Phúc tra toàn bộ hoá đơn điện tăng 30%: Nên để đơn vị trung gian kiểm định

Google News

EVN sẽ phúc tra toàn bộ hoá đơn có lượng điện tiêu thụ tăng 30% so với tháng 5, theo yêu cầu của Cục Điều tiết Điện lực. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng thay vì EVN phúc tra toàn bộ hoá đơn điện tăng 30%, nên để một đơn vị trung gian kiểm định công tơ đo đếm.

Phúc tra hóa đơn điện tăng từ 30% - đơn vị trung gian kiểm định sẽ khách quan
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phúc tra toàn bộ hoá đơn có lượng điện tiêu thụ tăng 30% so với tháng 5. Động thái này được đưa ra sau khi EVN công bố có hơn 3,1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, khi phúc tra, kiểm tra nếu phát hiện có sai, phải hiệu chỉnh hóa đơn trước khi phát hành hoặc truy thu, thoái hoàn hóa đơn tiền điện cho khách hàng.
Với những trường hợp có ý kiến thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện nêu trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin cá nhân, Cục Điều tiết Điện lực cũng yêu cầu lãnh đạo các tổng công ty điện lực, các công ty điện lực phải trực tiếp xem xét giải quyết và cung cấp đầy đủ thông tin xử lý cho các cơ quan truyền thông, khách hàng.
Theo ông Tuấn, ngoài việc phúc tra hoá đơn tiền điện tăng 30%, ông còn yêu cầu ngành điện giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà ở. Trong đó chỉ đạo các sở công thương xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chủ nhà thu tiền điện cao hơn so với quy định.
Phuc tra toan bo hoa don dien tang 30%: Nen de don vi trung gian kiem dinh
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Phát triển cộng đồng cho biết, thay vì EVN phúc tra toàn bộ hoá đơn điện tăng 30%, nên để một đơn vị trung gian kiểm định công tơ đo đếm.
Đồng thời, đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, kiểm tra tổng số KW tiêu thụ theo hóa đơn của khách hàng và tổng số KW điện lực các tỉnh mua điện của EVN trong 3 tháng gần đây xem có gì bất thường không? Làm được như vậy thì những vấn đề như hoá đơn tiền điện tăng vọt, những thắc mắc của khách hàng về vấn đề ghi chỉ số công tơ mới minh bạch, khách quan.
Bao giờ hết thời EVN ghi số điện bằng tay?
Theo thống kê của EVN, cả nước có gần 27 triệu hộ dùng điện, nhưng mới chỉ 54% dùng công tơ điện tử - loại cho phép ghi số điện tự động. Với việc gần một nửa số hộ trên cả nước vẫn được theo dõi bằng công tơ cơ - thiết bị đo đếm cần sự can thiệp của con người, nên quá trình ghi chỉ số điện vẫn có thể tiềm ẩn sai sót.
Thực tế vừa qua vẫn xảy ra những sai sót trong khâu ghi, đo đếm chỉ số công tơ tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Nghệ An, Kiên Giang... khiến hoá đơn tiền điện khi tới tay khách hàng tăng vọt vài chục lần so với tháng trước đó.
Đó là lý do GS.TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, ngành điện nên đẩy nhanh việc thay thế công tơ điện tử, bởi khi chuyển sang công tơ điện tử, đo đếm từ xa và tự động, các sai sót sẽ được khắc phục.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Sơn - Phó trưởng phòng Đo lường điện (Viện Đo lường Việt Nam) đánh giá, khi người dân có thể theo dõi được số điện dùng hàng ngày, họ sẽ tính toán và kiểm soát các thiết bị điện, những thắc mắc sẽ giảm.
Nói về chất lượng công tơ điện, liệu có sự can thiệp kỹ thuật hoặc do yếu tố môi trường khiến công tơ bị sai số, ông Bùi Trung Dũng - Vụ Đo lường (Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ) khẳng định với Lao Động, tất cả công tơ điện trước khi xuất xưởng và đưa ra thị trường lắp đặt trên lưới điện đều được kiểm định chặt chẽ, dán niêm phong kiểm định chất lượng và nêu rõ thời hiệu sử dụng.
Với công tơ cơ, chu kỳ kiểm định chất lượng sử dụng là 5 năm, còn công tơ điện tử là 6 năm, theo quy định Nghị định 07.2019.
Vị này cũng nhấn mạnh hoạt động kiểm định công tơ điện là một sản phẩm dịch vụ kỹ thuật, đã có trong Luật Đo lường, là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hoạt động này đã xã hội hóa, nhiều thành phần kinh tế tham gia, không chỉ riêng ngành điện cung cấp.
Theo Cường Ngô/Lao động