Vi phạm TTXD ở phường Hàng Buồm: Trách nhiệm của ai?

Google News

Theo các chuyên gia những công trình xây mới, cải tạo nhà ở cũ vượt tầng, quá mật độ vi phạm trật tự xây dựng tại phường Hàng Buồm gây phá vỡ không gian đặc trưng của tuyến phố cổ Hà Nội.

Phá vỡ không gian đặc trưng phố cổ

Những ngày qua, thông tin nhiều công trình xây dựng, cải tạo có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã được Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, nhiều công trình tại các tuyến phố Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ, Nguyễn Siêu thuộc phường Hàng Buồm,… có dấu hiệu sai phép, “vươn” cao quá 5 tầng, thậm chí tới 7 tầng. Chiều cao và độ lớn của các công trình vượt trội hơn hẳn so những công trình khác, phá vỡ không gian đặc trưng của tuyến phố cổ Hà Nội.

Theo kiến trúc sư (KTS) Đoàn Tú (chuyên gia thiết kế tại Công ty Kiến trúc Tây Hồ), những công trình xây quá tầng ở phường hàng Buồm nói trên phá vỡ cấu trúc mặt đứng, chiều cao và cảnh quan của khu phố cổ. Nếu tiếp tục diễn ra nhiều công trình sai phạm, lâu dần những công trình này sẽ biến khu phố cổ Hà Nội trở thành bình thường như bất kỳ thành phố, thị trấn nào khác trên đất nước Việt Nam. Bản sắc văn hoá, lối kiến trúc và không gian xưa đặc trưng của phố cổ Hà Nội sẽ dần mai một trong lòng người dân và khách du lịch.

Vi pham TTXD o phuong Hang Buom: Trach nhiem cua ai?
 Công trình số 40 Nguyễn Siêu (phường Hàng Buồm), thi công xây đã vượt trên 4 tầng, có dấu hiệu vi phạm về chiều cao và chưa dừng lại.

Ngoài ra, về mặt xây dựng, những công trình xây vượt tầng, mật độ xây dựng lớn trong khu phố cổ sẽ khiến kết cấu nền móng đất bị chịu tải lớn. Đa phần các công trình trong khu phố cổ có tuổi nhiều niên đại, xây dựng thô sơ, rất dễ bị ảnh hưởng khi xen kẽ với các công trình xây mới  kết cấu trọng tải lớn không được quy hoạch đồng bộ. Khi nền móng đất khu phố cổ mật độ hẹp phải chịu tải và rung quá nhiều của các phương tiện giao thông qua lại, lâu dài cũng ảnh hưởng tới sức bền của các công trình.

KTS Đoàn Tú cũng khuyến cáo, Hà Nội cần học hỏi cách giữ gìn không gian bản sắc văn hóa của đô thị cổ từ Hội An hay xa hơn là Trung Quốc để khai thác hiệu quả giá trị Kiến trúc nghìn năm văn hiến của Thủ đô. Quy hoạch đồng bộ, giữ gìn nét kiến trúc đặc trưng, làm sống lại các di sản văn hoá như các nghề truyền thống theo từng tên phố để đẩy mạnh nền kinh tế du lịch mũi nhọn.

Vi pham TTXD o phuong Hang Buom: Trach nhiem cua ai?-Hinh-2
Nhiều công trình khác ở phố Đào Duy Từ (thuộc phường Hàng Buồm), cơi nới thêm tầng để tăng diện tích sử dụng. 

Cần xử lý nghiêm

Nói về các vi phạm trật tự xây dựng trên phường Hàng Buồm, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tại Điều 89 Luật xây dựng năm 2014 đã quy định rất rõ, trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của luật này (ngoại trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này).

Đối chiếu với khoản 2 Điều 89, công trình không có giấy phép xây dựng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 nghị định 139/2017. Ngoài ra, buộc dụng biện pháp phải khắc phục hậu quả.

Khoản 5, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về trật tự xây dựng như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này.

Trường hợp đã xin giấy phép xây dựng phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội) nhưng có hành vi xây dựng vượt giấy phép, xây dựng trái giấy phép xây dựng sẽ bị xử lý như sau: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này.

Luật sư Tùng cũng cho rằng, chính quyền phường Hàng Buồm cũng phải chịu trách nhiệm với việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong thẩm quyền của mình. Nếu có những cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc cố tình “nhắm mắt làm ngơ” bỏ qua sai phạm TTXD trong khu vực phố cổ, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Điều 15 nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính vi phạm quy định về trật tự xây dựng như sau:
“5. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;”
Trường hợp đã xin giấy phép xây dựng phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch - Kiến trúc khu phố cổ Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội) nhưng có hành vi xây dựng vượt giấy phép, xây dựng trái giấy phép xây dựng sẽ bị xử lý như sau:
“4. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp (trừ trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 7 Điều này) đối với trường hợp cấp phép xây dựng mới như sau:
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm c khoản này;…”
Ngoài việc áp dụng phạt tiền nêu trên thì sẽ phải tiến hành áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“ 12. Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau:
a) Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình;
b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
c) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.”

Đoàn Khang