“Soi” tình hình tài chính của HUD trước ngổn ngang cổ phần hóa?

Google News

(Kiến Thức) - Đến thời điểm ngày 30/2019, toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với dự án Tòa nhà HUD TOWER ô đất 2.4 Lê Văn Lương của HUD được thế chấp để đảm bảo cho khoản vay dài hạn tại ngân hàng.

Thông tin Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà đô thị (HUD) xin giữ lại hàng nghìn m2 “đất vàng” tại Hà Nội khi cổ phần hóa nhưng Bộ Tài chính không đồng tình đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Cùng với đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra, ngoài “đất vàng” bị đòi thu hồi, sức khỏe tài chính của HUD thế nào?
Theo báo cáo tài chính tổng hợp 6 tháng đầu năm 2019, thì lợi nhuận sau thuế của HUD đạt 98.045 tỷ đồng. Tổng tài sản ngắn hạn ghi nhận đến 30/6/2019 trên 5.995 tỷ đồng; hàng tồn kho có tổng giá trị 5.545 tỷ đồng.
Nợ ngắn hạn mà HUD 6 tháng đầu năm 2019 của doanh nghiệp là 5.890 tỷ đồng, và nợ dài hạn là 693.406 tỷ đồng.
 Tòa nhà trụ sở và văn phòng cho thuê HUD Tower. (Ảnh:hud.com.vn). 
Theo HUD, đến thời điểm 30/2019, toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với dự án Tòa nhà HUD TOWER ô đất 2.4 Lê Văn Lương được thế chấp để đảm bảo cho khoản vay dài hạn tại ngân hàng.
Ngoài ra, toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án/các quyền sản phát sinh từ dự án HUD Sơn Tây làm tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay dài hạn tại ngân hàng.
Tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của HUD ghi nhận đến thời điểm ngày 30/6/2019. 
Trước đó, năm 2018, báo cáo tài chính của HUD cho biết doanh nghiệp ghi nhận đến thời điểm 31/12/2018 có 7.783 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 6% so với đầu kỳ tại thời điểm 1/1/2018. Tuy có giảm nhưng đây vẫn là hạng mục lớn trong bảng cân đối tài sản của HUD, chiếm 56,6% tổng tài sản của doanh nghiệp.
Đáng chú ý là trong cơ cấu nợ của HUD, nợ ngắn hạn chiếm 86% tổng nợ phải trả trong năm 2018. Khoản mục nợ phải trả lớn nhất là chi phí phải trả ngắn hạn 3.756 tỷ đồng, chiếm 45% nợ phải trả ngắn hạn, chủ yếu là số dư khoản trích trước chi phí công trình. Hàng tồn kho và nợ ngắn hạn lớn dẫn đến hệ số khả năng thanh toán nhanh năm 2018 của HUD chỉ đạt 0,44 lần, nhỏ hơn 1. Như vậy, không đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn.
Nếu so với năm 2017, doanh thu HUD năm 2018 giảm 3,8% và tổng tài sản giảm 8,2%. Chỉ số vòng quay tài sản năm 2018 là 0,42 lần cho thấy 01 đồng tài sản tham gia vào quá trình sản xuất kinh tạo ra 0,42 đồng doanh thu trong năm 2018.
Biên lợi nhuận gộp của HUD được duy trì ổn định ở mức trên 17% trong năm 2017 và năm 2018. Nhưng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 giảm 54% so với năm 2017, chỉ còn 212 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận sau thuế của HUD sụt giảm mạnh năm 2018 so với năm 2017 do chi phí tài chính năm 2018 là 129 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2017 là âm 259 tỷ đồng.
Tuy vậy, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của HUD ghi nhận điểm sáng về dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2017 dương 812 tỷ đồng và năm 2018 dương 780 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại 31/12/2018 là 2,4 lần, đảm bảo không vượt quá 3 lần theo quy định của Chính phủ về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Khánh Hoài (Tổng hợp)