|
Ảnh minh họa. |
Móng giò lợn 200g, đu đủ chín tới 200g, gia vị đủ dùng. Móng giò rửa sạch thái miếng vừa ăn, đập dập, đu đủ gọt vỏ, bỏ ruột thái miếng vừa ăn. Móng giò nêm nước vừa ăn đem ninh nhỏ lửa tới nhừ, sau đó cho đu đủ vào ninh tiếp cho tới khi chín kỹ, nêm gia vị đủ dùng. Bắc ra ăn khi canh còn ấm hoặc ăn với cơm, tuần ăn 2 - 3 bữa.
Bài thuốc giàu dinh dưỡng gồm các protein, lipit, vitamin, khoáng chất và các nguyên tố vi lượng có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường tiêu hóa, bổ sung một lượng nước lớn cho cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn, sát khuẩn, tái tạo tổ chức tế bào da... Thích dụng cho tất cả mọi người nhất là người có làn da khô, nẻ, da dễ tổn thương, viêm da...
Theo Đông y, đu đủ chín có vị ngọt mát vào kinh tỳ vị, có tác bổ dưỡng dụng nhuận tràng, tiêu tích trệ, lợi trung tiện, lợi tiểu, thúc đẩy quá trình đào thải độc tố cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu nuôi dưỡng các tổ chức và bì phu cơ nhục (da, cơ), sát khuẩn...
Dưới nhãn quan của y học hiện đại, đu đủ có tới 95% nước, giàu dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng như glocuse 8,5%, pectin, chất béo và P, Mg, Fe, vitamin B... Ngoài việc bổ xung và chống mất nước cho cơ thể, các chất này tác động tích cực tới quá trình chuyển hóa tế bào, bồi bổ, nâng cao thể trạng cơ thể đồng thời thúc đẩy tuần hoàn.
Hơn nữa, cứ 100g đu đủ chín chứa 2.100mcg beta caroten và 74 - 80mg vitamin C. Do có nhiều sinh tố C và caroten nên đu đủ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao miễn dịch tự nhiên cho cơ thể, đồng thời tăng lượng máu đi nuôi tế bào giúp chống oxy hoá, làm cho các mô và da trẻ hóa...
Chân giò lợn có tác dụng bổ tỳ, ích vị cung cấp một nhiệt lượng đáng kể cho cơ thể nhằm nâng cao thể trạng. Ngoài ra, móng giò chứa nhiều protein dạng keo giúp giữ ẩm làn da tăng tính đàn hồi, giảm nhăn và căng mịn hơn...
Chú ý: Bài thuốc có tính lợi tiểu và có hàm lượng đường nên thận trọng dùng cho người tiểu đường, người tiểu nhiều, tiểu không tự chủ...
Lương y Chu Văn Tiến (Hội Đông y Vĩnh Tường)