch thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 - 2035. Tiếp đó là dự án Khu đô thị - Dịch vụ Diên Khánh với quy mô dự kiến 500ha tại xã Diên Thạnh và xã Diên Bình (huyện Diên Khánh); thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2023 - 2030.
Mới nhất, ngày 14/12/2023, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện VSIP đã báo cáo ý tưởng đầu tư KCN La Sơn, huyện Phú Lộc (giai đoạn 1) có quy mô khoảng 500ha. Theo đề xuất của VSIP, dự án KCN La Sơn (giai đoạn 1) được định hướng là khu công nghiệp tổng hợp, đa ngành với các ngành nghề chủ yếu là: Chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp gia công, in ấn bao bì; sản xuất cơ khí; điện tử; may mặc...
Tương tự, ngày 19/12/2023, VSIP cũng vừa có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai và mong muốn địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu để có những đề xuất đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phù hợp.
Hay, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cũng vừa ký bản ghi nhớ với Công ty CP VSIP Cần Thơ về việc nghiên cứu, xây dựng đề xuất dự án KCN Vĩnh Thạnh 2, quy mô khoảng 519ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 7.250 tỷ đồng.
Liên tục tăng vốn
Trong một diễn biến khác, cuối tháng 10/2023 vừa qua, HĐQT Becamex IDC đã thông qua việc góp tăng vốn điều lệ cho VSIP.
Theo đó, vốn điều lệ của VSIP hiện tại gần 1.623 tỷ đồng, phần vốn tăng thêm là gần 1.056 tỷ đồng, trong đó Becamex IDC sẽ góp thêm hơn 517 tỷ đồng. Dự kiến sau khi thay đổi, vốn điều lệ của VSIP đạt hơn 2.678 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Becamex IDC vẫn là 49%. Thời hạn góp vốn trong quý IV/2023.
Trước đó, vào cuối tháng 9, VSIP cũng có một đợt tăng vốn điều lệ từ 1.025 tỷ đồng lên 1.623 tỷ đồng. Cũng trong tháng 9, doanh nghiệp này huy động thành công hai lô trái phiếu trong nước với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn 7 năm, được phát hành ở thị trường trong nước với lãi suất được công bố là 10,5%/năm. Các chi tiết cụ thể về đợt phát hành không được công bố.
Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2023 được công bố, VSIP ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 442 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của VSIP đạt gần 14.149 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Tổng tài sản của VSIP tại thời điểm cuối quý II/2023 đạt 24.476 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 42%, tương ứng 10.328 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,73 lần.
Liên Hà Thái