Viên sủi Keto Slim: Bị cảnh cáo vẫn vi phạm... coi thường pháp luật?

Google News

Từng bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, nhưng Y dược Minh Hà vẫn tiếp diễn sai phạm về hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Keto Slim.

Vi phạm hàng loạt quy định pháp luật?
Theo khảo sát của PV Tri thức và Cuộc sống, trên các website ketoslim.com.vn; ketoslim.vn; ketoslim-chinhhang.com... xuất hiện hàng loạt quảng cáo về viên sủi giảm cân Keto Slim, sản phẩm này có các công dụng thần thánh như: “Giảm lượng mỡ thừa - Dạng dùng viên Sủi có cơ chế hướng đích, thẩm thấu nhanh, tăng cường chuyển hóa và hỗ trợ tan mỡ thừa; Ngăn chặn hấp thu tinh bột - Bổ sung các khoáng chất, biến mỡ thành năng lượng, duy trì sự tỉnh táo và thư giãn đầu óc; Không cần kiêng ăn uống thỏa mái. Không còn cảm giác đói, bỏ qua cảm giác thèm ăn. Thanh lọc cơ thể, sản xuất hoóc môn hạnh phúc”...
Sản phẩm này được Công ty cổ phần Y dược Minh Hà (địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà chung cư 2B - Vinata Towers số 289 đường Khuất Duy Tiến, Phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, Việt Nam) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Công ty Minh Hà khẳng định viên sủi Keto Slim là “Viên Sủi Giảm Cân Số 1 Việt Nam - Hiệu quả gấp 90 lần phương pháp ăn keto thông thường.” Với việc không có cơ sở nào để đưa ra nhận định này, đây có thể là hành vi vi phạm quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.”
Vien sui Keto Slim: Bi canh cao van vi pham... coi thuong phap luat?
 Công ty Minh Hà dựa vào cơ sở nào để quảng bá sản phẩm của mình là "Số 1 Việt Nam"?
Rất nhiều hình ảnh đăng tải trên các website bán sản phẩm thực phẩm chức năng Keto Slim cho biết, viên sủi này giúp người dùng giảm 5 - 7 kg chỉ trong 2 tuần, trong khi theo nhiều chuyên gia, giảm cân từ 0,45 - 0,9 kg mỗi tuần là tốc độ lành mạnh và an toàn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mất nhiều cân nặng hơn thế được coi là quá nhanh và có nguy cơ khiến người muốn giảm cân mắc nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm mất cơ, sỏi mật, thiếu hụt dinh dưỡng và giảm trao đổi chất.
Điều đáng nói, công ty Minh Hà cũng không ngần ngại sử dụng hình ảnh của chuyên gia bác sĩ Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Nhân dân 115 để quảng cáo về sản phẩm. Hành vi này vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
Vien sui Keto Slim: Bi canh cao van vi pham... coi thuong phap luat?-Hinh-2
 Công ty Minh Hà sử dụng hình ảnh của Bác sĩ để quảng bá cho sản phẩm giảm cân Keto Slim
Các trang web này cũng vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo khi sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, chuyên gia y tế để giới thiệu và khuyên dùng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Keto Slim, tạo lòng tin ở người tiêu dùng.
Phải chăng Công ty Minh Hà đang bất chấp các quy định pháp luật, bất chấp lời cảnh báo của Bộ Y tế để “thần thánh hóa” tác dụng viên sủi giảm cân Keto Slim, đánh lừa khách hàng về giá trị và công năng thật của sản phẩm? Chưa nói đến việc sản phẩm này đang vi phạm hàng loạt quy định về quảng cáo, thì tốc độ giảm cấp nhanh gấp 4 - 5 lần mức chuẩn an toàn.
Liệu rằng dòng sản phẩm Keto Slim của Công ty Minh Hà có bao nhiêu phần trăm công dụng thật sự, bao nhiêu phần trăm an toàn cho người sử dụng? Khách hàng có nên đánh đổi, để rồi “tiền mất, tật mang” khi đưa bản thân mình ra thử nghiệm những sản phẩm như thế này?
Từng bị Cục An toàn thực phẩm "tuýt còi" vẫn sai phạm?
Hồi tháng 11/2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng cảnh báo về thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Keto Slim trên một số website, bao gồm: www.ketoslim.com.vn, www.ketoslim.vn, www.ketoslim-chinhhang.com có nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Keto Slim không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Cùng thời điểm, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu các website, ứng dụng thương mại điện tử kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ ngay các sản phẩm Keto Slim và triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm này. 
Đồng thời, Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. 
Thế nhưng, sau 1 năm bị cơ quan chức năng cảnh báo, tính đến thời điểm hiện tại, theo khảo sát của PV, trên các website nói trên hoàn toàn không có tích xanh của Bộ Công thương. Công ty Cổ phần Y dược Minh Hà vẫn tiếp túc đẩy mạnh quảng cáo  vi phạm về sản phẩm viên sủi giảm cân Keto Slim. Dư luật đặt câu hỏi, phải chăng  Y dược Minh Hà đang cố tình "coi thường pháp luật"... "trục lợi" người tiêu dùng?
Theo quy định, từ ngày 01/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) thì mới được sản xuất. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra của các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất TPCN trên địa bàn, nếu doanh nghiệp chưa có chứng nhận GMP mà vẫn sản xuất thì sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Với quy định này, nhiều người kỳ vọng sẽ giúp “thanh lọc” thị trường TPCN vốn đang “vàng thau lẫn lộn”, giúp người tiêu dùng chọn được các sản phẩm chất lượng.
Tuy nhiên, từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của TPCN, đồng thời kiểm soát chặt chẽ về giá, thành phần công bố, hồ sơ quảng cáo... để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Một trong những vi phạm thường thấy nhất là lĩnh vực quảng cáo TPCN, dễ dàng gây sự hiểu nhầm rất lớn cho người tiêu dùng. Không ít người vì tin lời quảng cáo “thần thánh hóa” và bỏ khá nhiều tiền mua TPCN để trị bệnh, bỏ lỡ quá trình điều trị theo phác đồ của bác sĩ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Những năm qua, không ít các quyết định thu hồi sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm ban hành, liên quan tới những sản phẩm giảm cân công năng tương tự như: trà giảm cân Golean Detox, trà thảo mộc nhãn hiệu Vy&Tea, trà thảo mộc Hoa Sâm Đất, thuốc giảm cân Đông y gia truyền họ Nguyễn, thuốc tăng, giảm cân Đông y Tiến Hạnh, trà giảm cân Cường Anh... Điểm chung của các sản phẩm này là đều chứa một hay nhiều loại chất cấm gây hại cho sức khỏe của người sử dụng như Sibutramine, Phenolphthalein hay Phenphormin - hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả Việt Nam cấm lưu hành từ nhiều năm qua.
*Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả!
Minh Châu