Thương vụ 5.500 tỷ của bầu Hiển sẽ giúp SHB như thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) vừa cho biết đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng. 

Trong đó, từ ngày 17/2 đến 27/4, SHB chào bán thành công gần 300,8 triệu cổ phiếu và trong quý 1, SHB đã phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức với tỷ lệ 20,9% của hai năm 2017 và 2018.

Việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.518 tỷ đồng nằm trong kế hoạch phát triển của SHB và đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên SHB năm 2019.

Cổ tức SHB chưa chia năm 2019 được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông với tỷ lệ 11% sẽ được chia muộn nhất vào quý 3/2020 theo đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Được biết, kết phiên giao dịch ngày 8/5, cổ phiếu SHB đóng cửa tại mức 17.000 đồng/cổ phiếu, tăng mạnh hơn 139% trong vòng 1 quý vừa qua. Khối lượng giao dịch bình quân cũng tăng đột biến lên hơn 11 triệu đơn vị mỗi phiên.
Theo Chứng khoán SBS, chính việc phát hành nhiều cổ phiếu khiến cổ phiếu SHB bị pha loãng dẫn đến EPS giảm. Trong khi đó, giá cổ phiếu SHB vừa trải qua quá trình tăng giá đột biến, bất thường, đi ngược xu hướng chung của thị trường dù kết quả kinh doanh không tăng trưởng tương ứng.
Được biết trước khi tăng vốn, Tập đoàn T&T của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) nắm 9,27% vốn SHB, còn ông Hiển nắm 2,55% vốn, con trai ông Hiển là Đỗ Vinh Quang năm 2,78%.
Thuong vu 5.500 ty cua bau Hien se giup SHB nhu the nao?
 

Việc tăng vốn là cơ sở để SHB hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II.

Bên cạnh đã hoàn thành trụ cột thứ nhất của Basel II đáp ứng đầy đủ quy định tại Thông tư 41 – NHNN, với việc tăng vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, SHB đã cơ bản hoàn tất trụ cột II và tiến tới hoàn tất đầy đủ toàn bộ ba trụ cột của Basel II. 

Ngoài ra, việc tăng vốn thành công cũng có ý nghĩa trọng yếu đối với sự phát triển an toàn và bền vững của SHB trong bối cảnh hiện nay. 

Được biết, vừa qua, SHB đã lên kế hoạch thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng SHBFC cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài. Việc thoái vốn cũng sẽ đảm bảo đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho SHB nâng cao năng lực tài chính.

Theo SHB, mức đệm vốn được tăng cường để ngân hàng tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh trên cơ sở duy trì các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41, đồng thời hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Về tình hình kinh doanh, do quý 1/2020, SHB không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nên ghi nhận lợi nhuận sau thuế 614 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng tài sản của SHB tính đến ngày 31/3/2020 xấp xỉ hồi đầu năm, ở mức gần 368,982 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 282,160 tỷ đồng, tăng 6% và các khoản lãi, phí phải thu 9,641 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. 

Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tại SHB cũng xấp xỉ đầu năm, ở mức gần 262,540 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ xấu của SHB hơn 6,136 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng 59% và nợ nghi ngờ tăng 63%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của SHB tăng từ 1,91% của đầu kỳ lên mức 2.17%.

Hiện SHB là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm cao trong các ngân hàng. Tỷ suất sinh lời trên tổng vốn cũng như vốn chủ sở hữu ở mức thấp.
Minh An