Phục vụ thú cưng - ngành công nghiệp 28 tỷ USD tại Trung Quốc

Google News

Từng bị cấm vì xem là trò tiêu khiển tư sản, thú cưng hiện được 73 triệu người Trung Quốc sở hữu. Ngành công nghiệp thú cưng ở nước này trị giá lên tới 28 tỷ USD.

Cuộc sống của Li Chao đã thay đổi mãi mãi sau một buổi tối khi anh trở về nhà sau một đêm khuya ở văn phòng và thấy chú chó husky JoJo yêu dấu của mình chết trên sàn nhà.
Anh sốc nặng. JoJo được anh xem như người con, người bạn thân của mình. Anh càng bất lực khi không thể tìm thấy một nhà tang lễ để mai táng cho JoJo. Vì vậy, anh đã quyết định bắt đầu một sự nghiệp của riêng mình. Bây giờ, Li đang đóng góp một phần trong ngành công nghiệp thú cưng trị giá hàng tỷ USD ở Trung Quốc.
Phuc vu thu cung - nganh cong nghiep 28 ty USD tai Trung Quoc
Li Chao, nhà sáng lập công ty thú cưng Joypets và chú chó JoJo của anh. 
Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức của chính phủ về số lượng chó, mèo hoặc vật nuôi khác hiện sống ở Bắc Kinh hoặc các khu vực khác tại Trung Quốc, theo Sách trắng ngành công nghiệp thú cưng - được Pet Fair Asia và và Doumin.com xuất bản cho biết số lượng chó mèo tại nước này đã tăng hơn 8% trong năm 2019, sắp chạm mức 100 triệu.
Nguyên nhân của sự gia tăng này phần lớn là do người Trung Quốc đang ngày càng giàu lên, họ sẵn sàng chi tiền cho những thứ mang lại niềm vui cho cuộc sống của họ. Theo khảo sát, có tới gần 1/5 chủ sở hữu thú cưng cho biết họ đã mua một con thú cưng để làm bạn hỗ trợ tinh thần - tăng gần 20% so với năm trước.
Vào khoảng thời gian trước năm 1994, việc sở hữu chó bị nghiêm cấm ở Bắc Kinh vì nó được coi là một "trò tiêu khiển tư sản". Tuy nhiên, trong một vài thập kỷ gần đây, những quy định về nuôi chó mèo dần dần được nới lỏng. Theo báo cáo của ngành công nghiệp thú cưng, có hơn 73 triệu chủ sở hữu thú cưng trên khắp đất nước Trung Quốc, ngành công nghiệp thú cưng có giá trị lên tới 28 tỷ USD.
Phuc vu thu cung - nganh cong nghiep 28 ty USD tai Trung Quoc-Hinh-2
Một chú chó xuất hiện trong Pet Fair Asia 2019 tại Trung tâm triển lãm quốc tế mới Thượng Hải (SNIEC) vào ngày 21/8 tại Thượng Hải, Trung Quốc. 
“Trong 3 năm trở lại đây, số lượng cửa hàng thú cưng mới ở Bắc Kinh đã tăng 60%. Có nhiều loại dịch vụ thú cưng ra đời, như chải lông, chăm sóc thú cưng, khách sạn, công viên dành cho thú cưng, chụp ảnh thú cưng , đám tang thú cưng…” - CNN dẫn lời Lily Tian - biên tập viên của Sách trắng ngành công nghiệp thú cưng cho hay.
Theo chính phủ Trung Quốc, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tại nước này đang có dấu hiệu gia tăng. "Nhiều người sống ở Bắc Kinh nhưng không phải là người Bắc Kinh, họ thường là những người trẻ tuổi chỉ sinh sống và làm việc ở đây. Khi ở xa quê hương, không có người quen xung quanh, họ rất cần có người để bầu bạn và san sẻ gánh nặng khi làm ăn ở xa quê”, Li nói.
Khách sạn dành cho mèo Catsvilla được thành lập lần đầu tiên khi bà chủ của Zhao Siy không tìm thấy một khách sạn thú cưng nào phục vụ cho những con mèo của bà. Từ đó, bà đã mở một khách sạn của riêng mình và dần dần phát triển thành doanh nghiệp thú cưng có tiếng tại Bắc Kinh. 
Theo truyền thông Trung Quốc, khi thú cưng chết, một số người phải trả hơn 1.000 USD để làm “tang lễ” cho chúng. Bốn năm sau khi bắt đầu kinh doanh nhà tang lễ cho thú cưng Joypets, anh Li cho biết hiện công ty tổ chức khoảng ba đám tang một tuần cho những con thú cưng.
Theo đó, công ty của Li cung cấp hai dịch vụ tang lễ riêng biệt: theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc và theo kiểu thế tục. Công ty của anh sẽ thực hiện chôn hoặc hoả táng thú cưng theo yêu cầu của chủ sở hữu.
“Tôi không kiếm được nhiều tiền từ dịch vụ này, nhưng tôi làm điều đó bởi tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mọi người có thể nói lời tạm biệt với những con thú cưng của mình”, Li chia sẻ.
Theo Hương Giang/Zing News