Thuế chưa hợp lý, đại lý xăng dầu lợi hàng ngàn tỉ

Google News

Cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể ban hành quy định áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính toán giá đại lý xăng dầu.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có kết luận chỉ ra những bất cập về việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016.
Hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng
Cơ quan kiểm toán đánh giá các đại lý  xăng dầu đầu mối đã được hưởng lợi từ chênh lệch thuế lên đến hàng ngàn tỉ đồng. “Việc hưởng lợi này xuất phát từ chính sách tính thuế chưa hợp lý của cơ quan điều hành giá xăng dầu” - KTNN nêu rõ.
Cụ thể, trong năm kỳ điều hành giá xăng dầu đầu tiên năm 2016, liên bộ Công Thương - Tài chính áp thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) và thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN là 20% trong điều hành không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu. Điều này dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối.
 Ảnh minh họa.
Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu khi nhập hàng về có những lô hàng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường nhưng cũng có những lô hàng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Từ đó tạo ra sự chênh lệch thuế trong khi Bộ Tài chính lại áp một mức thuế cố định trong tính giá cơ sở. Theo tính toán, nhờ chênh lệch này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi hơn 3.300 tỉ đồng.
Để khắc phục bất hợp lý trên, từ kỳ điều hành ngày 21-3-2016, Bộ Tài chính lại đưa ra phương án thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho xăng dầu. Mức thuế này được đưa ra dựa trên tỉ lệ bình quân giữa các mức thuế nêu trên.
Tuy nhiên, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền vẫn làm phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu. Số liệu tại 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2016 cho thấy khoản chênh nhờ thuế này vẫn trên 1.400 tỉ đồng.
“Việc áp thuế bình quân gia quyền của Bộ Tài chính với mặt hàng xăng dầu chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, tính minh bạch, rõ ràng” - KTNN nhấn mạnh.
Nhiều loại thuế chưa hợp lý
Cũng theo kết luận trên, KTNN cho rằng liên bộ xác định chưa chính xác về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt khiến chênh lệch thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) tại bốn kỳ điều hành (tháng 7 và 8-2016) là hơn 216 tỉ đồng.
Liên bộ cũng xác định chưa hợp lý về tỉ giá tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tính thiếu 214 tỉ đồng qua 17 kỳ điều hành tại 10 đơn vị đầu mối.
Ngoài thuế, việc điều hành giá xăng dầu thông qua trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá cũng được KTNN đánh giá còn bất cập, như giá tăng vẫn vừa trích vừa xả quỹ khiến giá vẫn tăng và tồn quỹ tại đầu mối vẫn lớn.
Theo kiểm toán, có 3/10 đầu mối âm quỹ bình ổn. Với thực tế này, KTNN kiến nghị chỉ trích quỹ bình ổn khi giá giảm để tạo nguồn cho quỹ và ngưng trích khi giá tăng…
Tuy phát hiện ra chênh lệch tài chính lớn tổng cộng trên 4.800 tỉ đồng nhưng KTNN chỉ kiến nghị các đơn vị đầu mối được kiểm toán nộp vào ngân sách các khoản thuế phải nộp tăng thêm 252 tỉ đồng, cùng với điều chỉnh sổ sách kế toán theo kết quả kiểm toán...
Phải truy trách nhiệm
Việc áp dụng cách tính thuế bình quân gia quyền đã tạo ra sự tranh cãi suốt thời gian qua. Ngay từ khi Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) và các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng phản ứng vì cho rằng bất hợp lý.
Theo VINPA, việc ấn định thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở thuế hiện nay có sự bất cập, phức tạp, dễ gây hiểu lầm là không cần thiết, thậm chí là thiếu minh bạch…, có thể dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.
Đồng thời, việc Bộ Tài chính áp mức nhập khẩu bình quân gia quyền đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng.
Đặc biệt, trao đổi với báo giới, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA, cho rằng Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu không quy định thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để hình thành giá cơ sở. Do vậy, việc Bộ Tài chính lấy mức thuế nhập khẩu xăng dầu bình quân gia quyền áp cho doanh nghiệp vừa không đúng luật vừa không đúng thực tế.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng thuế nhập khẩu là yếu tố quan trọng trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan điều hành áp dụng mức thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các doanh nghiệp.
“Việc cơ quan kiểm toán chỉ ra những bất cập về cách tính thuế xăng dầu đã thể hiện đúng trách nhiệm và đúng với những phản biện trước đó của chuyên gia và dư luận. Nhưng phải truy trách nhiệm người ký ban hành, đề xuất áp loại thuế này. Bởi việc thu lại tiền chênh lệch rất khó vì chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định thuế bình quân gia quyền” - ông Long nói.
Theo Chân Luận - Trà Phương/ PLO