Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong tháng 11/2019, giá lợn hơi trong nước biến động tăng do nguồn cung giảm, thị trường xuất hiện hiện tượng găm hàng làm tăng giá của một số đơn vị kinh doanh buôn bán thịt lợn.
|
Tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có xu hướng nuôi lợn lên đến 170 - 180kg/con thay vì 90 - 110kg/con như thông thường để chờ tăng giá. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, tác động của tình trạng thương lái thu gom lợn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua đường mòn, lối mở khiến giá lợn hơi trong nước tăng.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng 10.000 – 11.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Hưng Yên 76.000 đồng/kg, Hà Nội 73.000 đồng/kg, Lào Cai ở mức 78.000 đồng/kg, Thái Nguyên và Ninh Bình 77.000 đ/kg các địa phương còn lại giá 70.000 – 76.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng tăng với mức tăng 15.000 16.000 đồng/kg, đạt ở mức ổn định trong khoảng 68.000 - 72.000 đồng/kg. Đồng thời, tại miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng mạnh từ 13.000 – 15.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại TP. HCM và Bình Dương là 71.000 đồng/kg. Tại Tiền Giang và Sóc Trăng giá đạt ở mức 75.000 đồng/kg.
Ngoài ra, tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có xu hướng nuôi lợn lên đến 170 - 180kg/con thay vì 90 - 110kg/con như thông thường để chờ tăng giá.
Tại Trung Quốc, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khủng hoảng giá thịt lợn cũng khiến một số địa phương ở Trung Quốc được khuyến khích tăng cường lai tạo giống mới, trong đó có loại kích thước khổng lồ. Một con lợn có thể có trọng lượng lên tới 500kg.
Nói về việc phát triển lợn “khổng lồ” để giải quyết bài toán thiếu thịt lợn, quyền Cục cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, lợn nuôi lâu lên mức 300-500kg là bình thường, nhưng nuôi to chi phí thức ăn rất tốn kém, tỷ lệ mỡ lại nhiều. Lợn ở mức 100-150kg thì chỉ 2,5-2,7kg thức ăn nhưng nếu trên 300kg thì tốn trên 3-4kg thức ăn tăng trọng, chi phí rất nhiều, do đó giải pháp này không phải là khả thi, tích cực.
Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng cao đợt cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thì nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Thịt lợn là mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Nếu không cẩn trọng, sau Tết Nguyên đán đây vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng đến CPI.
Còn trên thị trường thế giới, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá lợn nạc giao tháng 12/2019 tại Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 5,35 UScent/lb xuống còn 60,65 UScent/lb (tương đương 31.033 đồng/kg). Giá thịt lợn giảm do nguồn cung lớn và thị trường không chắc chắn về các cuộc đàm phán thúc đẩy thương mại của Mỹ với Trung Quốc, quốc gia tiêu dùng thịt lợn hàng đầu thế giới.
Trước bối cảnh nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt sau dịch tả lợn châu Phi và nhu cầu tăng cao cho dịp Tết Nguyên Đán, Trung Quốc đang nối lại việc nhập khẩu thịt từ Canada, tăng nhập khẩu từ Brazil.
Theo Diệu Thùy/Infonet