Tuyệt kỹ nuôi chim nói tiếng người để thi Hội hoa Xuân

Google News

Tuyệt kỹ nuôi chim nói tiếng người để thi Hội hoa Xuân sẽ khiến bạn bất ngờ.

Lên duyên từ “loại chim tầm thường”
Gần 20 năm, bà Nguyễn Thị Bé (SN 1945, ngụ TT. Ngãi Giao, H. Châu Đức, T. Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bỏ hết tâm sức của mình để theo đuổi thú chơi chim nhồng và huấn luyện chúng nói và tham gia thi Hội hoa Xuân. Mới tới cổng nhà bà Bé, chưa kịp cất tiếng gọi cửa thì phía trong nhà đã phát ra tiếng “xin chào”, “Nhồng Vinh Hoa xin kính chào quý khách!” từ những con chim của bà Bé nuôi.
Kể về quá trình nuôi chim, bà Bé nhớ về khoảng những năm 90, khi đang là một họa sỹ khá có tiếng tại Sài Gòn, bỗng nhiên say đắm với vẻ đẹp loài chim Yến phụng nên bỏ tiền ra mua cho mình 2 cặp. Sau đó, những con chim này cũng kết đôi và chỉ gần một năm sau, bà đã có gần 50 con lớn, nhỏ.
 Căn nhà của bà Bé đầy ắp tiếng chim nói mỗi ngày.
Tình cờ trong một lần bà nhận được mời tham gia hội hoa Xuân tại công viên Tao Đàn, thấy mình có loài chim đẹp bà cũng mang chim tới tham gia hội chợ. “Lần đó là lần đầu tiên tôi tham gia hội chợ, ngồi nói chuyện với một số nghệ nhân nuôi chim tôi mới nghiệm ra, nuôi chim nhồng mới quí.
Sau khi nghe được những lời chia sẻ đó, tôi cũng bỏ 800.000 đồng mua cho mình 2 con, thế nhưng nuôi cả năm sau mà không con nào chịu nói một câu. Nản quá nên nghe người bạn, tôi đã phóng sinh cho chúng bay đi” - bà Bé nhớ lại.
Đầu năm 1996, bà Bé đã tự mình tìm lên Bình Phước để tìm hiểu về loài nhồng và mua được cho mình 20 con. Nghiệp nuôi nhồng của người nữ họa sỹ bắt đầu từ đó. Sau bao ngày tháng kiên trì dạy dỗ, những con chim nhồng mà tự bà đi mua về đã có thể cất lên tiếng nói.
Chim nhồng của bà đậu tay không bay, nói được tiếng... nước ngoài. Có ông khách người Đức, tìm đến "đặt hàng" nhờ bà dạy nhồng nói vài câu tiếng Đức. Cũng trong thời điểm đó, những chú nhồng của bà tham gia Hội hoa Xuân và đạt được huy chương vàng dành cho tiết mục xuất sắc nhất. Sau đó bà liên tiếp dành thêm 2 huy chương vàng nữa.
Lứa đầu tiên cô nuôi hai chục con, dạy nói được hết. Lúc đầu tôi chỉ dạy cho nó mấy câu đơn giản như: “Nhồng Vinh Hoa kính chào quý khách! Tôi là nhồng Việt Nam!”. Những câu khó hơn như "How are you" (Bạn khỏe không - tiếng Anh), "Hello" hay "Nỉ hảo ma" (Bạn khỏe không - tiếng Hoa), bà Bé cũng dạy được cho nhồng nói. Đặc biệt, có con còn biết hóng chuyện, hễ thấy người ta nói chuyện một hồi là nó lắc lắc đầu "phải không, phải không".
Không những vậy, sau nhiều thời gian rèn luyện giờ đây 10 con nhồng trưởng thành của bà, con nào cũng đọc vanh vách câu thơ “Cay đắng chưa từng sao biết ngọt - Gian nan chưa trải hiểu chi đời”.
Dạy chim nói phải “rót mật vào tai”
Chuyện nuôi nhồng đã khó là vậy, việc dạy chim nói tiếng người còn khó hơn. Bà Bé phải lập phòng cách ly riêng biệt trong trại, ở một nơi yên tĩnh nhất. Hàng chục con nhồng được nuôi trong đó. Cứ tối tối, trời im, nhồng chuẩn bị vô ngủ, bà Bé lại nhẹ nhàng mở cửa bước vô phòng dạy nhồng nói. Mỗi lần như vậy từ 10 - 15 phút, một câu bà đọc đi đọc lại 5 lần, dạy thuộc câu này bà mới chuyển qua dạy câu khác.
 Bà Bé bên đàn chim nhồng của mình.
Bà bảo, nói với nhồng phải như "rót mật vào tai", nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Giờ đó cũng là giờ nhồng dễ tiếp thu nhất, vì "chúng mơ màng chuẩn bị ngủ, mình nói chúng dễ nghe".
Để dạy cho chúng đọc được hai câu thơ tâm đắc, bà Bé đã phải bỏ ra cả 6 tháng cùng ăn cùng ngủ với 10 “đứa con” nhồng.
Nhưng kỷ niệm khiến “bà chúa nuôi nhồng” nhớ mãi là lần dạy một "đứa con tiếp thu chậm". Con này nhìn thấy "tương lai" lắm nhưng mỗi tội dạy hoài nó không tiếp thu. Kiên nhẫn lắm, rồi một dịp may đến với bà. Lần đó, có một bà khách tới trại chơi, không thấy bà Bé đâu, bèn hỏi: "Có ai ở nhà không?". Chẳng biết cơ duyên xui khiến thế nào, con nhồng này bỗng bật lên lia lịa "Có ai ở nhà không?". Từ đó, nó nói được, nói câu này hoài.

Theo Phunuonline