BĐS TP.HCM ra sao khi chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp?

Google News

Việc TP.HCM chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để khai thác nguồn lực từ đất đai là cần thiết, đồng thời tạo ra điều kiện phát triển mạnh nền kinh tế và thị trường bất động sản của thành phố trong thời gian tới.

Tuy nhiên thành phố vẫn cần giữ lại quỹ đất nông nghiệp ở mức cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại.
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM diễn ra tuần trước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép TP.HCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, bất động sản.
Theo ông Nhân, đất nông nghiệp của TP.HCM hiện chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất, nhưng đóng góp của nông nghiệp vào GRDP của thành phố chỉ đạt 0,8%. Trong khi đó, đất cho công nghiệp, dịch vụ chiếm 8%, nhưng đóng góp đến 99% GRDP.
Vì vậy, TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, nhằm tăng diện tích đất cho lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, bất động sản tại TP.HCM. Quỹ đất được chuyển đổi mục đích nằm tại các quận 2, 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, vốn là đất trồng lúa phục vụ an ninh lương thực quốc gia và đất trồng cây lâu năm, nhưng đã nhiều năm không thể canh tác bởi tác động của đô thị hóa, ô nhiễm nguồn nước...
Hầu hết quỹ đất nông nghiệp này đã nằm trong ranh giới các khu đô thị được xác định trong lần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, được phê duyệt năm 2010, như đô thị cảng Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, Bình Quới - Thanh Đa...
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, đối với 26.000 ha chuyển mục đích sử dụng, nếu đất nông nghiệp của người dân thuộc quy hoạch đất ở, thì người dân được chuyển mục đích để xây nhà.
Với nhà đầu tư, nếu chuyển mục đích sử dụng khu đất đã chọn, phải được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư và phải hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trước khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Với những dự án do Nhà nước thu hồi đất, sau khi bồi thường giải phóng mặt bằng, mới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.
BDS TP.HCM ra sao khi chuyen doi 26.000 ha dat nong nghiep?
Đồng ruộng tại huyện Củ Chi. 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết việc thành phố chuyển đổi để khai thác nguồn lực từ đất đai là cần thiết. Đồng thời, việc chuyển đổi quỹ đất tạo ra điều kiện phát triển rất mạnh nền kinh tế và thị trường bất động sản của thành phố trong thời gian tới.
Hiện tại, TP.HCM có 118.052 ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ đem lại giá trị khoảng 6.494 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,89% GRDP, giá trị gia tăng chỉ đạt 55 triệu đồng/ha. Trong khi đó, đất công nghiệp - dịch vụ chỉ có 14.264 ha nhưng đã tạo được giá trị đến 726.978 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 99,11% GRDP, giá trị gia tăng đã đạt đến 50,9 tỷ đồng/ha.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu lại băn khoăn về lộ trình chuyển đổi chỉ trong vòng chưa đến 3 năm. Ông Châu cho rằng, diện tích 26.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi là rất lớn. Nếu lộ trình từ nay đến năm 2020 để chuyển đổi toàn bộ diện tích này là không đơn giản, khó khả thi.
Theo ông Châu, nguồn lực đất đai là vô cùng to lớn. Giá trị của từng khu đất cũng không ngừng gia tăng theo thời gian. Do đó, thành phố cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi phù hợp để phát huy hết được mọi hiệu quả từ nguồn đất này mang đến.
"Thành phố vẫn cần giữ lại quỹ đất nông nghiệp ở mức cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, trở thành trung tâm về giống mới cây trồng, vật nuôi, công nghệ nuôi trồng mới, tiên tiến, và cũng cần giữ lại quỹ đất dự trữ cho các thế hệ tương lai", Chủ tịch HoREA đề nghị.
Một chuyên gia bất động sản nhận định việc chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp như nói trên sẽ đáp ứng nhu cầu lớn của các doanh nghiệp địa ốc, bởi quỹ đất để phát triển bất động sản tại TP.HCM đang khan hiếm. Trong khi đó, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà nhiều doanh nghiệp ngoại cũng đang “đổ bộ”, săn lùng quỹ đất tại TP.HCM để phát triển dự án bất động sản, khiến cuộc cạnh tranh giành quỹ đất ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, vị này cũng cảnh báo trong quá trình triển khai chuyển đổi đất nông nghiệp, TP.HCM cần có giải pháp nhằm ngăn chặn việc mua bán, đẩy giá nhà đất tăng cao dẫn đến sốt đất của các đầu nậu; không thổi phồng bong bóng bất động sản, làm ảnh hưởng đến các dự án khác trên địa bàn cũng như tác động không tốt đến thị trường bất động sản của thành phố.
 
Theo Nam Sơn/Dân Việt