Sưng tấy vì mặt nạ thảo dược
Nghe bạn bè giới thiệu về loại mặt nạ nguồn gốc thảo dược, có tác dụng làm trắng da, dưỡng da hiệu quả, giá thành lại không cao, chị Hà Thị Vân (Ba Đình, Hà Nội) đã mua về dùng.
Ngay trong lần đầu tiên sử dụng, sau khi gỡ sạch lớp mặt nạ, da chị đã bị ửng đỏ, ngứa, sần sùi, rất khó chịu. Mặc dù chỉ dùng duy nhất một lần nhưng phải đến một tuần sau, da mặt chị Vân mới trở lại bình thường.
Chị Lý Thanh Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) đi gội đầu ở tiệm cũng được nhân viên gội đầu tư vấn nên đắp mặt nạ thuốc Bắc trong lúc nằm gội đầu giúp tẩy nám, da trắng hồng, mịn màng.
|
Ảnh minh họa. |
Thấy giá cả hợp lý (50.000đồng/lần) cùng với việc kết hợp thời gian nằm chờ gội đầu nên chị Bình đồng ý. Từ đó, cứ 3 ngày/lần, chị Bình cứ gội đầu lại kết hợp đắp mặt nạ.
Chỉ sau gần 1 tháng, chị Bình thấy da mặt mẩn đỏ, sần sùi. Các nhân viên hàng gội đầu thấy thế còn tư vấn: Đó là hiệu quả của mặt nạ thuốc Bắc đang trong quá trình tẩy nám.
Sau khi lớp da cũ tróc hết đi thì da mặt sẽ trở nên mịn màng. Tuy nhiên, càng đắp, chị Bình càng thấy da mặt nóng rát. Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị Bình mới biết da mặt bị tổn thương nghiêm trọng do dị ứng với mặt nạ thuốc Bắc không rõ nguồn gốc.
Tìm hiểu của PV trên thị trường, hiện các loại mặt nạ bằng thuốc Bắc được bày bán tràn lan. Có hai loại chủ yếu là mặt nạ được làm sẵn, chỉ cần đắp lên mặt và mặt nạ làm từ dạng bột trộn đều với nước rồi đắp đều lên da. Hầu hết các sản phẩm trên đều không có tem kiểm định chất lượng, giá từ 30.000đồng-100.000đồng/ sản phẩm.
Theo Bác sĩ Phạm Hinh (Trung ương Hội Đông y Việt Nam), một số vị thuốc Bắc đã được chứng minh là có công dụng làm đẹp, nhưng cần kết hợp các thành phần hợp lý, đúng liều lượng, loại da mới có hiệu quả tốt.
Dùng thuốc Bắc để uống, hay đắp mặt đều mất một thời gian mới ngấm dần, chứ không hiệu quả nhanh như hóa chất.
“Hãy cảnh giác với các loại mặt nạ không rõ nguồn gốc, thành phần và không loại trừ khả năng có thành phần chất tẩy trắng vào thuốc Bắc dạng bột”, BS Hinh cảnh báo.
Ths. BS Vũ Văn Tiến, Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ, BV 103 cũng khuyến cáo nên thận trọng với những loại bột, cao tự chế khi không rõ chất lượng của chúng.
Dù thuốc Bắc được cho là lành tính nhưng cũng có thể gây hại cho da nếu không hợp cơ địa (chưa nói đến khả năng pha trộn hóa chất để có tác dụng nhanh).
Ngoài ra, cũng không nên tin vào các sản phẩm quảng cáo là dược liệu Đông y nhưng lại có tác dụng nhanh rõ rệt, như tẩy sạch nám, làm da trắng hồng chỉ sau vài lần sử dụng. Sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc Đông y chỉ có tác dụng nếu thực hiện đều đặn và lâu dài.
Cách sử dụng mặt nạ hiệu quả
Theo các bác sĩ, hoa quả cũng có tác dụng phụ, vì thế không nên đắp hàng ngày vì da mặt sẽ trở nên yếu ớt. Dùng nhiều loại mặt nạ dưỡng da sẽ làm da mặt quá sạch, da bị khô vì mất lớp bảo vệ, dễ bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa rát.
Những loại mặt nạ dưỡng da chế từ củ quả tự nhiên cũng chỉ dùng khoảng 3 ngày/lần kẻo da mặt bị “bội thực” chất dinh dưỡng, dẫn tới dị ứng, nổi mụn, mọng đỏ, lớp biểu bì non trên da mặt mất khả năng đề kháng.
Da mặt rất nhạy cảm, nhất là da mắt, chị em khi có ý định đắp lên mặt bất kỳ một loại thuốc Bắc nào cũng nên thử nghiệm ở các vùng da khác trên cơ thể xem có dị ứng hay không rồi hãy dùng. Mặt nạ bổ sung nước chỉ dùng khi da khô, thời tiết khô hanh.
Mặt nạ trắng da chỉ dùng hàng ngày khi đi du lịch hoặc đi công tác xa. Vừa tắm vừa đắp mặt nạ sẽ tiết kiệm thời gian, nhưng chỉ hiệu quả với mặt nạ hoa quả.
Còn mặt nạ đắp trực tiếp lên mặt không nên dùng vì hơi nước sẽ ngăn cản dưỡng chất từ mặt nạ tiếp xúc với da, giảm nhiều hiệu quả. Có thể vừa tắm vừa bôi kem massage da mặt, vì hơi nước giúp làm mềm các tế bào chết của da, giúp tẩy sạch da chết dễ dàng hơn.
Không sử dụng mặt nạ cho mắt bởi rất nhiều mặt nạ, nhất là loại làm sạch, trơn da, có thành phần gây kích ứng vùng mắt (nếu dùng nên kết hợp với kem mắt mới có hiệu quả hoặc thích hợp hơn là dùng mặt nạ bổ sung protein và mặt nạ mắt chống nhăn).
Đắp mặt nạ quá lâu sẽ dẫn đến da mất nước, mất dinh dưỡng, do đó mặt nạ dạng bột, dạng đắp chỉ dùng 15 - 20 phút nên rửa đi. Khi da đang có mụn hay tổn thương thì không nên đắp.
Theo Tiền Phong