Vốn là người đam mê chơi ghi-ta, Đỗ Hoàng Thong (trú tại Bình Chánh, TP.HCM) nhìn thấy những chiếc đàn hỏng, không sử dụng được nữa bị nhiều người ném ra thùng rác thật xót xa, anh liền nảy ra ý nghĩ thu mua xem có làm gì có giá trị hay không.
“Tôi có một người em trai kinh doanh đàn ghi-ta, cậu ấy sẽ biết được ai có đàn cũ, hỏng. Tôi nhờ câu ấy thu mua lại nhưng mới làm được 3 tháng, có vẻ mọi người chưa biết đến nhiều nên số lượng thu mua lại khá ít”, anh nói.
|
Những chiếc đàn cũ anh Thong thu mua về tái chế. |
|
Anh vệ sinh và xử lý phần gỗ thừa, sau đó anh tiến hành làm chúng thành những chiếc kệ đựng đồ. |
Khi có trong nhà một số chiếc ghi-ta cũ, anh liền lên mạng tìm hiểu và thấy được rất nhiều ý tưởng hay từ các trang nước ngoài. Anh học theo và làm để trang trí trong nhà mình. Sẵn bản thân có kiến thức và kinh nghiệm làm nghề mộc, không khó để anh làm ra những chiếc kệ sách, kệ trưng bày cây xanh và kệ trưng bày đĩa nhạc… từ chiếc đàn cũ, hỏng này.
Khá ưng ý với sản phẩm mình làm ra, anh đăng lên mạng xã hội mục đích khoe với mọi người. Anh bất ngờ nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như không ít người dành cho anh lời khen ngợi về sự khéo tay, sáng tạo. Một số người còn liên hệ muốn mua chúng.
"Mỗi sản phẩm phải dành ra từ 1 tiếng rưỡi đến 4 tiếng để hoàn thành. Trong đó, khâu phục chế những chiếc đàn vỡ cần và thùng đàn hư hỏng đòi hỏi thời gian và công sức rất nhiều nên giá trị của sản phẩm này phụ thuộc nhiều vào công sức người thợ”, anh nói.
Tùy vào đồ trang trí sản phẩm, anh sẽ bán với mức giá dao động từ 1,2 – 2 triệu đồng. Với mức giá này, khách hàng vẫn rất ưng ý và đặt mua nhiều. Nhưng điểm hạn chế nhất là việc thu mua đàn cũ rất khó, anh tìm mua mãi mới chỉ được 7 chiếc và đã bán hết cho khách.
“Vì thu mua thực sự khó khăn nên mỗi tháng chỉ mua được 1-2 chiếc mà thôi, khách hàng muốn đặt các sản phẩm này đành chấp nhận đợi khi nào có đàn cũ, tôi mới làm và bán được”, anh nói.
Anh Thong chia sẻ thêm để tạo ra một sản phẩm mới từ chất liệu cũ anh mất khá nhiều thời gian trong việc tháo dỡ mặt đàn, vệ sinh kỹ viền khung và xử lý phần gỗ thừa. Để sản phẩm có độ bền cao, anh lựa chọn kệ gỗ có độ dày 10mm và tiến hành cắt góc độ phù hợp, dùng keo cố định với khung đàn.
Sau đó, sản phẩm sẽ được anh vệ sinh từ trong ra ngoài, dùng sơn tạo lớp phủ bảo vệ đàn và trang trí theo yêu cầu của khách hàng. Bởi theo anh, các sản phẩm này anh thường làm theo yêu cầu của khách, theo ý kiến riêng họ để phù hợp mục đích trang trí của từng khách hàng.
Trong thời gian tới, anh dự định sẽ tìm đầu mối cung cấp đàn cũ cho mình để thỏa sức sáng tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa. Cùng với đó, anh sẽ mở một shop bán đồ tái chế như các vật dụng cũ bỏ đi, cành cây khô hay chai thủy tinh…
Theo Anh Thư/Dân Việt